Sống tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, công việc chính của anh là giảng dạy tại một trường THPT, đồng thời, là một nhà đầu tư, Trưởng nhóm thiết kế và xây dựng website Chuyên Web.VN. Vốn yêu thích IT, đam mê những dòng code và các sản phẩm phần mềm, anh Trung Trí luôn tin vào sức mạnh và lợi ích to lớn cho xã hội của công nghệ thông tin. Với tâm lý của một nhà giáo, anh luôn muốn truyền cho học sinh tình yêu với Tin học và công nghệ.
Bắt đầu công việc mentor ở FUNiX từ đầu năm 2020, thầy giáo Đồng Tháp cho biết cuộc sống của anh trở nên thú vị hơn rất nhiều. “Sau khi hỗ trợ một học viên hoàn thành bài lab, bài luận hoặc chỉ một câu hỏi lý thuyết, tôi cảm thấy trong lòng rất vui vì có thể lan tỏa và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mình tích lũy trong hơn 10 năm” , anh nói thêm.
Bên cạnh nguồn thu nhập thêm từ công việc mentor, các câu hỏi của học viên FUNiX giúp anh có thể biết bản thân đang còn yếu ở mảng kiến thức nào, từ đó, không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức để có thể giúp đỡ cho các bạn nhiều hơn.
Với anh, mỗi học viên từng gặp gỡ, trao đổi qua đều để lại những kỷ niệm khó quên. Trong đó, mentor Trung Trí ấn tượng nhất với học viên Hạnh Nhi – người được anh đào tạo và tư vấn môn Quản trị dự án Công nghệ thông tin của FUNiX.
“Hạnh Nhi rất tâm huyết với môn học. Vào ngày 29, 30 Tết năm nay, hai anh em sau khi xong việc phụ giúp gia đình lập tức trở lại hoàn thành bài luận. Không khí rất thân tình và ấm cúng. Đến mùng 6 tết, mình lại tiếp tục hỗ trợ để bạn ấy thi cuối môn. Sau bao nhiêu vất vả, Hạnh Nhi cũng đã qua môn với số điểm là 7,5”, anh kể.
Sau mỗi kỷ niệm như vậy, anh càng thêm gắn bó với công việc mentor, luôn kiên định với cách làm việc tận tâm: Kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, vấn đề của học viên, rồi đặt mình vào vị trí học viên để trao đổi, hướng dẫn. Đồng thời, mentor Trung Trí cố gắng dùng từ ngữ gần gũi, dễ hiểu để tạo không khí thoải mái nhất trong phiên trao đổi.Trong những phiên kết nối hỗ trợ học viên, anh Trí có hai lần được học viên đánh giá là hướng dẫn không hữu ích. Anh cho biết cảm xúc lúc đó rất khó tả, vừa buồn vì mình không giúp được học viên, vừa thất vọng vì biết bao công sức trong lúc đào tạo lại bị đánh giá không hữu ích.
Nam mentor cho biết sau khi nhận đánh giá, anh tự hỏi bản thân mình đã làm gì sai và vấn đề nằm ở đâu, xem lại từng câu nói của học viên, câu trả lời của mình để suy nghĩ xem có sự hiểu nhầm, sai lệch hay thiếu sót kiến thức hay không… “Sau thời gian đó, mình tự nhủ là sẽ cố gắng hơn, phải thật nhỏ nhẹ, tế nhị và kiên nhẫn hơn nữa trong việc trao đổi, hướng dẫn học viên”, anh nói thêm
Anh Trung Trí khẳng định, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững chắc, kinh nghiệm thực tế dồi dào, một mentor tốt còn cần có tính kiên nhẫn: Kiên nhẫn trong việc trao đổi để biết vấn đề của học viên nằm ở đâu; kiên nhẫn trong việc giải thích vấn đề để học viên hiểu và vận dụng vào thực tế. Làm việc và giao tiếp trực tuyến, mentor nên sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, gần gũi và tuyệt đối giữ bình tĩnh trước mọi phản ứng của học viên.
Anh chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của bản thân, khi đã nắm được vấn đề của học viên, mình chỉ cần nhỏ nhẹ trao đổi một cách chậm rãi, nhiệt tình như những người bạn ngồi trao đổi, nói chuyện với nhau, việc hướng dẫn sẽ mang lại hiệu quả rất cao”.
Hiện tại, anh Trí đang hoàn thành luận văn thạc sĩ và dự định tiếp tục nghiên cứu cao hơn để thỏa đam mê, nâng cao kiến thức. Anh cũng mong muốn gắn bó dài lâu với FUNiX, với công việc mentor tại đây.
Quỳnh Anh
Bình luận (0
)