Giáo dục tử tế là giấc mơ muôn đời, của mọi gia đình, quốc gia, nhân loại. Chúng ta chắt bóp, cho con học thêm, luyện tiếng Anh, hoạt động xã hội, rồi chạy vạy trường điểm… để mong con được đi du học ở các nước tiên tiến, nhất là Mỹ. Nếu ở vùng sâu vùng xa thì cũng cố cho lên được Saigon, Hanoi. Cùng lắm thì mới chịu học trường tỉnh hoặc ở nhà làm việc. Rất tốn kém và đầy cạm bẫy.
Chúng ta sẵn sàng chịu mọi gian khổ, để con cháu ta được mở mặt. Chúng ta không tin giáo dục Việt Nam có thể làm được những điều phi thường.
Chúng ta nghĩ làm những điều “impossible – phi thường” phải là những điều gì cao siêu, đòi hỏi phải nỗ lực gì ghê gớm lắm. Nhưng thật ra rất nhiều điều “phi thường” tồn tại ngay bên cạnh ta, chỉ cần ngoảnh đầu nhìn sang hướng khác. Hệt như ta đang đi trên đường lạnh lẽo ẩm ướt, chợt nhìn sang bên cạnh, một cây đào nở hoa đỏ thắm, và hiểu rằng mùa xuân đang đến. Những điều tôi trình bày sau đây về giáo dục đại học là “phi thường” theo nghĩa như vậy.
Năm 1969, một dự án nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ ra đời, xây dựng hệ thống mạng ARPANET liên kết 4 địa điểm: Viện nghiên cứu Stanford, Đại học California, Los Angeles, Đại học Utah và Đại học California, Santa Barbara. Có lẽ chính các nhà khoa học máy tính cũng không tưởng tượng được những ảnh hưởng rộng lớn của dự án này trong tương lai. Họ đã tạo ra tiền thân của internet – một mạng lớn nhất trên thế giới có khả năng kết nối tất cả các mạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu, giáo dục, văn hoá, xã hội…
Sự phát triển của internet đã làm thay đổi rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người. Một trong số đó là giáo dục.
Hãy hình dung về một nền giáo dục chất lượng trước thời đại của internet: những trường đại học danh giá, với những giáo sư đẳng cấp mà khó khăn lắm sinh viên mới có cơ hội tiếp cận. Hay những hệ thống thư viện uy tín, nơi sinh viên xếp hàng để tìm mượn những cuốn sách, tài liệu tham khảo và bách khoa thư dày cộp và đắt đỏ – những pho kiến thức chuẩn mực được các nhà xuất bản phát hành.
Năm 2001, Jimmy Wales – một giảng viên tại ĐH Alabama (Mỹ) nảy ra ý tưởng thành lập một Bách khoa tri thức mở trên internet. Khác với cách xây dựng từ điển bách khoa thư truyền thống – với một hội đồng giáo sư chủ biên và thẩm định tri thức, được in ấn bởi các nhà xuất bản uy tín, Wales muốn thành lập một bách khoa thư trên mạng theo concept “wiki” – một dạng web động mà bất cứ người dùng nào cũng có thể cùng tham gia chỉnh sửa nội dung mọi lúc. Wikipedia ra đời.
Nói về dự án này từ những ngày đầu, Jimmy Wales cho biết: “Hãy mường tượng đến một thế giới mà tại đó mọi cá nhân đều có thể tự do chia sẻ khối kiến thức chung.” Khi vừa ra đời, Wikipedia vấp phải sự nghi ngờ từ giới chuyên môn vì sự khác lạ trong cách xây dựng và thẩm định thông tin và tri thức. Tuy vậy, cộng đồng internet đã khẳng định sư thành công của nó: đến nay, Wikipedia là một trong năm trang web được truy cập nhiều nhất thế giới, là nguồn tri thức lớn, có độ chính xác khá cao với hơn 10.000 người tham gia biên tập, chỉnh sửa và cung cấp các tri thức. Nói không quá, có lẽ đến 90% nhân loại đang dựa vào Wikipedia như một nguồn tri thức chính thức. Hoàn toàn miễn phí và cập nhật liên tục.
Những công cụ như Wiki hay Google giúp cung cấp những kiến thức phổ thông tức thời, nhưng để đáp ứng nhu cầu học tập của rất nhiều người trên thế giới, cần có những nguồn cung cấp kiến thức trực tuyến bài bản và dài hơi hơn. E-learning đã xuất hiện từ rất sớm, tuy nhiên, nó chưa giải quyết được bài toán học tập cho số đông. Các trường đại học tử tế thì ngày càng đắt đỏ và khó vào.
Các MOOCs – Massive Open Online Courses – khóa học trực tuyến đại chúng mở đầu tiên xuất hiện từ phong trào phát triển tài nguyên giáo dục mở. Thuật ngữ MOOC được đặt ra vào năm 2008 bởi Dave Cormier – 1 giáo sư từ University of Prince Edward Island (Canada). Ý tưởng của MOOC là tạo ra nền tảng để các giáo sư tự thiết kế ra các khóa học và học sinh tự học, với các diễn đàn và sự trợ giúp của của các trợ giảng. MOOC khác biệt với các Online Course trước đó vì khả năng Massive Open – cho phép lớp học trực tuyến mở rộng cho số đông, không giới hạn người tham dự. Bỏ qua vai trò của các trường Đại học, kết nối thẳng giáo sư và sinh viên. Chất lượng khóa học sẽ được khẳng định qua số lượng sinh viên theo học các khóa đó. Đến năm 2010 đã có những bài giảng đạt mốc 1 triệu người học.
Khi vừa đưa ra, hệ thống MOOC cũng gây lúng túng và nghi ngờ từ phía các trường đại học uy tín. Tuy nhiên, trước thực tế trào lưu học MOOC ngày càng phát triển mạnh mẽ, chính các trường học đã hợp tác để tạo ra các nền tảng cung cấp MOOC chính thức. Năm 2012 được gọi là “năm của MOOC”: Tại bờ Tây là Coursera – do hai giáo sư Stanford thành lập. Tại bờ Đông là edX – do MIT và Harvard hợp tác. Một số nền tảng khác xuất phát từ các công ty như Udemy, Udacity cũng được ra đời vào năm 2012. Ngày nay có đến hàng chục ngàn các khóa MOOC với đủ các chủ đề trên mạng để bạn có thể theo học.
Một cách tình cờ, những gì GS Robert Muller đưa ra trong bài báo của mình đã được thực hiện tại Việt Nam vào cùng một thời điểm bài báo công bố.
Cuối những năm 90s, khi internet chính thức vào Việt Nam, thuật ngữ eLearning được bắt đầu sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc đưa eLearning vào thực tế bị hạn chế do thiếu nội dung và chuẩn công nghệ. Một số hoạt động về eLearning tại Việt Nam có thể kể đến là:
Năm 2008, TOPICA thành lập, bắt đầu cung cấp những khóa đào tạo trực tuyến lấy bằng đầu tiên, bằng cách cổ điển: quay video và tạo lớp học ảo. Bằng cách hợp tác với các trường Đại học lớn như Đại học Mở, Đại học Kinh Tế, Đại học Ngoại Thương, TOPICA đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Năm 2011, dự án ASEAN Cyber Uni khởi động với sự hỗ trợ của Hàn Quốc và các trường mạnh của Việt Nam như Bách Khoa, Công Nghệ. Nhưng dự án này cho đến nay vẫn nằm trong phòng thí nghiệm vì thiếu mô hình sư phạm và sự chủ động từ các trường thành viên.
Đầu năm 2014, dưới sự ảnh hưởng của làn sóng giáo dục MOOC, FPT thành lập dự án Cyber University. Tuy nhiên nhóm dự án thiếu sự chỉ đạo cụ thể về hướng đi. Tháng 4/2015, Anh Nguyễn Thành Nam tiếp quản dự án Cyber university của Đại học FPT với một nhóm cán bộ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Và đương nhiên vấp phải sự hoài nghi lớn từ phía các nhà quản lý của FPT.
Nhưng không thể không làm. Vì ngành CNTT đang đòi hỏi những nguồn lực chất lượng cao với quy mô lớn. Mô hình giáo dục đại học truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên và cơ sở vật chất không thể đáp ứng được. Kỳ vọng về Cyber University của FPT là giải quyết được bài toán: tìm ra phương pháp đào tạo được nguồn lực CNTT đáp ứng được yêu cầu công việc và trên quy mô lớn.
Từ kinh nghiệm khi làm việc trực tiếp tại FPT Software trong nhiều năm, anh Nguyễn Thành Nam đã tự đúc rút ra một bài học về phương pháp đào tạo hiệu quả: phát huy năng lực tự học của người học với sự trợ giúp của các mentors (khách hàng) từ các dự án thực tế. Đây là một mô hình học tập tiên tiến, giúp Fsoft phát triển từ hơn chục người ban đầu đến hàng chục ngàn kỹ sư như hiện nay.
Một cách tình cờ, cách vận hành của FUNiX đã đi đúng theo hướng đi mà GS Robert Muller đưa ra về một trường đại học kiểu mới trên Internet. Sau hơn 3 năm từ lễ khai giảng đầu tiên này, tới đầu 2019, FUNiX đã có những con số đáng kể: hơn 3000 sinh viên, và số mentor cũng nhiều không kém với gần 3000 mentor môn. Một điều impossible đã trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, trường đại học kiểu mới như FUNiX, thực chất đang vận hành không khác so với những nguyên tắc cốt lõi của giáo dục, đã được khẳng định qua thực tế lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại.
Thuật ngữ Mentoring là một khái niệm mới, nhưng cách dạy kiểu mentoring – hướng dẫn thì đã có lịch sử hàng nghìn năm. Những người thầy nổi tiếng trong lịch sử như Khổng tử, Aristotle đều giảng dạy theo cách này. Tất cả những kiến thức là dựa trên thực tế, do thầy và trò trao đổi với nhau. Thầy chỉ là người hướng dẫn, không phải người cung cấp kiến thức. Các cuốn sách đều do học trò ghi chép lại từ những buổi học trên thực tế. Tri thức của nhân loại đều được ghi chép, truyền thụ theo cùng một cách như vậy.
Đề cao năng lực tự học cũng vậy. Những nguyên tắc này đã được khẳng định là cách giáo dục đúng để phát triển cá nhân tốt nhất. Chữ học là gốc của giáo dục. Trong việc Học, thì kỹ năng Hỏi là quan trọng nhất. Từ đó, người học tự quyết định việc học của mình, chưa hiểu thì hỏi thầy. Thầy dạy từ nhu cầu trò muốn tìm hiểu kiến thức.
Bên cạnh đó, để tự học hiệu quả, quan trọng hơn hết là động lực học thực sự ở đằng sau. Duy trì được động lực học tập giúp việc học đạt được hiệu quả cao. Bộ ba mentoring – tự học – duy trì động lực là công thức quen thuộc để học tập hiệu quả, được chứng minh bằng thực tế lịch sử học tập của cả nhân loại. Sự khác biệt lớn nhất của công thức này ở thời điểm hiện tại, và ở FUNiX chỉ là: công nghệ cho phép chúng ta thực hiện những điều này trên quy mô rộng hơn rất nhiều, và chỉ với chi phí thấp.
Trường đại học kiểu mới, trường học trên internet như FUNiX ra đời, có thể là may mắn, cũng có thể là sự hội tụ đúng thời điểm. Khi đối chiếu phương pháp học của FUNiX với những nguyên tắc giáo dục của thời đại 4.0 dưới đây, format giáo dục mà FUNiX đang theo đuổi lại hoàn toàn đúng với xu thế của thời đại.
Có thể nói, FUNiX là một platform của nền kinh tế chia sẻ – đặc trưng của thời đại 4.0: FUNiX đang kết nối nhiều nguồn tri thức sẵn có tới những người có nhu cầu được học hỏi. Đội ngũ mentor – là những chuyên gia đang làm việc thực tế – khi tham gia mentoring đồng thời thỏa mãn được cả 2 tiêu chí: vừa đóng góp cho cộng đồng, chia sẻ, hướng dẫn cho đàn em, vừa có thêm thu nhập cho mình. Nhờ có công nghệ, nhờ internet và những ứng dụng kết nối như skype, facebook, messenger…, họ đã kết nối dễ dàng hơn và chia sẻ được kiến thức của mình cho những người có nhu cầu được học.
Có thể coi FUNiX way, hay cách học kiểu FUNiX là một trong những thử nghiệm đầu tiên của phương pháp giáo dục của tương lai. Có thể còn rất nhiều những vấn đề chưa có lời giải… nhưng đã và đang là một hướng đi đúng, được các nhà giáo dục trên toàn thế giới cực kỳ quan tâm tại nhiều hội nghị khoa học về giáo dục thế giới.