Hannah Lê Thị Thục Hảo: “Mình làm tốt vai trò thì học viên sẽ trao lòng tin”
Hannah Lê Thị Thục Hảo (TP. HCM) đã có buổi trò chuyện chia sẻ cùng FUNiX về công việc, cuộc sống của mình tại Trường Mây.
Bạn giới thiệu về bản thân mình nhé!
Em tên là Lê Thị Thục Hảo, sinh năm 1995, hiện đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.
Công việc gần nhất của em trước khi đến với FUNiX là nhân viên Tư vấn Tuyển sinh cho 1 trường dạy nghề ẩm thực ở Đà Nẵng (khoảng 3 năm). Song song với đó, em có làm giáo viên thỉnh giảng (dạy môn Công nghệ lớp 6) khoảng 1 năm học cho trường THCS FPT Đà Nẵng.
Thục Hảo đến với FUNiX từ khi nào? Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với công việc làm Hannah?
Em bắt đầu làm việc tại FUNIX từ tháng 9/2022. Sau khi nghỉ công việc cũ, em dành thời gian nghỉ ngơi, refresh lại bản thân và tìm 1 định hướng nghề nghiệp mới. Thời điểm 2 năm dịch thì những công việc online và CNTT rất “hot” và em nhận được 1 số lời khuyên thử học về CNTT, thì tình cờ em thấy thông tin tuyển dụng của FUNiX và em đã apply, vừa có việc làm và vừa đánh giá xem bản thân mình có phù hợp với ngành này không.
Bạn thích những điều gì nhất về công việc hiện tại của mình?
Đầu tiên là công việc hannah được làm online, em có thể linh động thời gian và thay đổi không gian làm việc. Em được làm quen với mọi người từ khắp nơi: đồng nghiệp, các Mentor và Học viên ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Bên cạnh đó, em có thể tham gia học thêm các khoá học ở FUNiX để trau dồi thêm bản thân.
Thục Hảo hãy chia sẻ về những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc trong công việc nhé?
Công việc chính của hannah là theo dõi tiến độ, động viên và hỗ trợ Học viên trong quá trình học. Nhưng đôi khi em còn được chính các Học viên của mình truyền động lực rất nhiều.
Những lúc nhận được tin nhắn của học viên như:
“ Một ngày trời anh mới xong được bài ASM, toát cả mồ hôi”
“ Em làm bài ASM này 8 tiếng, pass rồi chị ơi”
“ Hôm nay anh/chị thi, run quá em ơi”
Nhìn học viên thực sự đầu tư thời gian để học và nhận được kết quả xứng đáng, cả Hannah và học viên cùng vui 1 niềm vui chung. Hay lúc học viên chia sẻ những khó khăn trong công việc- gia đình; những sở thích về thần tượng, đọc sách; có khi học viên gửi cho mình những tấm hình về 1 ly cà phê, 1 bình hoa, thời tiết, thậm chí có học viên còn làm mai cho Hannah nữa thì em cảm thấy giữa em và học viên có sự gắn bó, chia sẻ những khoảnh khắc đời thường như những người bạn.
Đã có lúc nào sinh viên làm Thục Hảo cảm thấy buồn, nản chưa?
Trường hợp các học viên chưa tiếp xúc nhiều với máy tính nên gặp rất nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu; học viên lười học; dừng học khi chưa hoàn thành khoá học; buồn nhất 1 số HV không tương tác với Hannah và “mất tích” không lời từ biệt.
Những lúc như vậy em sẽ ngồi lại tự vấn bản thân, xem mình đã làm việc tốt chưa, cần cải thiện ở đâu, có những phương án nào để hỗ trợ cho học viên. Sau khi đã làm hết các phương án có thể mà vẫn không thay đổi được kết quả thì em sẽ tự cân bằng lại cảm xúc và sốc lại tinh thần của mình. Ví dụ như em thích dành thời gian 1 mình để nạp lại năng lượng: em lái xe ngắm biển, đi cà phê, nấu ăn, nghe podcast và sắp đến em sẽ cố gắng tập thể dục nữa.
Bạn hãy chia sẻ về những học viên đã để lại ấn tượng đặc biệt với mình nhé.
Em có 1 bạn học viên chưa học xong 12, đang làm shipper và cũng chưa tiếp xúc với máy tính nhiều. Những ngày đầu bạn gặp rất nhiều khó khăn với những thao tác cơ bản như: đăng nhập các tài khoản học tập, email; đổi tên file, lưu file, vv… Nhiều khi em hướng dẫn bạn xong thì qua hôm sau bạn lại quên, rồi dần dần bạn quen và bắt nhịp được với cách học tại FUNiX. Bạn tham gia các buổi hỏi đáp với Mentor để trao đổi bài. Ngày bạn báo pass bài Assignment đầu tiên em đã rất vui. Đây mới chỉ là 1 cái đích nhỏ đầu tiên của bạn, em hi vọng bạn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bạn làm thế nào để xây dựng lòng tin, bồi dưỡng quan hệ thân thiết với sinh viên?
Em nghĩ đầu tiên là “nói được làm được”. Mình làm tốt vai trò của mình thì học viên sẽ trao cho mình lòng tin. Ngoài ra em còn tương tác với Học viên trên mạng xã hội, trò chuyện với Học viên không chỉ về vấn đề học tập mà còn các chủ đề khác trong cuộc sống. Đôi khi em cũng đứng ở 1 vị trí quan sát, chẳng hạn như qua cách nhắn tin, học viên có những thay đổi trong trong quá trình học VD như đang học rất tích cực thì tiến độ bị chậm, không tương tác với Hannah nữa; hoặc thông qua những bài post trên mạng xã hội thì mình nắm bắt được học viên đang có vấn đề gì đó mà mình cần phải khai thác.
So với các trường đại học truyền thống, sinh viên FUNiX có điểm khác biệt là rất đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp, mục đích học. Với các xTer khác nhau Thục Hảo có các cách tương tác, chăm sóc khác nhau như thế nào?
Đối tượng HV của em rất đa dạng: các bạn Học sinh cấp 1,2,3; Sinh viên; các anh chị đã đi làm và có gia đình,… nhưng mọi người vẫn dành thời gian để học, trải nghiệm những cái mới và tìm cơ hội cho mình, em thấy nể phục điều đó.
Trước khi làm việc với vị trí Hannah, em cũng có 2 tuần học trải nghiệm để hiểu được những khó khăn mà HV có thể gặp phải. Nên trong quá trình làm việc em cũng cần linh động có những “gu” chăm sóc Học viên khác nhau.
Ví dụ những bạn nhỏ tuổi, hay những HV chưa tiếp xúc với máy tính nhiều, em cần kiên nhẫn, hướng dẫn chi tiết. Mình cũng lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp với HV. Lúc nào thì nhí nhảnh hay nghiêm túc. Có HV cần nói nhiều, tích cực khen để khích lệ, nhưng cũng có HV ít nói, chỉ muốn được hỗ trợ khi cần. Tuỳ vào các giai đoạn, ví dụ như các bạn Học sinh, Sinh viên bước vào kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ hay các anh chị đi làm nhiều khi phải deadline, đang làm dự án, thậm chí là HV đám cưới, sinh em bé thì mình cũng chú ý những giai đoạn đó để linh động nhắc tiến độ phù hợp để Học viên không thấy quá áp lực.
Nói chung là mình cần cân bằng giữa sự cứng rắn để HV vào luồng học tập và cũng cần nhẹ nhàng, cảm thông để HV thấy mình là 1 người đồng hành, cởi mở chia sẻ với Hannah.
Cảm ơn và chúc hannah sẽ có thật nhiều thành công trong công việc và cuộc sống!
Vân Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0
)