My FUNiX story #1: Cho đi trước - Nhận về sau | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

My FUNiX story #1: Cho đi trước – Nhận về sau

Chân dung xTer 13/09/2020

Bài dự thi My FUNiX story đầu tiên đến từ xTer Nguyễn Quốc Tuấn, hiện là sinh viên CC4 tại FUNiX.

Năm 2010

1 bài kiểm tra Lý 4 điểm, 1 bài kiểm tra Hóa 4.5 điểm, nói chung là chỉ có mỗi môn Toán làm niềm tin, thi tốt nghiệp xếp loại trung bình. 3 tháng sau trúng tuyển vô một trường trong hệ thống ĐHQG TPHCM => không ai quan tâm ngày đến cái bằng tốt nghiệp THPT nữa.

Năm 2011

Rớt 2, 3 môn gì đấy trong năm đầu, điểm thì thuộc top tệ. Xong luận văn tốt nghiệp 7.8, ráng chút nữa là được giỏi => không ai quan tâm mấy cái môn bị rớt kia nữa.

Năm 2015

Ra trường, bỏ nghề chính vì không thấy hứng thú, xác định ngay từ đầu chắc chắn sẽ tìm một cái nghề cho phù hợp. Thấy thích IT từ những môn mathlab dành cho toán ứng dụng. Nhưng mà hồi đó cứ đinh ninh nghĩ rằng đó đơn giản chỉ là 1 kỹ năng mà mình may mắn học lóm được, chứ muốn chuyển ngành thì phải học bài bản đàng hoàng.  Công việc đầu tiên là làm giám sát an toàn cho công trình cơ điện. Trong quá trình đi làm thi thoảng cũng hay “lo chuyện bao đồng”, tham gia chung với mấy anh công nhân cho vui. Thi thoảng cũng được sếp “test” vài câu cho vui vui. Ai ngờ test chơi mà ăn thiệt, sau 2 tháng sếp nói muốn cho mình đi thêm công trình ở chỗ khác để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng mình quyết định nghỉ khi chưa ký hợp đồng chính thức vì thấy không hợp với việc đi lang thang ngoài công trình. Xin tiếp được vào một công ty sản xuất, thời gian đầu dây chuyền mới khởi công nên không có việc gì làm, đi làm  “công nhân cơ khí” phụ với mấy anh trưởng ca, sẵn tìm hiểu về công nghệ cán thép luôn=> mang tiếng học đại học ra mà đi làm công nhân.

Năm 2016

Gần cuối 2016, dây chuyền hoàn thành, đi vào thử nghiệm, được trả về đúng vị trí “trợ lý cho quản đốc”=> chả ai nhớ lúc đó mình từng làm công nhân gần 1 năm trời. Nhưng thời gian đầu ở vị trí này cũng có chút mặc cảm vì dây chuyền chưa hoạt động nhiều, toàn làm mấy việc đơn giản như “thống kê nguyên liệu, nhập xuất sản phẩm đi dây chuyền khác”. Nhưng cái máu ham học thì vẫn có sẵn, lúc rảnh thì làm gì? Đi quan sát linh tinh mấy cái loại nguyên liệu rồi lẩm nhẩm nhớ lại hồi xưa mình có học về thí nghiệm vật liệu, nếu nguyên liệu này mà làm thế này thì kết quả sẽ là…làm thế kia thì kết quả sẽ là…, cộng với mấy cái chi tiết lắp ráp của hệ thống của dây chuyền mà mình đi làm “công nhân lắp ráp” trong 1 năm qua, thấy có kha khá thứ để nghiên cứu.

Năm 2017

Dây chuyền đã ổn định, mấy sếp bắt đầu nghĩ đến việc cải tiến, sắm cho dây chuyền cái máy đo tension to đùng. Đương nhiên thanh niên “bao đồng và hay ý kiến” được ưu tiên làm chủ cái máy đó. Trở thành một “nhân viên thí nghiệm vật liệu thép”, đo đạc và quan sát thống kê các chỉ số theo yêu cầu của lãnh đạo,tự nghiên cứu và đề xuất ý tưởng nếu có. Ngoài ra giữ thêm một cái kho sparepart “tiền tỉ” của giám đốc, gồm đồ điện và đồ cơ khí. Các công việc cũ vẫn giữ nguyên. Đương nhiên mọi thứ đều đã thoải mái hơn nhiều vì quy trình đã nắm hết, kỹ thuật cũng đủ xài.

Gần nửa năm sau, mọi thứ đã vào form, cái bản thống kê để kiểm soát cơ tính nguyên liệu cũng đã hoàn thành lại bắt đầu thấy chán vì việc cứ đều đều và thi thoảng rảnh quá nhiều vì đã thuộc lòng quy trình xử lý. Ngồi ngẫm nghĩ lại liệu mình đã thật sự phù hợp với công việc hiện tại chưa? Lại bắt đầu nhớ IT và tìm thấy trường đại học trực tuyến đầu tiên ở VN, và phát hiện ra mình đã nghĩ sai về ngành IT, ngồi nhà là đã học được rồi chứ chả cần phải đến trường.

Năm 2018

Cuối năm 2018, lại lần nữa quyết định “điên khùng” khi từ bỏ một công việc đã vào form, có thể nói là “ngày làm 4 tiếng nhưng lương 8 tiếng”. Rời công ty với lời động viên nhưng mang màu sắc cảnh báo của anh bạn kỹ sư hóa học bên dây chuyền tái sinh axit: “Ngày xưa anh có anh bạn cũng tự học rồi nhảy ngang qua IT như em nhưng phải mất tận 3 năm mới thành nghề”. Mình chỉ cười và nói: “Quyết tâm là được.Ổng giỏi thì ổng 3 năm còn em chưa giỏi thì em 5 năm” => cột mốc đánh dấu việc mang danh 1 thằng có bằng kỹ sư nhưng thất nghiệp năm 27 tuổi.

Năm 2019

Gần 10 tháng đầu tiên của 2019, ngồi nhà học Java(Core, Swing, Android, JSP) (thật ra thì cái đống này có 1 số là tàn dư của việc bảo lưu cc2 từ cuối 2018) , CSDL, thuật toán từ FUNiX, Front-end truyền thống từ HVCG (HTML,CSS,JS, Jquery, SASS, PUG). Chắc cũng 50% trong đó là ngồi chơi game và chán nản vì cái hiệu ứng “nhớt” khi không đi làm. Trước đó khi nghỉ anh giám đốc cũng khuyên hết lời là vừa làm vừa học, bỏ hẳn việc dễ bị lười, mất động lực. Bù thêm cái tội đã không làm thì thôi, làm thì lại ham 10 điểm, nguyên cái CC3 miss đúng 1 con 10. Lếch tới lếch lui một hồi cũng qua năm 2019 và có được bước nhảy đầu tiên bằng việc “nên duyên” với TMA => giờ thì chả ai còn nhớ mình là một đứa từng đi lãnh bảo hiểm  thất nghiệp, từng chọn lầm ngành, từng làm công nhân cơ khí,…

Năm 2020

2020, năm đầu tiên trong cái chu kỳ 5 năm mà mình từng bảo với anh bạn: được tạo cơ hội tiếp xúc nhiều thứ và nhận ra đây mới đúng cái nghề mình đang tìm, học hoài không hết kiến thức, không  phải đi vào lối mòn “công việc đều đều, không có đột phá”. Tên lắp sẵn trên cung, bắn nó đi hướng nào bây giờ hoàn toàn do mình tự quyết định. Kém chỗ nào thì bù đắp chỗ đó thôi. Và đương nhiên ban ngày đi làm, ban đêm khi thì học anh văn, học tiếp để lấy bằng. Không thiếu cái để học, chỉ lo không đủ sức khỏe và thời gian.

Cuối cùng bài học rút ra sau quãng đường chạy lòng vòng gần 10 năm mới xác định đúng đam mê của mình đó là gì?

  1. Thái độ quan trọng hơn trình độ: hầu như tất cả những vị trí công việc mà mình từng trải qua, ít khi mình thoái thác. Nhận việc => thử theo khả năng của mình => không ổn thì nhờ trợ giúp và đương nhiên luôn phải suy nghĩ là “mình có thể làm được”, năng động xử lý “hết công suất”.
  2. Đồng đội cực kỳ quan trọng: đôi khi chỉ việc “giúp một tay” và “chịu khó để ý” là đã có thể học được khối thứ hay ho từ đồng nghiệp.
  3. Dốt thì đừng dấu: có một sự thật là khi đi làm càng nói nhiều, càng thể hiện quan điểm nhiều và càng được góp ý thì sẽ có một cái hệ quả rất chi là lạ lùng: càng học, càng làm lại phát hiện ra mình dốt nhiều thứ. Đương nhiên “dốt” là để sửa chứ không phải để mặc cảm hay tự ti.
  4. Mục tiêu là cực kỳ quan trong: đường vòng đường thẳng gì thì cũng đến đích nếu kiên định về mục tiêu.

Giờ thì cuộc sống vẫn còn đôi chút khó khăn vì vẫn phải vừa làm vừa trang trải học phí, rồi còn học thêm Anh Văn để tranh thủ những cơ hội lớn hơn vì công ty đa số làm việc với khách hàng Âu Mĩ, nhưng đối lúc mình nghĩ đối với mình việc sống với đúng cái nghề mà mình muốn thế là đủ rồi. Khó khăn sẽ dần được giải quyết với việc mình luôn tâm niệm: Cho đi trước, nhận về sau!

Nguyễn Quốc Tuấn

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!