Lịch sử phát triển và các phiên bản của hệ điều hành Android

Lịch sử phát triển và các phiên bản của hệ điều hành Android

Chia sẻ kiến thức 03/05/2022

Để trở thành một nền tảng di động mạnh mẽ như ngày hôm nay, hệ điều hành Android đã trải qua một quá trình phát triển khá dài từ khi chiếc T-Mobile G1 xuất hiện. Mời các bạn cùng FUNiX ôn lại lịch sử phát triển và các phiên bản của hệ điều hành này nhé!

>> 10 cách tiết kiệm dữ liệu di động cho hệ điều hành Android

>> 10 trang web và kênh YouTube miễn phí để học phát triển ứng dụng cho hệ điều hành Android

1. Lịch sử phát triển của hệ điều hành Android

Sở dĩ, hệ điều hành này có tên gọi là Android vì công ty cha đẻ của nó chính là Android, Inc. Được biết, tháng 10/2003 công ty này chính thức được thành lập ở Palo Alto, California.

Đến ngày 17/08/2005 Google chính thức mua lại Android, Inc và cũng từ đó Android chính thức thuộc quyền sở hữu của Google. Tại đây,  nhóm Rubin đứng đầu chính thức cho thành lập và phát triển nền tảng thiết bị di động trên nền tảng Linux với lời hứa sẽ giúp nâng cấp hệ thống và cho nền tảng tích hợp một cách mượt mà.

Lịch sử phát triển của hệ điều hành Android
Lịch sử phát triển của hệ điều hành Android.

Đúng như lời hứa, Android bắt đầu với bản beta đầu tiên vào tháng 11/2007 và phiên bản thương mại đầu tiên là Android 1.0 được phát hành vào tháng 9/2008. Kể từ tháng 4/2009, phiên bản Android được phát triển và đặt tên theo chủ đề bánh kẹo và phát hành theo thứ tự bảng chữ cái.

Vào ngày 22/10/2008, khi chiếc điện thoại T-Mobile G1 bắt đầu được bán ra tại Mỹ. Thời gian đầu này, khá nhiều tính năng cơ bản bị thiếu sót như: cảm ứng đa điểm, bàn phím ảo và tính năng mua ứng dụng vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, một số tính năng cũng như giao diện đặc sản của hệ điều hành này đã trở thành những yếu tố không thể thiếu trên Android về sau này. 

2. Các phiên bản của hệ điều hành Android

Hệ điều hành Android ra mắt đầu tiên năm 2008 và đã trải qua hàng loạt các thay đổi nâng cấp để được như hiện nay. Dưới đây là các phiên bản của hệ điều hành Android.

2.1. Phiên bản Android 1.0

Những đặc điểm và tính năng của phiên bản này:

  • Thanh thông báo kéo từ trên xuống cho phép người dùng xem nhanh các thông tin ngày giờ, tin nhắn, cuộc gọi… 
  • Màn hình chính gồm các biểu tượng chương trình người dùng hay truy cập và các Widget là các ứng dụng nhỏ trên màn hình chính, hoạt động và cung cấp thông tin liên tục.
  • Tích hợp chặt chẽ với Gmail.
Phiên bản Android 1.0
Phiên bản Android 1.0

2.2 Phiên bản Android 1.1

Phiên bản này nổi bật với tính năng cập nhật phần mềm từ động qua OTA (Over The Air). Đây được xem là một cải tiến đáng giá vì các hệ điều hành di động trước đó muốn thực hiện đều cần sự hỗ trợ của một chiếc máy tính.

2.3 Phiên bản Android 1.5 Cupcake

Ở phiên bản này, Android bổ sung thêm một số tính năng giúp nó cạnh tranh với các nền tảng đối thủ khác như bàn phím ảo, cải tiến widget bằng cách làm đa dạng kho ứng dụng, hỗ trợ khả năng quay phim cho camera, cải tiến clipboard…. 

Đây cũng là bản Android đầu tiên được Google gọi tên theo các món đồ ăn với chữ cái bắt đầu được xếp theo thứ tự alphabet. Về mặt giao diện, Google chỉ điểm thêm vài điểm để làm giao diện trông bóng bẩy hơn.

2.4. Phiên bản Android 1.6 Donut

Phiên bản Android 1.6 hay còn gọi là phiên bản bánh Donut cũng có nhiều cải tiến đáng giá cả về giao diện lẫn tính năng. Đặc biệt là có hỗ trợ cho mạng CDMA. Trong đó, tính năng được bổ sung có thể chạy trên nhiều độ phân giải và tỉ lệ màn hình khác nhau. 

Ngoài ra, ở phiên bản này bạn có thể tìm kiếm danh bạ, ứng dụng, nhạc, tin nhắn,… tất cả đều chỉ thao tác trong một hộp tìm kiếm. Thêm nữa là Android Market giúp hiển thị các ứng dụng free và trả phí hàng đầu. 

2.5. Phiên bản Android 2.0 và 2.1 Éclair

Đầu tháng 9/2009, phiên bản Android 2.0 được ra mắt trên chiếc Motorola Droid cùng các tính năng mới như hỗ trợ nhiều tài khoản người dùng, Quick Contact, cải tiến bàn phím ảo, trình duyệt mới, giao diện mới đẹp hơn.

Android 2.1 cũng ra mắt sau đó chủ yếu để sửa lỗi và thêm hàm API để lập trình viên can thiệp sâu hơn vào hệ thống. Ngoài ra, nó cũng có hỗ trợ thêm một vài tính năng mới như Live Wallpaper, chuyển giọng nói thành văn bản và một màn hình khóa mới.

2.6. Phiên bản Android 2.2 Froyo

Năm 2010, phiên bản Android 2.2 được ra mắt với dòng điện thoại Nexus One. Theo đó, giao diện màn hình chính được thay đổi từ 3 màn hình chính tăng lên thành 5 màn hình. Dãy nút kích hoạt nhanh chế độ gọi điện, web và App Drawer cũng đã xuất hiện. Thêm vào đó là những chấm nhỏ ở góc trái, phải bên dưới của màn hình giúp người dùng biết mình đang xem đến màn hình nào….

Phiên bản Android 2.2 Froyo
Phiên bản Android 2.2 Froyo

2.7. Phiên bản Android 2.3 Gingerbread

Bản Android 2.3 tập trung vào việc phát triển game, đa phương tiện và phương thức truyền thông mới. Một số các tính năng mới của phiên bản này gồm: giao diện, hai thanh chặn khi chọn văn bản, bàn phím được cải tiến, công cụ quản lý pin và ứng dụng, hỗ trợ máy ảnh trước, hỗ trợ kết nối NFC,…

2.8. Phiên bản Android 3.x HoneyComb

Honeycomb là phiên bản hệ điều hành Android dành riêng cho máy tính bảng, và sản phẩm đầu tiên dùng hệ điều hành này Motorola Xoom. 

2.9. Phiên bản Android 4.0 Ice Cream Sandwich

Phiên bản Android 4.0 có sự thay đổi lớn khi hỗ trợ một bộ font mới tên là Roboto được cho là tối ưu hóa để dùng trên các màn hình độ phân giải cao hơn. Và có thể hiển thị được nhiều thông tin hơn trên màn hình. Hệ thống thông báo (Notification) cũng được làm mới đẹp và tiện dụng hơn. 

Đây cũng là lần đầu tiên Google hợp nhất hệ điều hành dành cho smartphone và cho máy tính bảng vào làm một.

2.10. Phiên bản Android 4.1 Jelly Bean

Về giao diện, không có nhiều thay đổi so với phiên bản Android 4.0, vẫn là màn hình chính với thanh dock bên dưới quen thuộc. Nổi bật nhất ở phiên bản này có lẽ là sự xuất hiện của Google Now cho thấy rằng Google đã bắt đầu bước chân vào việc cạnh tranh với Siri. 

2.11. Phiên bản Android 4.2 Jelly Bean

Ngày 30/10/2012, Google chính thức tuyên bố cập nhật hệ điều hành Android của hãng lên phiên bản 4.2 và vẫn giữ nguyên tên gọi “Jelly Bean”.

Một cải tiến lớn và quan trọng của phiên bản Android 4.2 đó là việc hỗ trợ nhiều tài khoản người dùng trên máy tính bảng để có thể dễ dàng chia sẻ trong gia đình hoặc nơi làm việc. Mỗi tài khoản sẽ có dữ liệu app của riêng họ. 

2. 12. Phiên bản Android 4.3 Jelly Bean

Ngày 24/7/2013, Google đã chính thức ra mắt phiên bản Android 4.3 Jelly Bean song song với chiếc Nexus 7 (2013). Đây là phiên bản Android mới nhất đang có mặt trên thị trường và đi kèm những tính năng mới như hỗ trợ kết nối Bluetooth Smart, bộ API OpenGL ES 3.0, bổ sung tính năng sử dụng Wifi để định vị ngay cả khi người dùng tắt kết nối này đi cùng nhiều thay đổi lớn nhỏ khác…

Phiên bản Android 4.3 Jelly Bean
Phiên bản Android 4.3 Jelly Bean.

2.13. Phiên bản Android 4.4 Kitkat

Thế hệ này được đổi tên là KitKat. Cách đặt tên này cũng hoàn toàn khớp với trình tự chữ cái mà các phiên bản hệ điều hành Android sử dụng làm tên mã. Những cải tiến trên Android Kitkat bao gồm Chế độ toàn màn hình – Immersive Mode, Hiệu ứng chuyển cảnh màn hình -Transition Manager, Storage Access Framework, Chromium WebView, NFC,Cổng hồng ngoại – Infrared Blasters …

2.14. Phiên bản Android 5.0 Lollipop

Sau hơn một năm phiên bản Android 4.0 KitKat ra mắt, Google đã chính thức trình làng phiên bản hậu duệ mới nhất với tên gọi Android Lollipop. Hệ điều hành này được đánh giá có những thay đổi rõ rệt và đáng kể nhất trong lịch sử Android từ trước đến nay. Cụ thể là thiết kế “Material” mới, Android trên mọi màn hình, Thiết kế báo nhắc hoàn toàn mới, Hỗ trợ chip 64 bit, Cải thiện thời lượng pin, Mở khóa dựa trên bối cảnh và tách bạch công việc và giải trí.

2.15. Phiên bản Android 6.0 (Android M)

Phiên bản Android 6.0 này có các tính năng mới như: launcher cuộn dọc, thông minh hơn, Now On Tap, có thể xem dung lượng RAM tiêu thụ mà không cần cài gì thêm, cho phép chỉnh tối ưu pin trên từng ứng dụng. Ngoài ra, menu copy / cut / paste cũng dễ hiểu hơn và Direct Share – chia sẻ nhanh hơn.

2.16. Phiên bản Android 7.0 (Android Nougat)

Phiên bản Android 7.0 được cải tiến với chế độ đa cửa sổ, thông báo hữu ích hơn, chế độ doze tiết kiệm pin hơn, tùy chọn cài đặt nhanh dễ dàng hơn. Ngoài ra, nó còn có thêm tính năng ẩn của System UI Tuner. Ở phiên bản hệ điều hành Android 7.0 có hỗ trợ tiết kiệm dữ liệu, chặn cuộc gọi,…

2.17 Phiên bản Android 8 Oreo

Vào ngày 21/08/2017 Google đã chính thức giới thiệu phiên bản hệ điều hành Android 8 Oreo. Ở phiên bản này tập trung chủ yếu vào cải tiến trải nghiệm người dùng, độ an toàn bảo mật và nền tảng xây dựng. 

Một số tính năng thú vị của phiên bản Android này là: giới hạn ứng dụng chạy nền, tính năng picture-in-picture, chế độ nhập liệu tự động.

Ngoài ra, phiên bản Android 8.0 còn bổ sung thêm các tính năng nổi bật khác như: Nhóm thông báo theo từng kênh, hỗ trợ điều hướng với bàn phím vật lý, mở rộng dải màu trong các ứng dụng hình ảnh, cải thiện chất lượng âm thanh và camera,..

2.18 Phiên bản Android 9 Pie

Google chính thức trình làng phiên bản Android 9 Pie vào ngày 07/08/2018. Được biết, đây là phiên bản phát hành lớn thứ 9 của hệ điều hành Android

Các tính năng nổi bật ở phiên bản này có thể kể đến như: tối ưu thời lượng pin bằng AI, có tính năng tìm kiếm chuyên sâu hơn, nâng cấp bảo mật giúp nâng cao quyền bảo mật thông tin cá nhân hơn khi sử dụng các ứng dụng.

Ngoài ra, phiên bản Android 9 Pie cũng cung cấp thêm 1 vài tính năng khác như: Tăng cường số lượng thiết bị kết nối bluetooth từ 2 lên 5, thống kê thời gian sử dụng ứng dụng, bổ sung nút xoay màn hình khi xem video,…

2.19 Phiên bản Android 10

Android 10 được phát hành vào 03/09/2019 với các tính năng nổi bật như:

  • Chế độ Dark Mode: Cho phép người dùng bật và tắt chế độ này ngay trên menu cài đặt nhanh một cách dễ dàng.
  • Cử chỉ điều hướng mới: Với Android 10, người dùng có thể vuốt lên để trở về màn hình chính, vuốt từ cạnh trái hoặc cạnh phải để quay lại, rất giống với các thiết bị iPhone.
  • Kiểm soát quyền truy cập: Ở hệ điều hành này, người dùng có hẳn 1 trung tâm bảo mật mới cũng như một trung tâm vị trí trong phần Cài đặt để có thể quản lý các ứng dụng nào đang yêu cầu vị trí, nhật ký cuộc gọi, máy ảnh, micro…
  • Các tính năng nổi bật khác trên Android 10: Hỗ trợ tốt hơn trên các dòng điện thoại gập, cải thiện tính năng chia sẻ nhanh, hỗ trợ HDR10+, quyền kiểm soát con cái chặt chẽ hơn…

2.20 Phiên bản Android 11

Vào 09/2020, Google chính thức công bố hệ điều hành Android di động thế hệ thứ 11. Ở phiên bản này có nhiều cải tiến mới như tích hợp quay màn hình – người dùng được quay màn hình trực tiếp mà không cần thông qua ứng dụng thứ 3. Tính năng này cho phép người dùng vừa quay màn hình vừa ghi âm giọng nói cũng như âm thanh của hệ thống cùng 1 lúc.

Với phiên bản hệ điều hành Android 11, người dùng có quyền cho phép các ứng dụng truy cập vào 1 vài quyền riêng tư nhưng chỉ duy nhất 1 lần. Ngoài các tính năng kể trên, phiên bản hệ điều hành này còn cung cấp cho người dùng thêm nhiều tính năng thú vị khác như: Tăng kích thước quay video mở rộng, bong bóng chat, thay đổi giao diện của trình phát nhạc, đề xuất các ứng dụng hay dùng, lịch sử thông báo…

2.21 Phiên bản Android 12

Android 12 là phiên bản chính thứ 12 và là phiên bản thứ 19 của hệ điều hành  Android. Phiên bản này có giao diện thiết kế mới cụ thể là Google sẽ chuyển qua kiểu thiết kế Material NEXT. Đặc biệt, người dùng có thể chơi game ngay sau khi vừa nhấn tải về. Điều này giúp giảm thiểu thời gian đợi chờ tải về của các tựa game có dung lượng lớn như Genshin Impact…

Trên đây là thông tin về lịch sử phát triển và các phiên bản của hệ điều hành Android. Mong rằng chia sẻ của FUNiX sẽ giúp bạn có thêm kiến thức cũng như hiểu biết nhiều hơn về hệ điều hành phổ biến nhất nhì trên thế giới này.

Phạm Thị Thanh Ngọc

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!