Đài phát thanh VOH phỏng vấn sinh viên FUNiX vô địch ChatGPT Hackathon
Sau khi cuộc thi ChatGPT Hackathon do FUNiX tổ chức vừa kết thúc, đã có nhiều kênh báo chí truyền thông quan tâm đến các sản phẩm đạt giải do các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước thực hiện, trong đó đặc biệt là sản phẩm trợ lý ảo ngân hàng của nhóm BHĐL vô địch cuộc thi. Mới đây Đài phát thanh VOH đã có cuộc trao đổi với các bạn trong đội về hành trình thực hiện sản phẩm ấn tượng này.
Sản phẩm của nhóm BHĐL là “FinAInce Assistant – ChatGPT can take actions” – một hệ thống trợ lý ảo ngân hàng được tích hợp trên nền tảng Chat App, giúp đơn giản hóa các thao tác người dùng để thực hiện một số tác vụ như chuyển tiền, kiểm tra số dư, quản lý tài chính. Mọi thao tác đều có thể thông qua các đoạn chat hoặc là bằng giọng nói thay vì phải sử dụng các nút bấm trên giao diện.
Cuộc giao lưu với các thành viên của nhóm BHĐL đã được phát sóng vào ngày 24/5/2023 trong chương trình “Gõ cửa thành công” trên kênh AM 610 KHz của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH). Nhóm gồm 3 thành viên: Nguyễn Đình Anh, Phạm Vũ Thái Minh (sinh viên FUNiX học chuyển tiếp ngành CNTT trường ĐH FPT, chuyên ngành kĩ thuật phần mềm), Nguyễn Phương Linh (sinh viên ngành Tài chính Công trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đồng thời cũng theo học lập trình tại FUNiX) hiện đều sinh sống tại Hà Nội.
FUNiX trân trọng gửi tới bạn đọc nội dung của cuộc trao đổi này.
PV: Cảm xúc của các bạn khi đạt giải Nhất cuộc thi này?
– Nguyễn Đình Anh: Cảm nhận của em là vui và tự hào, đầu tiên là đã đạt được mục tiêu mà chúng em đề ra – được giải cao nhất của cuộc thi. Thứ hai, thực ra sản phẩm này là một bài toán khá khó, mới hoàn toàn so với cả 3 chúng em là ứng dụng được ChatGPT vào sản phẩm, nhóm em đã dành khá nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu, tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Chúng em khá là tự hào vì cuối cùng thành quả của mình đã được công nhận.
Về hệ thống trợ lý ảo ngân hàng, bạn giải thích thêm về ý nghĩa của sản phẩm?
– Nguyễn Đình Anh: Em nghĩ nó sẽ có hai ý nghĩa. Ý nghĩa về mặt công nghệ, ChatGPT đang là một xu hướng đang rất bùng nổ. Lượng người dùng đạt được rất nhanh và nhiều. Tuy nhiên đặc tính của nó mới dừng lại ở hỏi đáp, đưa ra câu hỏi và trả lời lại cho mình. Tuy nhiên, đối với sản phẩm của nhóm em đã ứng dụng được phần nào đó ChatGPT vào để trích xuất được ý định thực của người dùng. Nếu thông thường có phát sinh nhiều thì các bên sẽ phải sử dụng một AI model rất lớn, nhưng ở đây nhóm em có thể dùng ChatGPT để làm điều đó. Theo như demo hiện tại của nhóm thì kết quả khá là chính xác.
Về ý nghĩa thực tế, sản phẩm của bọn em sẽ giúp cho mọi người được tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng khi chỉ việc sử dụng tin nhắn để thực hiện một số thao tác liên quan đến tài chính. Hoặc mọi người cần tư vấn ảo để tìm một số thông tin về các vấn đề đầu tư, chỉ cần sử dụng chat là được mà không cần quá nhiều thao tác vào các website để xem dữ liệu đó nữa.
PV: Quá trình lập nhóm và nghĩ ra ý tưởng tham gia cuộc thi đã diễn ra như thế nào, các bạn đã cùng nhau vượt qua khó khăn, trở ngại ra sao?
– Nguyễn Đình Anh: Em và Thái Minh quen nhau từ trước, rồi cùng học ĐH FPT luôn, chúng em biết FUNiX có cuộc thi về Hackathon rồi, sau Thái Minh bảo với em là có sử dụng ChatGPT để trích xuất ý định của người dùng. Em thấy nó khá là hay và cũng là bài toán khá thử thách, vì lúc đó chúng em mới nghĩ chứ chưa tìm ra được cách giải quyết nên quyết định sẽ tham gia vào Hackathon để thử sức xem mình có giải quyết được bài toán này hay không.
Sau đó chúng em mời Linh vào nhóm, vì cần một người biết về tài chính để phát triển được tốt sản phẩm. Nhóm bắt đầu đăng ký và thực hiện sản phẩm. Trong quá trình hoàn thiện, ban đầu nhóm có họp với nhau hàng ngày hoặc cùng lắm là 2 ngày một lần. Em và Thái Minh chuyên về kĩ thuật, xây dựng sản phẩm. Linh sẽ tìm hiểu các kiến thức liên quan đến tài chính cũng như hỗ trợ trong việc xây dựng ChatGPT Prompt. Nhớ nhất là mấy ngày cuối, trước khi submit sản phẩm, lúc đó theo kế hoạch, nhóm chỉ mới hoàn thành được 60 – 70%, còn một vài chức năng nhóm khá tâm đắc nữa mà chưa thực hiện được. Hôm đó, nhóm quyết định sẽ họp lại với nhau, em ngồi code thâu đêm đến sáng ngày hôm sau để hoàn thiện chức năng. Cuối cùng nhóm cũng hoàn thiện được 95% tiến độ. Và nhóm cũng thấy khá là tự hào với sản phẩm của mình.
Nguyễn Phương Linh: Nhóm em chơi khá thân với nhau từ trước nên cũng chưa có cãi vã gì lớn để em phải giảng hòa, chúng em chỉ tranh luận trong hòa bình rồi sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Hai bạn rất giỏi, đều học từ FUNiX chuyển tiếp lên ĐH FPT trong 1 năm thôi, còn em thì học ĐH bình thường nên đôi lúc thấy hơi tự ti với hai bạn và đôi khi không thật sự nắm rõ vai trò của bản thân khi làm cùng các bạn. Điều đó làm cho khả năng của em bị phí hoài cùng những bài học từ các lần thi Hackathon trước, em thấy bản thân có thể giúp được những việc mà các bạn không biết. Lần này, khi nhận thấy rõ điều đấy và em thể hiện mình nhiều hơn thì em thấy rằng, mình đã giúp được team nhiều hơn và em thấy sản phẩm đã có những bước tiến đột phá.
PV: Qua cuộc thi ChatGPT Hackathon do FUNiX tổ chức, các bạn đã học hỏi điều gì về quá trình tham gia cuộc thi này?
– Nguyễn Đình Anh: Chúng em nghĩ kinh nghiệm lớn nhất từ cuộc thi Hackathon này và nhiều Hackathon khác là khả năng quản lý thời gian khi làm việc nhóm. Ban đầu vì làm việc online nên việc trao đổi khá là rời rạc, có những lần trao đổi phải đợi đến 15 phút đến 1 tiếng để mọi người sẵn sàng chuẩn bị. Sau đó, nhóm em nhận thấy cách này không ổn, nghĩ đến việc sẽ giành ra những ngày rảnh, nhất là cuối tuần sẽ họp online với nhau, chỉ tập trung vào làm sản phẩm thôi, báo cáo với nhau hàng giờ, ý tưởng có thể thay đổi sau vài phút. Em nghĩ đó là phương pháp khá quan trọng để chúng em có thể hoàn thiện sản phẩm với khá nhiều chức năng đã được đặt ra.
PV: Sản phẩm của nhóm sẽ được tiếp tục phát triển như thế nào?
– Nguyễn Phương Linh: Về phát triển sản phẩm, em nghĩ sản phẩm của chúng em có thể phát triển thêm về độ chính xác, trước hết cần phát triển sự chính xác của các tính năng hiện có. Và tiếp đến có thể mở rộng ra những tính năng khác như: Con chatbot để dự báo hành vi người dùng, thay vì chỉ có chuyển tiền và kiểm tra số dư, trong tương lai sẽ có nhiều tác vụ phức tạp hơn hoặc các tác vụ mà người dùng cần thực hiện nhiều thao tác hơn một chút.
Bản thân em là dân đầu tư tài chính, nếu như sản phẩm có thể hoàn thiện được các tính năng về tư vấn tài chính, như thực quan hóa dữ liệu và tổng quan những tin tức mới nhất trên thị trường thì có thể rất hữu ích cho các nhà đầu tư. Trước khi sản phẩm submit, em có gửi bản demo về cho một số người bạn của em cũng làm đầu tư tài chính, họ cũng nhận thấy sản phẩm này rất tiềm năng và họ có hứng thú. Trong tương lai, chúng em sẽ hoàn thiện độ chính xác và mục tin tức, thì nó sẽ rất là hữu ích. Còn tương lai xa hơn thì cũng không biết, với sản phẩm như hiện tại thì team đã rất cố gắng, nếu không đi xa được thì cũng không sao vì bản thân chúng em cũng chưa kỳ vọng khởi nghiệp hay chuyện gì khác.
PV: Một lần nữa cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện hôm nay.
– Nguyễn Phương Linh: Chúng em rất cảm ơn Đài VOH, cảm ơn mọi người đã lắng nghe và mong mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ sản phẩm của chúng em. Chúng em xin cảm ơn!
Cuộc thi ChatGPT Hackathon do FUNiX tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra từ 4/4 – 7/5/2023, thu hút gần 200 thí sinh dự thi với 56 dự án tiềm năng. Cơ cấu giải thưởng Cuộc thi ChatGPT Hackathon bao gồm một giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 10 triệu đồng; một giải Ba trị giá 7 triệu đồng và một giải tiềm năng trị giá 5 triệu đồng. Mỗi giải thưởng đều được tặng một tài khoản học trên nền tảng Udemy trong một năm, trị giá 360 USD và một khóa học bất kỳ tại FUNiX tương đương 10 triệu đồng. |
Xem toàn bộ cuộc trao đổi tại đây:
Vân Anh (Ghi)
Tin liên quan:
Có gì đặc biệt ở 8 đề án lọt vào vòng chung kết cuộc thi FUNiX ChatGPT Hackathon?
Tìm hiểu về “Ứng dụng ChatGPT trong giáo dục” cùng ChatGPT Hackathon FUNiX
Nhóm sinh viên FPT Polytechnic vào chung kết ChatGPT Hackathon
Các nam sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội sẵn sàng “chiến hết mình” tại chung kết ChatGPT Hackathon
Sinh viên FUNiX làm Trợ lý ảo ngân hàng, giành giải Nhất cuộc thi ChatGPT Hackathon
Đề án trợ lý ảo ngân hàng vô địch cuộc thi ChatGPT Hackathon
Bài học phát triển sản phẩm ứng dụng ChatGPT từ ChatGPT Hackathon
Bình luận (0
)