Dễ như bí kíp ứng phó thay đổi công nghệ của lập trình viên | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Dễ như bí kíp ứng phó thay đổi công nghệ của lập trình viên

Tin tức 08/05/2017

Đối với lập trình viên làm việc trong môi trường công nghệ, việc thích ứng với những thay đổi có thể nói là điều kiện “sống còn”. Với anh Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc phụ trách Công nghệ – Công ty cổ phần MISA, sự thích ứng ấy hóa ra là bắt đầu từ những lưu ý rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày – khi làm việc cũng như khi học tập. Nếu gọi là “bí kíp”, thì chúng thực ra không hề khó.

Lập trình viên đừng tham “biết nhiều nhưng không vững”

Tham dự xDay 17 do Đại học FUNiX tổ chức sáng 7/5 tại Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Tùng –  Phó Giám đốc phụ trách Công nghệ – Công ty cổ phần MISA đã có cuộc trò chuyện chia sẻ về những bí kíp của mình. Chúng đã theo anh trong suốt quãng thời gian học tập và hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từng bước giúp em có được thành công như hiện tại: Làm quản lý cao cấp trong công ty công nghệ có tiếng của Việt Nam, được nhiều người biết đến và nắm giữ những danh hiệu đáng mơ ước trong lĩnh vực lập trình.

Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ bí kíp thích ứng với biến đổi công nghệ tại XDay 17
Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ bí kíp thích ứng với biến đổi công nghệ tại XDay 17

Xuất hiện giản dị và chia sẻ với phong thái từ tốn, khiêm nhường, anh Thanh Tùng lần lượt trao đổi với các xTer và xMen của FUNiX những lời khuyên cho các bạn lập trình viên trong bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày.

Phác họa nhanh bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay, anh Tùng chỉ ra 3 hướng đi chính cho các lập trình viên như website,  phát triển ứng dụng, các công nghệ mới như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, theo anh Tùng, các bạn trẻ nên bắt đầu một hướng phù hợp và gắn bó với nó cho đến khi trở nên thông thạo, chứ đừng nóng vội, tham học nhiều, biết nhiều nhưng không vững được bất cứ công nghệ nào.

“Các bạn sẽ học hỏi rất nhanh một khi sử dụng và thông thạo một ngôn ngữ/framework nào đó. Khi đã có nền tảng vững chắc thì chuyển sang công nghệ mới, bạn có thể học hỏi rất nhanh. Ngược lại, đừng để mình rơi vào tình trạng “hỏi gì cũng biết” nhưng khi gặp bài toán cụ thể thì lại không thể đưa ra được lời giải. Hiểu thật sâu một lĩnh vực trước khi chuyển sang lĩnh vực khác giúp bạn không lãng phí thời gian” – anh Tùng chia sẻ.

Từ góc độ cá nhân, anh Tùng lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm để lập trình viên từng bước tích lũy kiến thức, vượt qua những thách thức trong công nghệ. Những kinh nghiệm đó là:  Học ngoại ngữ (Tiếng Anh), Trang bị kiến thức nền tảng tốt; Luôn có tinh thần học hỏi; Luôn cập nhật tin tức; Viết blog chia sẻ cho cộng đồng; Tham dự các cuộc thi và thực hành thật nhiều.

“Mỗi người cần 10 nghìn giờ luyện tập để có thể trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào. Lập trình viên cũng vậy, hãy code, và nếu có thể, duy trì những dự án cá nhân để code liên tục, cho dù bạn nắm giữ vị trí nào đi chăng nữa” – anh Tùng đưa ra lời khuyên.

Anh Tùng cũng bật mí, anh lựa chọn việc học trực tuyến để đáp ứng nhu cầu học hỏi, hoàn thiện kiến thức của mình. Anh đánh giá cao các khóa học trực tuyến và thường mỗi tuần hoàn thành một khóa học.

Đừng bao giờ ngừng code

Lắng nghe phần chia sẻ của diễn giả Thanh Tùng, người nghe đúc rút được những bài học riêng. Sau phần trò chuyện, là phần hỏi đáp giúp mọi người cùng trao đổi các thắc mắc, băn khoăn của mình với diễn giả. Một số khán giả nhờ anh Tùng giải tư vấn ở góc độ của nhà tuyển dụng, đàn anh và đồng nghiệp. Bên cạnh những câu trả lời, anh Thanh Tùng tiếp túc đưa ra những lời khuyên cụ thể, giúp người nghe có cái nhìn cận cảnh hơn về lĩnh vực CNTT- những điều đơn giản giúp họ thích ứng với biến đổi của công nghệ thông tin.

PGĐ Công nghệ của Công ty MISA đánh giá cao các khóa học trực tuyến - một bí quyết học hỏi rất tốt cho mọi người.
PGĐ Công nghệ của Công ty MISA đánh giá cao các khóa học trực tuyến – một bí quyết học hỏi rất tốt cho mọi người.

Cụ thể, anh khuyên mọi người nên vượt qua những rào cản cá nhân để sắp xếp thời gian hợp lý, dành quỹ thời gian cho việc học. Học, không nhất thiết phải là ngồi máy tính, hoặc đến lớp… mà hoàn toàn có thể học tranh thủ mọi lúc mọi nơi bằng các phương tiện điện thoại thông minh, máy tính bảng, theo dõi những trang tin/blog uy tín; học qua dự án của riêng mình…

Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra hạn chế khá lớn của bộ phận không nhỏ các lập trình viên Việt Nam là giao tiếp không tốt.

“Giao tiếp tốt cũng là một lợi thế và các lập trình viên Việt gặp hạn chế về giao tiếp nên tìm cách khắc phục để có thêm nhiều cơ hội” – anh chia sẻ.

Sau chương trình xTalk, anh Thanh Tùng nhận được quan tâm của đông đảo xTers, xMen FUNiX. Trước lời mời trở thành mentor của FUNiX, anh cho biết mình rất sẵn lòng.

Anh Hà Thế Quảng, một học viên của FUNiX cho biết, anh cảm thấy khá hài lòng với chương trình, vì qua đây đã giải mã  và xác định được khá rõ về nghề nghiệp tương lai của mình.  Còn anh Vương – một học viên đến từ Phú Thọ cho biết, anh rất tâm đắc với buổi trò chuyện với diễn giả Thanh Tùng.

“Đây là một chương trình hay, giúp học viên có thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích cũng như cơ hội giao lưu, mở rộng mối quan hệ” – anh Vương nói.

Quỳnh Anh

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại