Thông tin chung
Ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác – Lênin là kết quả đỉnh cao của tư duy khoa học, là kim chỉ nam cho mọi hành động của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức toàn thế giới trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình. Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin không dừng lại ở nhận thức mà hướng tới mục tiêu đích thực là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, với ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ những nhận định trên, ta có định nghĩa Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác, Ph.Ăngghen sáng lập và sự phát triển của V.I.Lênin, được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại; là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người. (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb CTQG, HN, 2013).
Như vậy, nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin bao quát các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn với nhiều giá trị khoa học và thực tiễn không chỉ với lịch sử gần 170 năm qua mà với thế giới đương đại nó vẫn còn nguyên những giá trị. Ngày nay, có thể có nhiều học thuyết với lý tưởng nhân đạo về giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người khỏi ách áp bức nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới là học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất và chân chính nhất để thực hiện lý tưởng ấy.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu sắc, có hệ thống đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đây cũng là yêu cầu để nâng cao trình độ lí luận chính trị, đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
Môn học Những Nguyên Lý Cơ Bản của chủ nghĩa Mác – Lênin chính thức được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường ở bậc ĐH, CĐ từ năm học 2008 – 2009 đến nay (trước đó là các môn học độc lập: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học). Đây là môn học thuộc kiến thức giáo dục cơ bản trong chương trình khung giáo dục Đại học, thuộc nhóm ngành khoa học chính trị, nó quan hệ chặt chẽ với các môn khoa học xã hội nhân văn mà đặc biệt là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả nghiên cứu lí luận về chủ nghĩa Mác – Lênin đã góp phần quan trọng vào việc củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và là kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm và niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN cho sinh viên. Như vậy, môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin còn giúp cho sinh viên xác lập cơ sở lý luận cơ bản nhất để từ đó có thể tiếp cận được nội dung môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu biết nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam.
Thông qua kiến thức môn học, từng bước xác lập thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận chung nhất để tiếp cận các khoa học chuyên ngành được đào tạo. Bước đầu biết vận dụng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào nghiên cứu các khoa học cụ thể, cũng như phân tích những vấn đề cuộc sống đặt ra.
Ngoài ra môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin còn giúp người học phát triển tư duy lý luận, tự giác trau dồi phẩm chất chính trị, tinh thần và năng lực tư duy sáng tạo, biết khái quát và giải đáp được những đòi hỏi cấp bách của công cuộc đổi mới mà thực tiễn đặt ra, phục vụ sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Mục tiêu môn học
Xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng
Hiểu rõ mục đích, con đường, lực lượng, cách thức bước đi của sự nghiệp giải phóng con người
Chủ động sáng tạo trong công việc, khắc phục tư tưởng bảo thủ trì trệ
Xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng cho sinh viên
Trải nghiệm học tập
Ngoài 1 chương mở đầu nhằm giới thiệu khái lược về chủ nghĩa Mác – Lênin và một số vấn đề chung của môn học. Căn cứ vào mục tiêu môn học, nội dung chương trình môn học được cấu trúc thành 3 phần, 9 chương:
Phần I: 3 chương bao quát những nội dung cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Phần II: 3 chương trình bày ba nội dung trọng tâm thuộc học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Phần III: 3 chương, trong đó có 2 chương khái quát những nội dung cơ bản thuộc lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và 1 chương khái quát chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng.
Nguồn học liệu
Danh sách nguồn học liệu mở miễn phí (MOOC) mà FUNiX đang sử dụng trong môn học này: Bộ video bài giảng môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và “GIÁO TRÌNH NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN” của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo do Nhà Xuất Bản Chính trị quốc gia phát hành.