ChatGPT là món quà “trên trời rơi xuống” với giáo dục Việt Nam
Đây là nhận định của Founder FUNiX TS Nguyễn Thành Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục" do Bộ GD-ĐT tổ chức vào chiều 13/02.
Tại sự kiện, TS Nguyễn Thành Nam đánh giá ChatGPT là “dòng nước mát”, “cơn mưa rào”, món quà “từ trên trời rơi xuống” với giáo dục Việt Nam, bởi nó giúp khắc phục một lỗi cơ bản trong thiết kế hệ thống giáo dục: Không tạo điều kiện cho người học được hỏi.
Theo ông, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải có khả năng tự học, muốn tự học được thì quan trọng nhất là phải đặt câu hỏi. Điều này không dễ dàng trong hệ thống giáo dục hiện tại: “Chúng ta biết rằng cần để thời gian cho học sinh hỏi nhưng thiết kế (tiết học) bình thường thầy dạy xong thì hết giờ, học sinh cũng mệt rồi. Thiết kế hệ thống không có chỗ học sinh đặt câu hỏi.”
Cựu Tổng Giám đốc FPT cho rằng lâu nay học sinh Việt Nam thường sợ hỏi, không dám hỏi, ChatGPT tạo điều kiện để học sinh có thể tự tin, thoải mái đặt câu hỏi hơn do không phải hỏi đáp với người thật. ChatGPT đã đi đúng bản chất của giáo dục, bởi vậy nó không đe dọa mà chỉ làm giáo dục tốt lên.
Tại FUNiX, ChatGPT được triển khai từ đầu tháng một để học viên sử dụng miễn phí trên hệ thống hỏi đáp nội bộ, Chỉ trong gần hai tháng, ChatGPT đã trả lời hàng nghìn câu hỏi của học viên. Nhiều câu hỏi chuyên môn về lập trình, kỹ thuật code, kiến thức công nghệ được học viên khai thác qua chatbot này. Ứng dụng cũng đưa ra các câu trả lời hữu ích khi học viên quan tâm tới định hướng nghề nghiệp IT, cách tự học hiệu quả…
Đại diện FUNiX chia sẻ, hỏi đáp là phương thức học tập cốt lõi của học viên FUNiX. Với mô hình học chú trọng quyền lợi được hỏi đáp 1:1 với chuyên gia, đơn vị luôn có hàng nghìn mentor là các chuyên gia công nghệ thông tin tham gia vào việc hỗ trợ học viên học tập. Việc tích hợp thêm ChatGPT vào hệ thống hỏi đáp nội bộ cung cấp cho học viên thêm công cụ để tham khảo trước kiến thức. Đồng thời, các mentor cũng tiết kiệm được thời gian, công sức hướng dẫn, có thể tập trung nhiều hơn vào vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Diễn giả tham gia tọa đàm gồm PGS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX; PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ TT-TT – ĐH Bách khoa Hà Nội; ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Microsoft VN .v.v.
ChatGPT là một chatbot AI được ra mắt bởi startup công nghệ OpenAI vào tháng 11/2022, có thể trả lời các câu hỏi của người dùng bằng văn bản. Công cụ này có thể tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu của khách hàng và có khả năng phân tích các yêu cầu để có câu trả lời phù hợp. ChatGPT hiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, trở thành ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử với 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt. |
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)