Những cuốn sách vô giá của nền công nghệ thông tin Việt Nam

Những cuốn sách vô giá của nền công nghệ thông tin Việt Nam

Chia sẻ kiến thức 20/02/2023

Từ những cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp CNTT nước nhà, đến nay, Tin học đã trở thành một bộ môn được giảng dạy phổ thông. Càng tự hào về sự phát triển của nền công nghệ thông tin Việt Nam hôm nay, chúng ta càng phải nhìn lại hành trình lịch sử đã qua, để biết ơn công lao to lớn của các thế hệ tiền bối. 

Theo thông tin sơ bộ về dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra tại buổi làm việc với cán bộ, giáo viên trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) ngày 18/2, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Lịch Sử, Ngoại ngữ. 

Dù chưa có công bố chính thức, nhưng thông tin từ Bộ GD-ĐT cho thấy, lịch sử có tầm quan trọng rất lớn trong giáo dục phổ thông và nhìn rộng ra, là toàn xã hội. Lịch sử hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ văn học, chính trị, kinh tế cho đến công nghệ thông tin. 

công nghệ thông tin
Bảo tàng Công nghệ thông tin Việt Nam (V-MIT) là bảo tàng tư nhân do Tiến sỹ Nguyễn Chí Công sáng lập vào tháng 1/2020.

Bảo tàng CNTT Việt Nam được TS. Nguyễn Chí Công thành lập, chính thức khai trương vào tháng 1/2020 chính là nơi lưu giữ những hiện vật vô giá do chính ông sưu tầm cũng như sự đóng góp từ bạn bè, các nhà nghiên cứu, những người say mê CNTT,…  Thông qua các hiện vật, nhân vật và các câu chuyện lịch sử, Bảo tàng mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước các đàn anh đi trước để tiếp tục xây dựng ngành CNTT nước nhà.

Trong số các hiện vật, có nhiều cuốn sách giá trị, ghi dấu sự phát triển của lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Dưới đây là một số chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Công – nhà sáng lập bảo tàng về những cuốn sách này. 

bảo tàng cntt
“Tìm hiểu máy tinh điện tử” được xuất bản rất sớm vào năm 1975. Nội dung của nó mang tính phổ cập, không đi quá sâu. Tác giả thứ nhất là PTS. Nguyễn Bá Hào, lúc đó là phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về CNTT sau khi bảo vệ luận án tại Liên Xô. Tác giả thứ hai là Hoàng Kiếm, trước đó tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội, về Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật nhà nướ làm việc, rồi về Viện KH Tính toán và Điều khiển.
bảo tàng cntt
“Sự ra đời của tin học” được in trong khuôn khổ VIE/88/035 – một dự án của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển với sự tài trợ của UNESCO. Sách xuất bản năm 1990, do TS. Ngô Ánh Tuyết và Ngô Trung Việt biên soạn, Phạm Ngọc Khôi hiệu đính. Đây là một tài liệu thuộc loại phổ cập tin học với các nội dung được trích lục từ nhiều nguồn khác nhau theo thư mục của phương Tây. Điều đó cũng cho thấy sự thay đổi phương pháp từ kiểu phù hợp giới hàn lâm của Liên Xô cũ chuyển sang loại sách rất gần với giới bình dân và thực tiễn.
bảo tàng cntt
“Nhập môn lập trình” được Trung tâm Hệ thống Thông tin ISC dịch và xuất bản năm 1991, do giáo sư Jacques Arsac (viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) soạn cho những người muốn học lập trình máy tính. Nội dung của sách gồm những khái niệm và kỹ thuật căn bản của lập trình, thông qua những ví dụ sử dụng ngôn ngữ LSE và kinh nghiệm lập trình.
bảo tàng cntt
“Nguyên lý của các ngôn ngữ lập trình”, do TS. Ngô Trung Việt dịch của tác giả người Mỹ B.J.MacLennan, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xuất bản năm 1993. Cuốn sách trình bày các nguyên lý căn bản trong thiết kế, đánh giá và cài đặt các ngôn ngữ lập trình kèm với các kỹ năng tin học phổ biến ở phương Tây, nơi người ta thường coi trọng ứng dụng thực tiễn hơn là lý thuyết. Ví dụ trong sách này, người làm tin học còn cần phải biết cách soạn thảo và cập nhật tài liệu sao cho người sử dụng dễ dàng tiếp nhận và triển khai sau này.
bảo tàng cntt
“Cơ sở tin học cho mọi người” thuộc loại sách phổ biến kiến thức, được soạn bởi Nancy & Larry Long là 2 tác giả nước ngoài, do TS. Ngô Trung Việt dịch và đem in năm 1994 tại NXB Thống Kê. Khi đó, nhiều NXB khác không muốn in sách tin học vì chưa biết tin học là gì. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đã có sử dụng máy tính của CHDC Đức nên NXB của họ hiểu và ủng hộ. Sách gồm 12 chương, chủ yếu giới thiệu sơ lược về máy tính, phần cứng, phần mềm, quản trị dữ liệu, hệ thống thông tin, phân tích và thiết kế hệ thống.
bảo tàng cntt
“Kiến thức cơ bản về lập trình” do TS. Ngô Trung Việt biên soạn và được NXB Giao thông Vận tải in năm 1995. Ban đầu sách tin học bằng tiếng Việt chủ yếu được biên dịch từ tiếng nước ngoài. Từ khoảng giữa thập niên 1980 xu hướng tự viết sách tin học dần dần đã phổ biến và tác giả thường là những người có hoạt động thực tiễn lâu năm trong giảng dạy và đào tạo. Cuốn sách tham khảo từ một số tài liệu kinh điển của phương Tây. Ngoài phần giới thiệu sơ lược về máy tính và công nghệ liên quan, nội dung chủ yếu xoay quanh lập trình và ngôn ngữ, thiết kế hướng đối tượng, lập trình hàm và lập trình logic.

Từ những cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp công nghệ thông tin nước nhà, đến nay, Tin học đã trở thành một bộ môn được giảng dạy tại các trường THCS và THPT trên toàn quốc. Song song với đó, nền công nghệ thông tin Việt Nam cũng từng bước ghi dấu trên trường quốc tế với những phát minh, sáng kiến, thành tích vang dội, rạng danh trí tuệ và con người Việt Nam. Càng tự hào về sự phát triển của nền CNTT Việt Nam hôm nay, chúng ta càng phải nhìn lại hành trình lịch sử đã qua, để trân quý, biết ơn công lao to lớn của các thế hệ tiền bối. 

Minh Tiến

Bảo tàng Công nghệ thông tin Việt Nam (V-MIT) là bảo tàng tư nhân do Tiến sỹ Nguyễn Chí Công sáng lập vào tháng 1/2020. Bảo tàng được xây dựng với mục đích lưu giữ lại các hiện vật, ký ức về các giai đoạn phát triển của ngành Công nghệ thông tin trên thế giới và Việt Nam. Thông qua các hiện vật, nhân vật và các câu chuyện lịch sử, Bảo tàng mong muốn truyền lửa, truyền sự tự tin cho thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước các đàn anh đi trước phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại