19/8 | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

19/8

Góc Nguyễn Thành Nam 21/08/2021

Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam viết về Hội thảo giáo dục FUNiX “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0” diễn ra ngày 19/8 vừa qua.

Theo thống kê của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – Phần Mềm đã tăng trung bình 47%/ năm trong khi số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8% và theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới năm 2025, Việt Nam thiếu hụt hơn 800.000 nhân sự IT.
 
Vậy số thiếu hụt, các công ty lấy từ đâu ra?
 
Thưa, là toàn tự lo cả. Chỉ sợ không có cơ hội “cách mạng” thực sự. Sợ gì thiếu vũ khí, nhân lực!
 
Tháng 6/1940, tại Quế Lâm, khi nghe tin Paris thất thủ, HCM đã nói với các đồng chí của mình: “thất bại của Pháp là cơ hội to lớn của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải ngay lập tức tìm đường về nước để lợi dụng cơ hội này”. Khi ai đó hỏi, vũ khí ở đâu? HCM đã trả lời: “Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí? Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ có vũ khí!”
 
Vậy có cơ hội cách mạng thực sự không?
 
Không khí Đại hội quần hùng 198, sáng nay ngày 19/8, với 200 đại biểu, bàn về việc đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, nóng lên từng phút.
 
Mở màn là bài phát biểu của Chủ tịch Seedcom Đinh Anh Huân, lý giải tại sao phải lập công ty Seedcom, sau khi đã quá thành công với Thế Giới Di Động . Vấn đề cốt tử của doanh nghiệp, muốn cạnh tranh ở qui mô toàn cầu, là phải vận hành hiệu quả ở qui mô lớn nhất có thể. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ CNTT. Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực logistic, Seedcom có 200 cán bộ CNTT, và dự kiến nâng con số này lên 400 vào năm 2023. Huân cho rằng, công nghệ mới, và các thách thức mới sẽ kêu gọi được nhân lực từ các lĩnh vực khác chuyển sang CNTT. Còn học, Internet lo tất!
 
Sau đó, quần hùng phát sốt với phát biểu của Huy Nguyễn, CTO của Kardiachain, người bỏ Google về nước, dựng blockchain platform make in Việt Nam. Theo Huy, Blockchain là Internet thứ hai, là miền Tây hoang dã. Mà đã ở miền Tây ai cũng phải có súng (tức là được trang bị kiến thức về blockchain). Huy cho rằng, Việt Nam đang có đầy đủ cơ hội để không bỏ lỡ chuyến tàu này. Các công ty Việt Nam đang lọt vào top 100 toàn cầu. Vấn đề là phải có đủ nguồn lực để duy trì đà tiến này.
 
Để kìm hãm đà hưng phấn, Nguyễn Đức Tài từ Lumi, đã chỉ ra, đối thủ hùng mạnh đến từ Trung Quốc mà cụ thể là Xiaomi, với các sản phẩm IoT trong Nhà thông minh. Tuy nhiên với hơn 30,000 khách hàng, anh kết luận, sản phẩm mà cứ TỐT ĐẸP, tức là dùng Tốt và trông Đẹp thì người Việt Nam sẽ yêu hàng Việt Nam thôi, không việc gì phải lo lắng cả.
 
Hết IoT, quần hùng lại châu vào Chiên Vũ, người đang xây dựng trung tâm AI tại Quy nhơn. Mới năm 2018 có 12 người, đến nay đã có gần 500 mạng. Phản đối lớn nhất là không nên bắt chước Mẽo, đổi tên Thung lũng AI thành AI Beach, bảo đảm nhân tài toàn cầu hội tụ về Qui Nhơn.
 
Giang hồ sau đó lại dậy sóng khi Phạm Quân giám đốc OneSoft công bố: 5/10 studios games hàng đầu Asia-Pacific là các studios từ Việt Nam. Có studio lọt tốp 15 lượt tải toàn cầu, tương đương với sản phẩm của các Đại gia như Microsoft, Facebook. Anh tuyên bố: chúng tôi thiếu ít nhất là 20k chiến binh: code, marketing, design, music… tất. Thu nhập tất nhiên là ở mặt bằng toàn cầu, không theo chuẩn Việt Nam.
 
Cơ hội rõ là ngút trời. Chỉ cần nhân dân đứng lên. Vậy nhân dân là ai?
 
Cặp đôi Đức-Thắng từ FUNiX cho rằng, nhân dân là bất cứ ai. Anh chị này tuyên bố: ngón tay có ngón dài ngón ngắn, học không phải là so đũa. Phải cá nhân hóa. Ai cũng được khuyến khích học nhanh, nhưng ai cũng có quyền học chậm. Quan trọng là đích đến, dù đích đến có là Qui Nhơn AI, hay làm Games “hại” trẻ con Mỹ hay dùng IoT đánh Tàu hay Miền Tây Blockchain hoang dã. Mà học chậm có lẽ chưa chắc đã đến đích muộn hơn thật.
 
Nghe xong, một thiếu niên Mặt đen quê Gia Lai đã bật dậy cam kết là đưa 100 sinh viên quê em, học AI ở FUNiX để bỏ núi tiến về bãi biển Quy Nhơn.
 
Nối tiếp cam kết đó, Nguyễn Trần Nhàn, công bố khẩu quyết: không ai bị bỏ quên, cứ qua thực chiến, có đồng đội sát cánh, sẽ trở thành chiến binh. Nhờ thế, bang phái NCC Soft của anh tuy nhỏ, nhưng rất được các anh em học viên yêu mến.
 
Tiến sĩ mặt trắng Hùng Trần từ STEAM4VN, kết thúc phần Hội chính thức bằng bài phát biểu xôn xao quần hùng. Anh tuyên bố, tinh thần “cách mạng” phải được bắt đầu hun đúc từ nhỏ, và cam kết sẽ dạy STEAM cho 1 triệu học sinh Việt Nam trong 3 năm, bằng những chiêu thức đơn giản nhưng cực hiện đại:
 
– Giáo sư phải hàng khủng, đẹp giai, lý lịch dày, và quan trọng nhất là có thể thu hút được hàng chục ngàn học sinh online chăm chú lắng nghe. Hiện tại STEAM4VN đã có trong tay hàng trăm các giáo sư tình nguyện.
– Chương trình học CNTT như computer science, robotic, phải hay như phim Holywood. Tức là chương hồi, gay cấn, học sinh học 1 lại muốn biết 2, bố mẹ gọi đi ăn thì giãy lên đành đạch.
 
Kế đó quần hùng nhao nhao vào mạng, tìm chỗ để đặt lại chữ ký của mình trong Bản thỏa ước 5 điều cam kết:
 
1/ Tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất để bất kỳ ai có mong muốn đều có thể tham gia “CM4.0” mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.
2/ Tuyển dụng theo thái độ và năng lực của ứng viên, không tạo ra các rào cản ko cần thiết về bằng cấp và hình thức đào tạo
3/ Chủ động tham gia vào quá trình đào tạo
4/ Mở cửa công ty cho các bạn học viên tham quan, tìm hiểu, thực tập, thậm chí chất vấn CEO…
5/ Kiên trì truyền thông giải thích nội dung của những cam kết này tới mọi thành phần xã hội
 
Trong không khí thân mật và ấm áp, sau khi đã tắt Livestream, câu chuyện lại rôm rả cho đến tận quá trưa quanh bia cỏ và xúc xích Ba Lan (đã được ship đến tại nhà). Không khí cách mạng hừng hực đến tối vẫn chưa lắng hết. 
 
Ảnh: quần hùng đang tranh nhau ký thỏa ước trên mạng
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại