Bí quyết chinh phục Chứng chỉ Doanh nghiệp
Tối 23/4, xTalk “Chứng chỉ Doanh nghiệp (CCDN)- Cơ hội cho sinh viên chuyển ngành IT” do FUNiX tổ chức với sự tham gia của diễn giả - xTer Lê Hà Mạnh Linh. Mạnh Linh là một học viên CCDN chuyển nghề từ công an sang lập trình viên sau 10 tháng.
Table of Contents
Mạnh Linh đã có một hành trình chuyển nghề đầy nội lực, khi quyết tâm chuyển từ ngành Công An – vốn là một ngành nghề được xã hội đánh giá cao, với công việc ổn định. Đặc biệt, Linh còn vấp phải sự phản đối của gia đình khi theo học Chứng chỉ Doanh nghiệp để chuyển nghề. Tuy nhiên, sự quyết tâm và hành động của Linh đã thuyết phục được bố mẹ, nhận được hỗ trợ từ đơn vị và nhất là sự đồng hành của FUNiX, giúp cậu chinh phục được mục tiêu của mình.
10 tháng vừa làm, vừa học Chứng chỉ doanh nghiệp
Sau 10 tháng làm vừa học Chứng chỉ Doanh nghiệp Linh đã được tuyển dụng vào làm tại Sotatek – một công ty IT có tiếng ở Hà Nội, đồng thời cũng là đối tác về đào tạo và tuyển dụng ở FUNiX.
Xuyên suốt xTalk, Mạnh Linh nhận được nhiều câu hỏi quan tâm của các bạn học viên, khán giả chương trình, đề nghị bạn chia sẻ về kinh nghiệm học tập, chuyển nghề nhờ Chứng chỉ Doanh nghiệp. Các câu hỏi xoay quanh cách học tập, khó khăn khi học CCDN, những môn học khó và cách để vượt qua. Cùng với đó là mong muốn Linh chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển, phỏng vấn, đi thực tập và đi làm tại doanh nghiệp…
Lê Hà Mạnh Linh tiết lộ, bạn dành khoảng ba tiếng mỗi ngày để theo đuổi khóa học, đủ để hoàn thành từ 1 – 1,5 bài học. Bạn thường học vào buổi tối các ngày trong tuần và chỉ phải thức khuya, học nhiều hơn đôi chút nếu gặp các bài khó.
“Môn học Cấu trúc dữ liệu và giải thuật là một trong những thách thức của mình khi học Chứng chỉ Doanh nghiệp. Vấn đề khó nhất là khi phải giải quyết các bài lab có sử dụng các thuật toán tương đối phức tạp. Để khắc phục thì mình phải thử nhiều cách, thử lắp ghép nhiều thuật toán khác nhau. Hoặc mình tìm phương án/ lời giải trước của những thuật toán nổi tiếng vốn có hướng dẫn sẵn rồi từ từ phân tích tại sao lại làm như vậy, từ từ lắp ghép, phát triển thành phương án của riêng mình” – Mạnh Linh tiết lộ.
Linh cũng tìm đến Hannah, mentor FUNiX để được hỗ trợ khi cần. Nếu như Hannah thường giúp đỡ các vấn đề về thủ tục hành chính, chia sẻ, đôn đốc tiến độ học, thì mentor giúp bạn tháo gỡ các khúc mắc về kiến thức. Mentor thường chỉ bảo cho Linh rất kĩ lưỡng về các vấn đề thường gặp, những lưu ý khi viết code hay tình huống mà coder phải đối mặt giúp bạn chinh phục các bài khó, hoàn thành chứng chỉ thuận lợi.
Với sở thích đọc nhiều, Linh rất chịu khó tìm kiếm các tài liệu tham khảo trên các kênh Youtube, Website, Blog về IT. Nhờ nền tảng tiếng Anh cơ bản, bạn cũng dễ dàng tìm kiếm và đọc tài liệu hơn. Mỗi khi vượt qua được một thách thức trong môn học, Linh sẽ tự thưởng cho mình một buổi đi chơi, xả hơi… để tiếp thêm động lực và F5 bản thân.
Cũng theo Mạnh Linh, các bạn theo học Chứng chỉ Doanh nghiệp nên thực hành nhiều dựa trên kiến thức của bài để ghi nhớ các thuật toán, đoạn code nhất định, nhớ lâu tình huống đã gặp.. cần thiết cho công việc sau này.
Kinh nghiệm phỏng vấn, ứng tuyển tại Doanh nghiệp
Một vấn đề được đông đảo xTer quan tâm đến Chứng chỉ Doanh nghiệp là quá trình ứng tuyển, vào làm ở doanh nghiệp sau khi học xong. Mạnh Linh tiết lộ, bạn chủ động tìm hiểu trước về công việc, xem xét nhà tuyển dụng tìm kiếm, đòi hỏi gì ở ứng viên từ để chuẩn bị tốt hơn khi ứng tuyển. Ngay từ trước khi hoàn thành Chứng chỉ Doanh nghiệp, thì các xTer như Mạnh Linh đã được FUNiX kết nối đến những doanh nghiệp phù hợp.
Bật mí kinh nghiệm phỏng vấn, Linh nói: “Quá trình Phỏng vấn của mình khá thuận lợi. Với các bạn còn chưa có nhiều kinh nghiệm, thì khi Phỏng vấn, phía doanh nghiệp có thể đặt một số câu hỏi hơi ngoài lề kiến thức đã học. Nếu bạn đã nghiên cứu mở rộng mà đáp ứng được những câu hỏi này, thể hiện chất lượng kiến thức của mình cao hơn chút so với các ứng viên khác thì khả năng được nhận sẽ cao hơn. Ngoài ra, NTD cũng có những ý tìm hiểu về quyết tâm cũng như khả năng tự học của bạn. Nếu bạn thể hiện được thì quá trình phỏng vấn sẽ đảm bảo hơn”.
Chia sẻ về khó khăn khi mới đi làm, Linh thừa nhận, “người mới” có thể hơi “ngợp” một chút vì khối lượng kiến thức, thông tin mà mình phải tiếp nhận, xử lý khi mới vào làm. Tuy nhiên bạn đã được các đồng nghiệp đi trước hướng dẫn từ những đầu việc cơ bản, làm quen với các công cụ để làm việc hiệu quả, các hoạt động quen thuộc trong dự án, các lưu ý lỗi sai thường gặp…
Theo Linh, một trong những thách thức khác khi đi làm là các bạn sẽ phải làm việc với khách hàng – điều mà các bạn hầu như không có cơ hội va chạm khi còn đi học. Lắng nghe và học hỏi cách xử lý của đồng nghiệp, chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ của người đi trước khi cần thiết sẽ giúp bạn dần tháo gỡ được vấn đề.
Khép lại chương trình xTalk, Lê Hà Mạnh Linh gửi gắm thông điệp đến các bạn học viên FUNiX nói riêng, người có ý định chuyển nghề IT nói chung: “Theo mình ngành CNTT ko dễ, nhưng cũng ko khó nếu các bạn quyết tâm, định hướng và đặt ra lịch trình rõ ràng, cứ bền bỉ và từng bước theo đuổi, các bạn sẽ đạt được mục tiêu mà mình mong muốn”.
Quỳnh Anh
Bình luận (0
)