Làm game bắt đầu như thế nào | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Làm game bắt đầu như thế nào

Tin tức 06/11/2020

Tối 31/10 chương trình Zoomtalk chủ đề “Làm game bắt đầu như thế nào” do FUNiX tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của diễn giả anh Nguyễn Trung – CTO tại .GEARS – công ty do anh Nguyễn Hà Đông sáng lập.

Xuất phát điểm là một Kỹ sư phần mềm, anh Trung sau đó rẽ hướng sang Graphic Design và gắn bó với việc làm game từ nhiều năm nay. Với 10 năm kinh nghiệm trong ngành, anh đã mang đến cho các xTer FUNiX những kiến thức sống động và hữu ích về nghề Game. Trong hơn một giờ đồng hồ chia sẻ kiến thức, anh đón nhận gần 40 câu hỏi từ người nghe, tập trung quanh các vấn đề về cách làm game, phát hành game và những kỹ năng, công cụ để có thể phát triển trong lĩnh vực nhiều triển vọng này.

Anh Nguyễn Thế Trung – CTO .GEARS Studio chia sẻ trong buổi talk

Mở đầu buổi trò chuyện, anh Trung chia sẻ về niềm đam mê game. “Với mình, làm game giống như một hình thức nghệ thuật, mình lấy cảm hứng từ việc làm game” – anh Trung chia sẻ.

Khẳng định làm game cần cảm hứng và đam mê, anh Trung cho rằng “không cần học lập trình cũng có thể làm game”. Tuy nhiên, con đường làm game cũng đòi hỏi bạn có những kiến thức, kỹ năng nhất định mà muốn thành công thì bạn sẽ phải không ngừng học hỏi.

Từ những kinh nghiệm cá nhân, anh Trung khái quát quy trình làm game cơ bản: Cần một ý tưởng – Cách chơi – Bản chơi thử – Công cụ để làm – Tạo nội dung – Kiểm thử – Đóng gói/ phát hành.

Đây là một quy trình khá phức tạp, vì vậy bạn cần lên kế hoạch cụ thể khi bắt đầu. Những câu hỏi cần bạn trả lời là: Làm game cho ai, lứa tuổi nào, giới tính và đặc điểm của họ?… Từ đó, người làm game sẽ chọn ra được dòng game, thể loại, phong cách chơi thích hợp cũng như xem xét cách phát hành để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo anh Trung, ngành game có hai mô hình phát triển. Game công nghiệp (Game Industry) giống như một công ty lớn, với số lượng người trong nhóm từ 10 – hàng nghìn người, mỗi dự án có phạm vi rộng, thời gian hoàn thành lâu và một kế hoạch định sẵn. Khi tham gia những doanh nghiệp này, bạn có lợi thế là chỉ cần chuyên tâm thực hiện một vai trò trong đó, nhưng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về kiến thức, kĩ năng…

Trái lại, Game độc lập (Indie Game) lại có mô hình nhỏ – mỗi team dưới 10 người. Các dự án Indie Game có phạm vi nhỏ và mỗi thành viên thường “kham” nhiều vai trò cùng lúc. Như anh Trung tại .GEARS, vừa vẽ, vừa code, vừa quản lý dự án.

“Điểm sáng là bạn có thể trao đổi trực tiếp nhanh, thay đổi yêu cầu của dự án nhanh hơn, ra bản thử nghiệm nhanh thậm chí chỉ trong một ngày… Thời gian để hoàn thành một sản phẩm game nhanh, theo tuần, tháng… Bạn có thể sử dụng nhiều tool, công nghệ miễn là phù hợp. Nhược điểm lớn nhất của các công ty Indie Game là rủi ro “có thể chết bất cứ lúc nào” vì nhiều lý do khác nhau – chủ quan lẫn khách quan” – anh Trung nhận xét.

Trước sự quan tâm của đông đảo khán giả, anh Trung trả lời hàng chục câu hỏi như: Gợi ý một số framework, Engine để các bạn có thể bắt đầu học làm game, làm đồ họa cho Game; Ngôn ngữ lập trình phù hợp để làm game; Các xu hướng game hiện có; Chiến thuật ra mắt game trên Store, các nền tảng để bán Game…

Với kinh nghiệm 10 năm kinh nghiệm làm việc anh Trung giúp các bạn trẻ gần hơn với nghề làm game

Với câu hỏi “Muốn làm game phải bắt đầu như thế nào”, anh Trung giải đáp: Bạn trẻ cần học về game design, hiểu cách game vận hành; Tìm hiểu tiếp các bước như làm game trên máy tính hay điện thoại… Và tiếp tục tìm hiểu, học hỏi không ngừng các vấn đề tiếp nối về phát hành game, thêm quảng cáo vào game…

“Làm game thì không nhất thiết phải học đại học. Nhưng nếu bạn chưa biết bắt đầu ra sao, thì học luôn ngành Software Engineering tại một trường đại học để có kiến thức nền tảng, sau đó tự tìm hiểu vẫn là hướng đi “an toàn” – anh Trung đưa ra lời khuyên.

Là người đề cao việc tự học, bản thân cũng tự học là chính từ thời sinh viên, anh Trung gợi ý các bạn trẻ học để có cái nhìn  tổng quan về Game như: Nếu thích game design thì có thể học các trường về Mỹ thuật, Arena hoặc các khóa đào tạo về Game concept, Game concept art… Việc học tập không dạy bạn làm game bài bản, mà sẽ cho bạn góc nhìn tổng quan. Còn lại hành trình phát triển sự nghiệp theo hướng lập trình game sẽ do bạn tự mình khám phá.

Anh đưa ra lời khuyên cho xTer FUNiX có ý định làm game chính là không nên sao chép, tránh tình trạng vi phạm bản quyền. Những bạn trẻ quan tâm muốn tới tham quan, học hỏi về Game có thể đến văn phòng của .GEARS để cùng trao đổi, công ty luôn sẵn sàng đón tiếp các học viên FUNiX.

Khoảng 50 người online theo dõi xuyên suốt buổi talk đã thảo luận sôi nổi về chủ đề “Làm game”. Những kiến thức đầy đặn và giải đáp cặn kẽ của anh Trung Nguyễn khiến khán giả “no nê” về mặt thông tin cũng như được truyền thêm cảm hứng để bắt đầu những dự án Game của mình. Nickname “Bánh Canh Chả Cá” cảm thán: “Tham gia buổi này mình mới biết Defold Engine (một engine đa nền tảng) luôn, cảm ơn diễn giả nhiều”. 

Nụ cười rạng rỡ trên môi của từng thành viên tham gia buổi talk

Bên cạnh đó, bản thân các bạn khán giả cũng nhiệt tình hỏi – đáp, chia sẻ kinh nghiệm và vấn đề gặp phải khi làm game thông qua chat thảo luận đã góp phần làm nên một buổi ZoomTalk ý nghĩa và bổ ích.

“Một chương trình có thể nói là “hoàn hảo”, em rất ấn tượng với lời khuyên nhận được sau buổi talk: Hãy học tất cả mọi thứ mà em có thể” – Nguyễn Hoàng Minh, xTer FUNiX chia sẻ.

Box:

Hỏi – đáp về Lập trình game cùng anh Nguyễn Hà Đông:

Không thể tham gia ZoomTalk ở phần hỏi – đáp như kế hoạch, anh Nguyễn Hà Đông, Founder .GEARS đã trả lời những câu hỏi mà xTer gửi đến mình thông qua đại diện của của công ty. Dưới đây là nội dung chính các câu hỏi – đáp của Founder .GEARS tại ZoomTalk ngày 31/10.

  1. Hỏi:

Không biết lập trình có làm game được không? 

Trả lời: Trong phát triển game, lập trình tham gia vào 2 công đoạn trong 4 công đoạn chính: (1). Nghiên cứu và thử nghiệm. (có coding) (2). Thiết kế và lên kế hoạch. (3). Lập trình. (coding) (4). Kiểm thử và đóng gói. Nếu bạn biết lập trình thì có thể một mình làm cả 4 công đoạn trên. Học lập trình rất có lợi trong phát triển game.

Ngày nay, visual scripting cũng rất mạnh, dần dần sẽ thay thế viết code tuy nhiên tư duy lập trình vẫn cần phải có để sử dụng hiệu quả công cụ.

  1. Hỏi:

Anh nhận định như thế nào về gaming ngày nay? 

Trả lời: Ngày nay gaming là dành cho tất cả mọi người. Do đó, dễ chơi là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong việc chọn game để chơi. Dù bạn muốn chơi game hành động, game giải đố hay boardgame thì nếu game quá khó hiểu thì bạn cũng sẵn sàng bỏ qua, do chúng ta có quá nhiều lựa chọn.

Các game cho phép người chơi được đóng vai, giao tiếp và tương tác với các người chơi khác sẽ nhanh được chú ý hơn là các game chơi đơn. Ví dụ như Fall Guys, Among Us, PUBG… 

Boardgame cũng sẽ dần phổ biến ở Việt Nam như các nước phát triển do tính chất dễ tiếp cận của nó: bạn ko cần có máy tính hay công cụ gì phức tạp, chỉ cần $50 để mua một bộ boardgame là có thể giải trí từ 2-3 tiếng với 4-5 người khác.

  1. Hỏi: Cloud gaming, ưu và nhược điểm?

 Trả lời: Ưu điểm của Cloud Gaming thứ nhất là dễ tiếp cận. Thiết bị nào có internet đủ nhanh đều chơi được. Không cần cấu hình cao. 

Thứ hai là khả năng chia sẻ: Có thể chia sẻ bất kỳ khoảnh khắc nào trong game để cho người khác tiếp tục chơi hộ. 

Thứ ba, Cloud Gaming dễ cập nhật: nhà phát triển có thể cập nhật game cho tất cả mọi người chơi cùng lúc. 

Nhược điểm của Cloud Gaming là đường truyền hiện nay độ trễ quá lớn để chơi được game hành động.

  1. Hỏi: Theo anh thì học làm game nên chú trong việc giải thuật, thuật toán thi đấu hay chú trọng về công nghệ, engine ạ? 

Trả lời: Điều này còn tùy vào thể loại game bạn theo đuổi. Bạn cần chú trọng vào công nghệ nếu bạn làm game trong các studio lớn. Bạn sẽ cần chú trọng vào giải pháp nếu bạn làm game Indie. Và bạn cần chú trọng vào quy trình nếu bạn muốn lập công ty sản xuất game.

Quỳnh Anh – Vân Nguyễn

Xem thêm về Zoom Talk tại đây:  

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!