Để giải quyết biến đổi khí hậu, AI phải là 'Green AI' | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Để giải quyết biến đổi khí hậu, AI phải là ‘Green AI’

Tin tức 16/12/2019

VNExpress – AI (trí tuệ nhân tạo) hiện tiêu thụ nhiều điện năng, gián tiếp sản sinh ra khí carbon nếu không sử dụng năng lượng tái tạo.

Đó là cảnh báo của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền, Đại học Deakin – Australia về nghịch lý của phát triển công nghệ AI, trong khuôn khổ hội thảo “Giải pháp AI trong ứng phó biến đổi khí hậu”, do Trung tâm xSeries – FUNiX và ĐH Swinburne phối hợp tổ chức vào ngày 11/12 tại Hà Nội.

Chương trình có sự tham dự của nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về AI và biến đổi khí hậu: PGS.TS Trần Thế Truyền, Đại học Deakin – Australia; Thạc sĩ Lê Công Thành, CEO InfoRe, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia Biến đổi khí hậu cùng đại diện của FUNiX và ĐH Swinburne. Sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng CNTT và khoa học môi trường.

Hội thảo Giải pháp AI trong ứng phó biến đổi khí hậu có sự tham dự của các chuyên gia uy tín hàng đầu về CNTT và biến đổi khí hậu.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Thế Truyền – thành viên của Viện trí tuệ nhân tạo ứng dụng – Đại học Deakin cho biết, trước đây AI dựa nhiều vào tri thức của chuyên gia, ngày nay AI phát triển trí tuệ nhân tạo bằng việc học từ dữ liệu, trở thành một phần của cuộc sống, đi vào mọi lĩnh vực.Công nghệ giải quyết bài toán về môi trường

Từ câu chuyện về vụ cháy rừng Amazon kinh hoàng, PGS.TS Truyền khẳng định, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Đặc biệt, sự biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ ảnh hưởng đến những nước nghèo (như Việt Nam) trầm trọng hơn.

Là công nghệ có tính phổ quát, phục vụ nhiều ngành, theo PGS.TS Truyền, AI hoàn toàn có thể tham gia giải quyết biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Cụ thể, AI có thể làm cho các hệ thống như điện, giao thông, thành phố thông minh có hiệu năng cao hơn; cung cấp các giải pháp viễn thám, hệ thống giám sát tự động; cung cấp các dự báo chính xác, cục bộ địa phương và nhanh chóng hơn; hỗ trợ tìm ra quan hệ nhân quả và định lượng độ bất định các dự báo, qua đó giúp hiểu sâu sắc hơn các hiện tượng thời tiết…

PGS.TS Truyền lấy dẫn chứng trên thế giới, AI đã được nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, như Google áp dụng AI giúp tăng hiệu suất lên 10-20% cho một nhà máy điện gió; những cảm biến giám sát tại Australia giúp phân loại, định lượng động thực vật, phát hiện cháy rừng, phá rừng, giám sát tình trạng sức khỏe của các rặng san hô… Hay trong lĩnh vực giao thông, AI dự báo tốc độ, mật độ xe dựa trên dữ liệu thời tiết, dữ liệu lưu thông xe cộ với mục đích giảm thiểu ô nhiễm.

Bên cạnh những tác động tích cực, PGS.TS Truyền cũng đưa ra cảnh báo nghịch lý của phát triển công nghệ và cho rằng AI hiện sử dụng quá nhiều năng lượng, qua đó gián tiếp sản sinh ra nhiều khí carbon. Vì vậy cần phát triển mô hình AI tinh gọn để giảm thiểu lượng carbon từ chính các máy móc AI đang sử dụng.

“Để tham gia giải quyết biến đổi khí hậu, bản thân AI phải xanh và sử dụng năng lượng sạch” – PGS.TS Truyền khẳng định.

Đứng đầu doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng AI, Thạc sĩ Lê Công Thành, CEO InfoRe, đề cao vai trò của dữ liệu và xử lý dữ liệu để giải các bài toán thực tế của cuộc sống. Theo anh, cùng với biến đổi khí hậu, xã hội đang có nhiều bài toán lớn mà công nghệ và AI giải quyết được, chỉ cần dữ liệu đủ lớn.

“Nếu coi AI là điện năng mới, thì dữ liệu là dầu mỏ, than đá, thủy điện… Chúng ta phải giải quyết bài toán dữ liệu, không chỉ trong riêng vấn đề biến đổi khí hậu mà nhiều vấn đề khác”, anh Lê Công Thành chia sẻ.

  Sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng CNTT và khoa học môi trường.

Nhân lực – yếu tố then chốt trong việc đưa công nghệ vào đời sống một cách đắc lực cũng là chủ đề nóng được các khách mời của chương trình đề cập tới. “Công nghệ không chưa đủ – quan trọng là con người sử dụng công nghệ như thế nào” – PGS.TS Trần Thế Truyền nêu vấn đề.Nhân lực là yếu tố then chốt

Các chuyên gia đồng tình rằng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không phải là câu chuyện của tương lai xa. Chính thế hệ hiện tại sẽ phải đối mặt với thực trạng này và cần bắt tay ngay vào giải quyết.

Theo Thạc sĩ Lê Công Thành, các bài toán lớn này cần có sự tham gia của nhiều người để tìm lời giải. Trong đó, mỗi người chỉ cần đóng góp một phần nhỏ bằng chia sẻ dữ liệu và sự tham gia của các chuyên gia cao cấp chắc chắn sẽ tìm được lời giải.

“Với hơn 100 triệu dân, nguồn tài nguyên dữ liệu của Việt Nam rất lớn, đây cũng chính là cơ hội mà Việt Nam đang nắm giữ”, anh Thành nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các chia sẻ về cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp trong ngành AI và các vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong lĩnh vực CNTT và khoa học môi trường.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng không quá khó để học và theo ngành AI. “Để học và ứng dụng được AI không cần đến những bộ óc siêu việt. Công nghệ AI bắt đầu từ những thứ rất cơ bản, hệ sinh thái AI đã dần hoàn thiện và mở. Nhiều sinh viên CNTT chỉ cần nửa năm học, sau đó thực tập là có thể làm được”, anh Truyền chia sẻ thêm.

Với vai trò là chuyên gia về biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng việc lựa chọn một mô hình để giải quyết biến đổi khí hậu cũng là yếu tố cần cân nhắc. Một mô hình bền vững giải quyết được các bài toán dài hạn, tuy nhiên, nhiều khi chúng ta phải chọn mô hình linh hoạt và chấp nhận giải pháp ngắn hạn để giải quyết các vấn đề nóng trước mắt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cũng cho rằng, nhiều vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí trong thời điểm hiện tại có thể làm kỹ, làm sâu hơn để có dự báo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhân sự thực hiện trong thời điểm này. Chúng ta có thể làm được nhiều hơn với sự hỗ trợ của AI. Đây cũng là cơ hội lớn cho các chuyên gia công nghệ vào cuộc.

Tham gia hội thảo, một học viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính đánh giá: “Các chuyên gia đã có những thông tin chia sẻ hữu ích về AI, đặc biệt trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay. Tôi rất quan tâm đến công nghệ và ứng dụng của công nghệ trong đời sống. Trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình trí tuệ nhân tạo này để thực hiện nhiều mục tiêu lâu dài”.

Biến đổi khí hậu là vấn đề được cộng đồng ưu tiên quan tâm hàng đầu. AI là công nghệ phục vụ cho rất nhiều ngành, giúp ích cho hoạt động dự báo, tự động hóa và tối ưu hóa. Việc ứng dụng AI giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được đánh giá là hoạt động cấp thiết, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Là đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao, FUNiX tổ chức nhiều hội thảo AI tại các trường đại học và doanh nghiệp, đồng thời tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo về AI uy tín tại Việt Nam với mục tiêu lan tỏa hiểu biết về lĩnh vực AI tới cộng đồng.

Vân Anh

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!