Giấc mơ khởi nghiệp của nữ xter giàu nghị lực
Gia cảnh khó khăn, chứng hay quên và nhiều rào cản khác không khiến Bùi Thị Hương Lan (quê Hải Phòng) ngừng theo đuổi việc học. Cô tin tưởng vào tương lai của Công nghệ thông tin và lựa chọn học ngành này ở Đại học trực tuyến FUNiX. Ước mơ của Lan trong tương lai là khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Quỳnh Anh – Phương Thảo
Gia cảnh khó khăn, chứng hay quên và nhiều rào cản khác không khiến xter (từ dùng để chỉ sinh viên, học viên theo học tại Đại học trực tuyến FUNiX) Bùi Thị Hương Lan (quê Hải Phòng) ngừng theo đuổi việc học. Cô tin tưởng vào tương lai của Công nghệ thông tin và lựa chọn học ngành này ở Đại học trực tuyến FUNiX. Ước mơ của Lan trong tương lai là khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
19 tuổi, nhưng Lan đã sớm va đập với cuộc đời. Cô tâm sự, mình có một tuổi thơ bị ghẻ lạnh vì gia đình trọng nam khinh nữ. Chưa đến 10 tuổi, Bùi Thị Hương Lan phải chuyển ra khỏi nhà sống với mẹ ruột. Hai mẹ con nương tựa vào nhau, kiếm sống bằng quán bán đồ ăn sáng ở phường Trại Chuối – Hải Phòng. Ngay từ nhỏ, Lan đã phải bươn trải, lao động nặng để phụ giúp mẹ và để nuôi sống chính mình. Di chứng từ những lần bị bạo hành lúc thơ bé khiến Lan bị thương ở đầu, để lại hậu quả là cô mắc chứng hay quên, mỗi khi thời tiết trở lạnh, Lan hay bị choáng và mất thị giác tạm thời.
Những điều đó là cản trở rất lớn đối với Lan trong việc học tập.
“Hết cấp 3, em có dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và đạt số điểm cao, thừa điểm vào được ĐH Hàng Hải – Hải Phòng, nhưng không học. Phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ ốm đau khiến em không xa nhà và đi học như bạn bè cùng trang lứa được” – Lan chia sẻ.
Cô muốn sớm đi làm, có thu nhập ổn định. Qua thầy cô, và qua thông tin báo chí do Lan tự tìm hiểu, cô thấy được tương lai rộng mở của ngành Công nghệ thông tin, rằng đây là ngành sẽ cần nhiều nhân lực trong tương lai. Hơn thế, người ta còn có thể tự khởi nghiệp, làm chủ nếu vững công nghệ và có ý tưởng tốt. Đặc biệt, cô biết đến Đại học FUNiX, đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, có nhiều mentor giỏi và môi trường học tập phù hợp với mình. Lan thuyết phục mẹ cho cô học tại FUNiX. Để có tiền đóng học phí và phần nào trang trải cho sinh hoạt thường ngày, mẹ Lan quyết tâm bán đi ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con, được hơn 150 triệu đồng.
“Thấy em xác định mục tiêu rõ ràng và quyết tâm cao nên mẹ cũng ủng hộ em hết sức. Đến nay, em đã sắp hoàn thành chứng chỉ đầu tiên Công dân số, và cảm thấy mình hoàn toàn có thể đáp ứng được việc học tại trường dù không dễ chút nào” – Lan cho biết.
Mentor Bùi Quang Hiếu, người trực tiếp hướng dẫn Lan học tập nhận xét, cô là một xTer chăm chỉ, có ý chí và rất chịu khó học hỏi.
“Ở Lan có một nghị lực mạnh mẽ và quyết tâm rất cao với việc học. Ban ngày, bạn ấy phụ mẹ làm việc, chủ yếu học online vào buổi tối. Lan học rất tốt và rất chịu khó. Mình rất muốn, qua cộng đồng FUNiX tìm giúp Lan một công việc phù hợp để bạn ấy có thêm thu nhập và điều kiện học tập” – anh Hiếu cho hay.
Ngoài làm việc tại nhà, học tại FUNiX, Lan chia sẻ cô còn được một người bạn chỉ cho tự học thêm nghề PT (nghề huấn luyện viên cá nhân). Cô mong muốn mình có một sức khoẻ thật tốt, hình thể khoẻ mạnh và đẹp để học tập và lao động tốt hơn nữa, có nhiều cơ hội việc làm hơn nữa.
“Hiện tại việc bán hàng của mẹ con em không được thuận lợi, có phần ế ẩm nên em muốn mình sớm có thể đi làm. Em dự định sẽ đi xin việc càng sớm càng tốt, cố gắng hoàn thành các chứng chỉ ở FUNiX và tìm được việc làm đúng chuyên môn thì càng tốt. Nhưng xa hơn, em ước mơ có thể tự khởi nghiệp bằng chính ý tưởng của mình. Hằng ngày em thường xem chương trình Cà phê Khởi nghiệp trên VTV và thấy chính mình cũng có thể làm được như nhiều người đã thành công khác, nếu có kiến thức công nghệ thông tin, có ý tưởng và sự nỗ lực” – Lan khẳng định.
Hỏi Lan đã có ý tưởng nào chưa, cô bật mí, cô ấp ủ ý tưởng kết hợp nghề PT với công nghệ thông tin, cho ra đời sản phẩm giúp chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với nhiều người, cô chỉ nhận được sự hoài nghi vì dường như hai lĩnh vực này quá xa nhau.
“Nhưng em tin là có thể làm được, đến như nông nghiệp còn có thể áp dụng Công nghệ thông tin nữa là nghề PT. Em tin là với công nghệ thông tin thì không gì là không thể”- cô gái trẻ kiên định nói.
Bình luận (0
)