Hãy ‘bám’ lấy mentor!
Để đánh cờ lên tay thì đánh với kì thủ trên cơ. Để chơi bóng tốt hơn thì thường xuyên luyện tập với người có kĩ năng điêu luyện hơn. Để nâng cao trình độ tranh luận thì thường xuyên phản biện những người có khả năng hùng biện xuất sắc. Tôi tổng kết được rằng: tự ngồi mày mò hai tháng không bằng bám lấy mentor một tuần!
Sau khi học chứng chỉ đầu ở FUNiX, tôi đến dự xDay để thi môn cuối trước khi nhận chứng chỉ. Môn học vỡ lòng trong lập trình phần mềm thật khó nhằn, mà tôi nghĩ rằng cái gì càng cơ bản càng khó. Nếu học tốt phần cơ bản thì các phần sau không thành vấn đề. Tự học lập trình cũng giống như người ta xây nhà thì phần móng càng xây vững chắc thì sẽ càng xây được những tầng cao hơn và cao hơn nữa vậy.
Than thở vốn là “nghề” của tôi. Mười hai năm đi học nên tôi đã rèn được bản lĩnh đổ lỗi lành nghề. Lúc nào, tôi cũng tìm ra một lí do nào đó cho việc tôi không làm được hoặc tôi làm sai. Tất nhiên, có vài trường hợp thì tôi có những nghi ngờ chính đáng và có hành động để kiểm chứng suy nghĩ đó.
Ngồi chờ thi cuối môn ở tầng 13, tòa nhà FPT, Cầu Giấy – do Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nam sắp xếp chứ đám sinh viên như tôi có cho kẹo cũng không dám tự ý đến công ty người ta như vậy – tôi ngồi than thở như “mọi khi” với anh Dương Đình Thiện – chuyên gia giám sát thi đến từ FPT Software (lúc đó anh chưa trở thành mentor FUNiX): “Môn làm ứng dụng với Javascript này khó quá anh ạ. Bọn em mới học mà đã cho đề khó thế này thì làm sao làm nổi. Nhiều bạn sinh viên khác cũng thấy nản. Em cuối cùng đành phải nộp một sản phẩm chắp vá để đi thi cho qua môn này.”. Và đây là bài học đầu tiên mà tôi ghi lại vào giấy dán tường và dán ở bức tường cạnh bàn học.
Tập trung giải quyết vấn đề thay vì than vãn
Mentor Thiện cười và bắt đầu nói sau khi tôi và một số đồng đội khác ngồi ném đá hội đồng chương trình học. Sau này đi làm trong lĩnh vực phần mềm, chúng tôi sẽ buộc phải đối mặt với hoàn cảnh bối rối khi chúng tôi không biết một điều gì đó và để đem lại lợi ích cho công ty và cho chính mình thì phải học hỏi thật nhanh.
Lĩnh vực phần mềm là một lĩnh vực rộng lớn với ti tỉ thứ công nghệ và cả triệu vấn đề, cho nên việc học hết các công nghệ lập trình là điều không thể. Anh Thiện khuyên chúng tôi rằng thay vì đau khổ trong bế tắc vì đề bài khó, rồi than vãn mà chậm mất mấy tháng không làm được bài thì nên tập trung thời gian để giải quyết vấn đề. Một kĩ năng tự học lập trình nhanh sẽ là kĩ năng “sinh tồn” không chỉ trong ngành phần mềm mà ngành nào cũng thế. Vì kể cả, chúng tôi có nắm vững một công nghệ, một lĩnh vực nào đó thì thế giới xung quanh vẫn đang thay đổi và phải chấp nhận học hỏi cái mới. Sau này, tôi học được cách thích nghi với môi trường làm việc mới bằng cách hỏi thật nhiều và tôi nhận ra rằng tất cả các thực tập sinh cùng với tôi, ai hỏi nhiều thì người đó thích nghi càng nhanh và càng làm được việc. Nên nếu muốn tiến lên nhanh thì cần “sư phụ” là ở chỗ đó. Hồi còn học về thương mại quốc tế, tôi cũng bám lấy giảng viên môn này trong 3 tháng và lượng kiến thức mà tôi thu lượm được về kinh tế bằng 3 năm học ở đại học. Vấn đề duy nhất ở đại học là giảng viên không thể trả lời hết các câu hỏi của sinh viên được vì lớp tôi có đến 80 học sinh. Cuối cùng thì thầy lựa chọn là lên facebook hỏi đáp cho nhanh.
Bám lấy mentor của bạn
Để đánh cờ lên tay thì đánh với kì thủ trên cơ. Để chơi bóng tốt hơn thì thường xuyên luyện tập với người có kĩ năng điêu luyện hơn. Để nâng cao trình độ tranh luận thì thường xuyên phản biện những người có khả năng hùng biện xuất sắc. Bạn sẽ đi rất nhanh trong sự nghiệp của mình và gần như ngành nào cũng thế
Tất nhiên, những điều tôi nói sắp tới đây chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm cá nhân và dưới góc nhìn của mội người khác nó có thể đúng hoặc hoàn toàn sai. Mỗi lần muốn tăng tốc học, tôi bám lấy một mentor có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó. Hồi học về lập trình hướng đối tượng với ngôn ngữ sử dụng cho môn học là Java. Tôi thực sự nghĩ rằng không thể học hết về ngôn ngữ Java này trong 1 hay 2 tháng được vì nó quá rộng và quá nhiều khái niệm mới. Lúc đó tiến độ học bị dậm chân tại chỗ, tôi nghĩ đến thủ đoạn cũ mà mình đã từng sử dụng với một lĩnh vực rộng lớn như thương mại quốc tế và luật kinh doanh quốc tế: Bám chặt lấy sư phụ của mình.
Mentor Nguyễn Sông Hương – đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Sau 11h đêm thì tổng đài Hannah nghỉ hoạt động nên tôi nhắn tin riêng cho thầy. Theo kinh nghiệm trong quá khứ nhắn tin cho giảng viên của trường cũ thì không được trả lời nhưng mentor Hương thì trả lời ngay. Tôi hỏi mọi thứ, kể cả những thứ có thể tra được trên Google nhưng đọc mất thời gian hơn là có sư phụ ngồi chỉ cho luôn, vừa ngắn gọn, trực quan lại có ví dụ. Chúng tôi kết thúc trò chuyện lúc 2h sáng vì sáng hôm sau phải đi làm. Lúc 5h sáng cùng ngày, tôi tiếp tục đặt câu hỏi qua facebook về một số vấn đề: code không chạy, interface trong trường hợp này thì sử dụng thế nào, tại sao mentor đề xuất phương án này, em có phương án viết ngắn hơn mà vẫn đảm bảo tính năng này hoạt động… Tôi bám lấy mentor khoảng một tuần liền như vậy cho đến khi hết môn. Số câu hỏi mà tôi đặt ra không được ghi nhận qua Hannah nhưng ước chừng khoảng 80 đến 90 câu bởi lúc đó mục tiêu của tôi là hoàn thành môn học nhanh chứ không phải là đạt nhiều câu hỏi nhất. Nhưng đặt nhiều câu hỏi quả là phương tiện tốt nhất để đạt được mục đích. Tôi tổng kết được rằng tự ngồi mày mò 2 tháng không bằng bám lấy mentor một tuần.
Vì thế, các bạn sinh viên khác có thể thử áp dụng công thức: bám lấy mentor “ruột” của mình xem sao. Tất nhiên, mentor cũng có cuộc sống riêng của họ nên đôi khi bạn không nhận được sự hồi đáp tương ứng ở một mức độ nào đó. Nhưng cộng đồng mentor FUNiX rất đông đảo. Biết đâu đó, bạn sẽ tìm được danh sư cho mình trước khi thành cao đồ.
Hoàng Phong
Sinh viên lớp K1611C3
Đại học Trực tuyến FUNiX – funix.edu.vn
Bình luận (0
)