Mentor được yêu thích nhất tháng 12 chia sẻ về hành trình FUNiX | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Mentor được yêu thích nhất tháng 12 chia sẻ về hành trình FUNiX

Chân dung Mentor - Hannah 26/12/2021

Cùng FUNiX làm quen với Mentor Thái Duy Quý - hiện là giảng viên khoa CNTT ĐH Đà Lạt và người được bình chọn là Mentor được yêu thích nhất tháng 12.

Anh Quý đã làm mentor tại FUNiX được bao lâu? Cơ duyên nào đã đưa anh trở thành mentor của FUNiX?

Anh bắt đầu làm Mentor vào tháng 9 năm 2020. Anh biết tới FUNiX là do đồng nghiệp anh giới thiệu, lúc đó trong trường anh cũng có vài người đàn anh làm mentor. Thời điểm đó anh mới từ một chức vụ, quay lại làm giảng viên nên cũng thuộc dạng “rảnh”, do vậy đồng nghiệp kêu anh thử đăng ký làm Mentor để vừa rèn chuyên môn và có thể kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, anh đã vào đọc thông tin trong trang FUNiX và thấy thích hợp nên đăng ký thử với 10 môn học, hiện tại anh đang mentoring 16 môn.

Quá trình làm mentor mang lại những niềm vui nào cho anh? Ngoài ra, nó có mang lại lợi ích thực tế gì cho anh trong công việc/cuộc sống không?

Quá trình mentoring nhiều khi có những câu hỏi dạng yêu cầu sửa lỗi sai, ví dụ như môn PRF (lập trình di động), có những lỗi mà học viên gặp nó hơi quái dị, sửa không được trong phiên nên nhiều khi phải “xin” dự án của học viên về để nghiên cứu thêm. Có nhiều dự án làm mất cả buổi tối và cả sáng hôm sau, tìm được lỗi lại hẹn hv lên HF để giải thích, lúc đó cứ thao thao mà thuyết giảng vì mình hiểu vấn đề, và cũng được học viên khen nên nở mày nở mặt.

Quá trình làm mentor tại FUNiX, ba tháng đầu chỉ là Mentoring nên cũng chưa học hỏi được nhiều. Giai đoạn sau này anh tham gia khá nhiều khâu như Mentoring, Update, coi thi, chấm thi, review asm, review học liệu… nên anh học hỏi được nhiều thứ. Trước hết là về mặt kiến thức, kiến thức anh đã được cập nhật khá nhiều, chủ yếu là từ trong học liệu của môn học, thứ hai là anh học hỏi từ các mentor khác và thứ ba là từ quá trình ngoại khóa của FUNiX.

Thứ hai, anh cũng học được phong cách làm việc chuyên nghiệp từ các chuyên gia đến từ các công ty, doanh nghiệp.

Thứ ba là quá trình lên sóng trực tiếp như coaching, update đã giúp anh tự tin hơn, từ đó điều chỉnh được tốc độ nói và âm lượng (anh quê Nghệ An, biết mình nói nhanh nhưng chưa sửa được).

Cuối cùng, quá trình tham gia làm mentor FUNiX cũng đã mang lại cho anh thêm lợi ích về kinh tế, ban đầu chỉ nghĩ là kiếm thêm thu nhập thụ động nhưng sau khi được một Hannah khuyên nên phấn đấu như mấy mentor khác để có thu nhập cao hơn, thế là anh bắt đầu cố gắng, sự cố gắng dần dần đã mang lại thu nhập cũng đủ để trang trải thêm.

Có khi nào học viên làm anh buồn, nản không? Tại những thời điểm như vậy, anh làm gì để tìm kiếm động lực để tiếp tục?

Anh tham gia nhiều khâu ở FUNiX nên cũng gặp gỡ khá nhiều học viên, có nhiều lúc học viên khá lười học hoặc mất công giảng cho học viên khá kỹ nhưng học viên lúc thi vẫn rớt, những lúc như vậy mình tự thấy có lỗi hoặc hơi buồn. Nhưng những tình huống như vậy nó cũng ít mà đa số là giúp cho học viên hiểu bài và cảm ơn nên mình vẫn tiếp tục có động lực để làm việc tiếp.

Nhiều mentor ở FUNiX từng nói về những thử thách khi mentor online, như hạn chế về giao tiếp, hạn chế về tương tác trực tiếp và cảm xúc… Anh có thể chia sẻ về những khó khăn mà mình gặp phải không?

Nói chung, học viên FUNiX đa dạng, nhiều thành phần nên nhiều em thì học nhanh, thông minh nhưng cũng có nhiều em rất khó bảo, cứng đầu. Do vậy làm mentor nhiều khi cũng phải biết kìm nén cảm xúc. Ví dụ như một lần anh review asm cho một bạn, bạn này làm bài quá sơ sài và đơn giản nên mặc dù đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chí nhưng không phù hợp với thực tế. Anh giải thích thế nào cũng không chịu, cứ khăng khăng là em làm đúng. Cuối cùng bạn ấy nói là “anh không cần giải thích nữa vì đằng nào anh cũng không cho em qua và em hi vọng lần sau phỏng vấn em không gặp lại anh!”.

Một số lần khác, khi tham gia các phiên cập nhật tiến độ học tập, một số học viên rất lười học, mà lại bị bố mẹ ép học nên kiểu bất cần đời, lúc đó có nói gì thì học viên cũng “bỏ qua”, học viện thậm chí không nhìn màn hình để nghe, lúc đó mặc dù hơi ức chế nhưng cũng phải nhẫn nhịn.

Anh có đặt cho mình nguyên tắc/phương châm nào trong công việc mentor không?

Công việc làm Mentor đã mang lại cho anh khá nhiều thứ hữu ích, cũng có nhiều lúc khá là mệt. Công việc này nó gần gũi với nghề mà anh đang làm nên anh cảm thấy phù hợp và sẽ cố gắng hơn nữa trong tương lai. Phương châm của anh là cứ coi học viên như sinh viên của mình, giúp được bao nhiêu thì giúp.

Anh có nhận xét gì về mô hình dạy online tại FUNiX?

Ban đầu khi tham gia FUNiX anh suy nghĩ về một mô hình mà ở đó không có ai dạy, sinh viên thì tự học liệu có chất lượng hay không? Nhưng càng tham gia sâu càng thấy tính chuyên nghiệp trong đó. Học liệu thì được chuẩn bị kỹ lưỡng, học viên thì được chăm sóc từng em một. Và trên hết, FUNiX có một mạng lưới rộng khắp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhiều bạn bè hỏi anh là chất lượng đầu ra thế nào, anh trả lời ngay là quá trình coi thi nghiêm ngặt cộng với tính công tâm từ những mentor đến từ doanh nghiệp nên chất lượng được đảm bảo.

Tại sao anh lại lựa chọn đi theo con đường CNTT?

Anh thích CNTT từ những năm cấp ba, hồi đó không có máy tính nhưng khi tham gia học nghề tin học, thấy các thầy giải phương trình bậc một, bậc hai bằng lập trình thấy hay nên thích.Ttừ đó khi chọn nguyện vọng học đại học, nguyện vọng 3 (hồi đó cho chọn 3 nguyện vọng) anh điền CNTT Đại học Đà Lạt, nhưng không ngờ 2 nguyện vọng đầu trượt, khi vào học Đại học Đà Lạt anh thấy thích khí hậu nơi đây nên ở lại luôn. Từ đó anh đi theo ngành CNTT.

Được biết anh đang là giảng viên tại ĐH Đà Lạt. Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại không?

Anh ra trường là ở lại làm giảng viên từ năm 2008 tại Khoa CNTT Đại học Đà Lạt. Chuyên ngành nghiên cứu hiện tại của anh là Computer Vision (thị giác máy tính) Công việc hiện tại của anh là chuyên dạy về công nghệ phần mềm. Anh dạy các môn chuyên về lập trình liên quan đến các lĩnh vực như: Web, Desktop, Mobile và lập trình Game.

Công việc giảng viên tại Đại học Đà Lạt cũng có nhiều niềm vui khi đứng trên giảng đường để dạy sinh viên. Khoa CNTT Đại học Đà Lạt đào tạo theo hướng công nghệ nên các giảng viên khá là vất vả trong việc chạy theo các công nghệ vì công nghệ thay đổi liên tục. Nhưng bù lại, bên khoa anh đào tạo luôn bắt kịp xu thế nên sinh viên tốt nghiệp ra trường luôn đảm bảo có việc làm, đó cũng chính là niềm vui của người đi dạy như anh.

Cảm ơn Mentor vì đã dành thời gian trò chuyện cùng FUNiX!

Vân Nguyễn (thực hiện)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!