Vũ trụ ảo Metaverse có thể cách mạng hóa Internet?
Vũ trụ ảo metaverse được vị CEO Facebook - Mark Zuckerberg tin tưởng là tương lai của Internet. Nơi đó con người có thể giữ kết nối với nhau dù ở bất kỳ nơi đâu qua sự hỗ trợ của kính thực tế ảo.
Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra một thế giới mà nơi ấy con người có thể trò chuyện cùng những người bạn sống cách xa hàng nghìn km chưa? Hay có thể tranh luận sôi nổi trong một cuộc họp ngay trên bãi biển xanh mát. Vũ trụ ảo Metaverse chính là tầm nhìn về tương lai được ông trùm công nghệ Facebook coi trọng.
Sức hút của vũ trụ ảo Metaverse
Metaverse là thuật ngữ thuộc lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Thuật ngữ xuất hiện lần đầu trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash của Neal Stephenson năm 1992. Cuốn sách có nội dung chính là mọi người sống trong thế giới kỹ thuật số tương tác với nhau qua kính thực tế ảo giống trò chơi. Tác phẩm đã nhận được sự yêu thích của các doanh nhân ở Thung lũng Silicon. Thời gian gần đây, Metaverse là một khái niệm công nghệ vô cùng “hot” thu hút hàng triệu USD của các công ty đua nhau đổ vào.
Mạng xã hội Facebook đang triển khai kế hoạch hiện thực hóa về thế giới ảo này. Ngày 26/7 Mark Zuckerberg đã lập một nhóm chuyên phụ trách về phát triển metaverse. Zuckerberg cho biết: “Đây sẽ là chương trình quan trọng tiếp theo của ngành công nghệ, Facebook sẽ dần chuyển đổi sang công ty vũ trụ ảo trong vòng 5 năm tới”.
Metaverse là sự kết hợp hài hòa giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực với sự hỗ trợ của kính thực tế AR. Người dùng sẽ cập nhật được các thông tin nhanh chóng theo thời gian thực ngay trước mắt. Zuckerberg còn mong muốn hiện thực hóa ý tưởng rộng lớn hơn, nơi mà con người có thể cảm nhận không gian kỹ thuật số giống như thật.
Bước vào không gian “trò chơi” kỹ thuật số
Vũ trụ ảo metaverse sẽ được tái hiện qua các trò chơi nhập vai. Người chơi được đặt chân vào thế giới kỹ thuật số và có những trải nghiệm chân thực nhất. Trò chơi đầu tiên cho phép người tham gia tạo hình đại diện “ảo” có thể mua sắm bằng tiền thật. Đó là trò chơi Second Life đầu những năm 2000. Sau đó là thế giới game ảo ở Decentraland cho phép người chơi tham quan các phòng trưng bày, xem các buổi hòa nhạc và đánh bạc. Game chơi ảo này đã được bán qua tiền điện tử Mana với mức giá hàng trăm nghìn USD.
Fortnite là trò chơi điện tử cũng đang lấn sân sang các hình thức giải trí khác. Sự chuyển đổi đã diễn ra sau sự kiện biểu diễn thu hút 12,3 triệu người theo dõi của rapper Travis Scott vào năm ngoái. Cuối tháng 4, công ty sở hữu Fortnite, Epic Games đã huy động vốn để xây dựng tầm nhìn về metaverse. Đến tháng 5 năm nay, một game trẻ em với chiếc túi Gucci phiên bản kỹ thuật số được bán đắt hơn phiên bản thật với giá hơn 4.100 USD.
Tiềm năng phát triển
Trước những ý kiến trái chiều về vũ trụ ảo metaverse là nơi mọi người tìm đến để chạy trốn khỏi cuộc sống với những thực tế tàn khốc. Nhà tư vấn công nghệ Cathy Hackl đã bác bỏ những tầm nhìn lạc hậu này, bà cho rằng metaverse sẽ không thể mọi người suốt ngày đêm ở lì trong nhà làm bạn với chiếc kính ảo.
Facebook cũng đã triển khai nhiều kế hoạch công nghệ để hiện thực hóa metaverse. Nơi mà người dùng sẽ cảm nhận như mình đang ở một thế giới khác. Chẳng hạn như nền tảng thực tế ảo Horizon, kính Oculus, thiết bị gọi video Portal. Tuy vậy, ông chủ Facebook cũng phải thừa nhận những thách thức trên con đường xây dựng vũ trụ ảo. Muốn tạo ra những trải nghiệm mà ông mô tả cần sự phát triển lớn hơn nữa.
Michael Pachter – nhà phân tích công nghệ của Wedbush cho rằng với thời gian 5 năm rất khó để dự đoán liệu Facebook có thể chuyển đổi sang một công ty vũ trụ ảo metaverse được không. Lợi thế mà Facebook sở hữu là hàng tỷ người dùng và đó chính là sức bật để mạng xã hội này thành công.
Quỳnh Anh (Tổng hợp)
Bình luận (0
)