Yêu nước? | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Yêu nước?

Góc Nguyễn Thành Nam 18/06/2021

Điều mà tôi mong muốn duy nhất, là các bạn trẻ Việt Nam sau khi học môn này, biết nhìn lịch sử nước ta như một kho tri thức, để khai phá học hỏi, để hiểu hơn và nếu có thể, để yêu hơn nơi ta đã sinh ra, tự tin hơn trong hiện tại, vững vàng hơn bước tới tương lai!

 Biết thì mới hiểu. Hiểu rồi mới yêu. Đó là tình yêu trưởng thành!
 
Tôi là học sinh sinh ra lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Thời thơ ấu chỉ thích học Toán và đá bóng cùng bạn bè trên phố. Sử là môn đối phó. Sách Sử thì có mỗi cuốn Tam quốc diễn nghĩa tập 7-8-9-10 đọc đến nát từng trang. Nhưng tóm lại là không nhớ gì lắm. Vẫn lớn lên bình thường.
 
Sang nước ngoài học rồi về nước tham gia làm CNTT thì chỉ háo hức tìm hiểu cái mới, cũng chẳng có thời giờ để ý nhiều đến quá khứ.
 
Cho đến khi phải dẫn đội lập trình viên ú ớ của mình đi cưa khách quốc tế. Thật là xấu hổ. Mình biết về lịch sử họ đã ít. Mình biết về lịch sử mình còn ít hơn. Trong khi đó các bạn nước ngoài đều bày tỏ sự tò mò và ngưỡng mộ với một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm và đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử thế giới thế kỷ 20.
 
Tôi đã đi tìm hiểu. Bắt đầu từ cuốn tiểu sử “Ho Chi Minh: A Life” của nhà sử học Mỹ William Duiker. Có thể coi lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19, và xuyên suốt thế kỷ 20, là sân khấu thu nhỏ của thế giới hỗn mang khi nhân loại vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi cuộc cách mạng công nghiệp tàn phá môi trường và chủ nghĩa thực dân dã man, sang một thể chế mới tươi đẹp hơn.
 
Trên sân khấu đó, thì dù bạn có ghét hay yêu, vẫn phải thừa nhân Hồ Chí Minh là một nhân vật trung tâm kiệt xuất. Ông, và các tiền bối, đệ tử, đối thủ, kẻ thù, đồng minh của mình trong mối quan hệ phức tạp và biện chứng, đã hành động và ra những quyết định thay đổi số phận của dân tộc, hình thành một đất nước Việt Nam như ngày nay.
 
Thật bất ngờ, là khi tìm hiểu về quá khứ, thay vì chăm chăm ghi nhớ các sự kiện giật gân, các con số ấn tượng, ta chịu khó suy ngẫm, tìm cách lý giải cách hành xử của những con người, vốn đã vĩ đại, trong những hoàn cảnh cụ thể. Thì bất chợt ta nhận ra được rất nhiều bài học hoàn toàn có thể áp dụng vào thế giới hiện đại. Nên có thể nói, việc nghiền ngẫm lịch sử Việt Nam giai đoạn cận đại, đã thực sự giúp tôi trưởng thành và có những thành công nhất định trong cuộc sống.
 
Chỉ tiếc là tôi đã biết đến nó hơi muộn!
 
Thế nên khi được đề nghị dạy cho học sinh khóa 1 của VinUni, tôi đã nhận lời, dù biết rằng đây là một lĩnh vực đầy mạo hiểm. Điều mà tôi mong muốn duy nhất, là các bạn trẻ Việt Nam sau khi học môn này, biết nhìn lịch sử nước ta như một kho tri thức, để khai phá học hỏi, để hiểu hơn và nếu có thể, để yêu hơn nơi ta đã sinh ra, tự tin hơn trong hiện tại, vững vàng hơn bước tới tương lai!
 
(được truyền cảm hứng bởi tin nhắn của 1 phụ huynh mạo hiểm để con học sử Việt Nam với tôi:-))
 
PS: Điểm hay nhất của cuốn “Ho Chi Minh: A Life” là hàng trăm trang chú giải. Trong đó tác giả đưa ra các góc nhìn khác, dẫn các nguồn tư liệu phong phú đủ các thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Anh, Hoa để cho các em, nếu quan tâm có thể tìm hiểu tiếp suốt cả đời chưa hết!
 
 
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau gần 5 năm thành lập (13/102015), hiện FUNiX có trên 11.000 học viên, trên 4.500 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đến đang sinh sống ở Việt Nam và 23 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!