Bảo tàng
Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam và câu chuyện về bảo tàng CNTT đầu tiên của Việt Nam.
Tôi được tiếp cận với bảo tàng lần đầu tiên khi được đi học ở Liên Xô cũ. Nhưng quả thật cũng mới hiểu lõm bõm được bảo tàng là nơi trưng bày những bức tranh hoành tráng, những bức tượng đắt tiền. Tóm lại là một kiểu sưu tập những hiện vật quí hiếm.
Phải đến đợt toàn cầu hóa đi kiếm tiền Tây lần 2, tôi mới thực sự hiểu vai trò giáo dục của Bảo tàng. Áp dụng vào chính bản thân mình luôn. Không cần phải hoành tráng như Hermitage hay Louvre. Mỗi bảo tàng kể 1 câu chuyện riêng của mình. Bảo tàng Đền Yasukuni lý giải sự trỗi dậy của Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Bảo tàng thành phố Oregon Trail kể chuyện những thách thức trên đường khám phá miền Tây của dân Misouri. Bảo tàng lịch sử các chuyến bay của Boeing cho tôi gặp lại chiếc Mig17 của không quân Việt Nam. Hay bảo tàng họa sĩ Henry de Toulouse Lautrec, ở Albi miền Nam nước Pháp chuyên về vẻ đẹp của các cô gái điếm.
Thế nên cũng cũng thành thói quen, đến đâu ở Việt Nam cũng thích đi thăm các Bảo tàng. Và thỉnh thoảng cũng gặp được những câu chuyện rất thú vị. Như bảo tàng Đường Trường Sơn ở Ba La Bông Đỏ, hay Bảo tàng Ba anh em Tây Sơn ở gần An Khê.
Dần dần hình thành mong muốn xây dựng một bảo tàng riêng cho ngành CNTT. Tranh thủ thời gian ngắn ngủi ở chức vụ CEO FPT, tôi đã ký quyết định thành lập Bảo tàng FPT. Nhưng có vẻ như các trồi sụt sau đó trong việc chuyển giao, đã làm lãnh đạo FPT sao nhãng, bỏ quên những hiện vật đã sưu tập được mốc meo dưới tầng hầm. Ý tưởng cũng mờ đi.
Cho đến một ngày cuối thu 2018, trên bờ sông Hồng trong một buổi gặp mặt, tôi ngồi cạnh anh Nguyễn Chí Công, người thầy đầu tiên dạy tôi về CNTT khi mới về nước. Nghe anh say sưa kể về những ngày đầu của ngành công nghiệp non trẻ này sau khi đất nước thống nhất, chúng tôi đột nhiên nghĩ ra, tại sao không tự lập lấy bảo tàng, bảo tàng tư nhân về CNTT.
Nói là làm, cùng với một số bạn trẻ tình nguyện, tất cả đồ vật những bức ảnh, những con chip, đĩa mềm, cuốn sách, máy tính, máy in… tưởng như ngủ quên ở các ngóc ngách nhà được anh Công đánh thức, thổi hồn và sắp đặt ngay trong gara được sửa chữa lại của nhà anh. Anh bảo: Apple, HP cũng từng khởi nghiệp từ một gara, tại sao bảo tàng lại không?
Mồng 3 Tết năm Canh Tý 2020, bảo tàng CNTT đầu tiên tại Việt Nam do anh Công vừa làm giám đốc, giám tuyển, lau bụi, vừa làm hướng dẫn viên, chính thức đón những vị khách đầu tiên. Căn gara bé tí nhanh chóng thành điểm hẹn của rất nhiều các thế hệ công nghệ thông tin Việt Nam, nơi các bạn trẻ có thể tận hưởng câu chuyện đầy cảm hứng về lịch sử hình thành và áp dụng các thiết bị tính toán trong lịch sử loài người. Các hiện vật được tất cả lưu giữ khắp nơi bắt đầu tìm được đường về chỗ của mình.
Nhưng anh Công vẫn còn đầy ắp các dự định. Những gì đã làm mới chỉ là bước đi đầu tiên. Anh muốn, bảo tàng không chỉ lưu lại dấu ấn phát triển của một thời kỳ mà nhiệm vụ chính là “truyền lại cái lửa cho thanh niên”, để thế hệ sau biết rằng “trí tuệ Việt Nam không hề thua kém thế giới” khi chúng ta đã làm chủ những kỹ thuật và công nghệ từ rất sớm. Anh muốn bảo tàng sẽ tiếp tục được cập nhật những hiện vật mới nhất. Anh muốn tiến hành số hóa tất các sản phẩm, thiết bị được trưng bày, ghi chép lại tất cả những câu chuyện để những trải nghiệm tại bảo tàng ngày một sống động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Có rất nhiều người muốn giúp anh, nhưng đều là những nỗ lực cá nhân, hoặc là ko đủ tập trung, nguồn lực, thậm chí là không đủ nhiệt huyết để theo được anh.
Tôi có thói quen dở, là đẻ ra rất nhiều ý tưởng. Cãi nhau, rồi mình lại thích, rồi lại bỏ công ra thực hiện. Kết quả là bị phân tâm, và vì thế thường không làm được đến nơi đến chốn. Năm vừa rồi, biết mình sắp đi hết một vòng hoa giáp, như các cụ nói, nên tôi tự hứa là sẽ không để một việc gì còn dở dang để sẵn sàng cho một cuộc đời mới.
Có thể là vũ trụ đã nghe thấy và quyết định giúp tôi. Khởi nguồn từ một buổi gặp cuối thu đẹp trời, cũng bên bờ Sông Hồng. Hôm qua, vào đúng ngày cuối năm 2021, các bạn trẻ ban lãnh đạo, nhân viên và đại diện hàng ngàn học viên, mentors đủ thế hệ từ 201x, 200x, 9x, 8x, 7x, 6x, 5x… từ FUNiX, trường “Đại học từ Internet”, đã cam kết nhận gậy tiếp sức từ chúng tôi, cùng với anh Công phục dựng lại lịch sử phát triển CNTT tại Việt Nam, biến Bảo tàng thành thực sự thành cơ sở đào tạo về những nền tảng khoa học và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau! Rất thách thức, nhưng tôi tin các bạn sẽ không bỏ cuộc, như sinh viên FUNiX không bao giờ bỏ cuộc.
Cám ơn anh Công, người thầy của tôi. Cám ơn các bạn FUNiX. Cám ơn Vũ trụ!
Nguồn: Facebook Nguyễn Thành Nam
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX
Bài liên quan
Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
Founder FUNiX TS. Nguyễn Thành Nam nhận định phụ huynh cần coi việc đồng hành cùng con trong hành trình hướng nghiệp là một ưu tiên.
Thế mạnh để Việt Nam độc lập trong cách mạng công nghệ
Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về câu chuyện làm công nghệ xuyên qua lịch sử, FUNiX và lựa chọn của người Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ngôi sao trên chiếc MiG 17
VnExpress - Hơn 10 năm trước, chúng tôi - những lập trình viên Việt Nam - tìm mọi cách thuyết phục hãng Boeing để tham gia vào dự án Digital Aviation của họ. Một dự án đầy thách thức.
'Make thing'
VnExpress - Tôi có nhiều duyên nợ với Bách khoa Hà Nội. Bố mẹ tôi là sinh viên khóa một. Vợ tôi là giảng viên từ khi đi làm đến lúc về hưu. Nhiều đồng đội của tôi ở Fsoft...
Làm việc với người Mỹ
VnExpress - Năm 2000, chúng tôi bắt đầu chiến dịch xuất khẩu phần mềm; thị trường nhắm đến không nơi nào khác, là Mỹ.
Phản biện
VnExpress - Khái niệm phản biện xã hội rất hay được nhắc đến gần đây và được coi là một thước đo để đánh giá mức độ dân chủ của xã hội.
Đài ABC News (Mỹ) phỏng vấn Founder FUNiX
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, PV của ABC News Live (https://abcnews.go.com/Live) đã phỏng vấn Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam với mong muốn cho khán giả Mỹ thấy được một Việt Nam mà phần...
Founder FUNiX: ChatGPT là "mưa rào giữa nắng trưa" với giáo dục
Founder FUNiX viết về con chát-bốp (ChatGPT Bot) đang làm các thầy cô và các nhà quản lý giáo dục sợ hãi nhưng ở FUNiX lại giúp cho sinh viên bớt sợ!
Bình luận (0
)