Founder FUNiX: “Là ai cũng được, miễn tìm thấy hạnh phúc và được là chính mình”
Đó là lời nhắn nhủ của Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam trong chương trình tọa đàm tư vấn hướng nghiệp với gần 350 học sinh và phụ huynh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định vào tối 25/9.
Table of Contents
Lúng túng với câu hỏi Ta là ai
Chương trình mở đầu với một vấn đề rất đáng suy ngẫm đặt ra bởi diễn giả Nguyễn Thành Nam: Bất cứ đứa trẻ 10 tuổi nào cũng dễ dàng trả lời câu hỏi lớn lên con sẽ làm gì. Đứa sẽ là cô giáo, đứa sẽ là bác sĩ, phi hành gia… Bọn trẻ biết được những điều đó từ sách vở, từ những câu chuyện bố mẹ kể, hay những lần được theo bố mẹ đi làm, và từ bạn bè, cuộc sống mà chúng trực tiếp trải nghiệm, quan sát. Vậy tại sao chỉ 6,7 năm sau, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, các em lại loay hoay với câu hỏi sẽ thi vào trường nào, sẽ là ai trong tương lai?”
Anh Nguyễn Thành Nam cho rằng câu trả lời nằm trong những sai lầm của người lớn. Thực tế hiện nay là khi con trẻ càng lớn thì bố mẹ càng dành ít thời gian xem phim đọc sách cùng con, kể cho con nghe về những hình mẫu của cuộc đời. Không nhiều ông bố bà mẹ dẫn theo con lớn đến chỗ làm việc hay chia sẻ về những niềm vui nghề nghiệp của mình.
Không đầu tư vào việc định hướng nghề nghiệp cho con, rất nhiều bậc phụ huynh bị cuốn vào cuộc đua “thương hiệu” của các trường từ phổ thông, đến đại học; chọn trường dựa trên danh tiếng thay vì sở thích hay thiên hướng của con. Nghiêm trọng hơn cả, “Chúng ta gieo vào đầu chúng nỗi sợ sai lầm, làm sai sứ mệnh. Chúng ta nhồi vào đầu chúng rằng nếu đã là cử nhân thiên văn thì không được làm thợ mộc. Và nếu chẳng may thích tiểu thuyết lịch sử thì chớ có dại mà làm shipper.” – Cựu TGĐ FPT Software nhận xét.
Đừng sợ chọn sai
Phân tích những sai lầm trên, Founder FUNiX gợi ý cho các học sinh và phụ huynh của trường Lê Hồng Phong về những bước để tìm đến với lựa chọn nghề nghiệp thích hợp.
Nếu chưa biết rõ thế mạnh, thiên hướng của mình ở đâu, ngay từ khi vào lớp 10, phụ huynh nên đồng hành cùng các con để tìm hiểu về khoảng hơn 200 nghề nghiệp hiện có, bằng cách tìm kiếm Google, tra cứu trên website của Bộ Giáo dục.
Một năm tiếp theo nên được dành để nghiên cứu, khám phá về từng nghề để khoanh vùng lựa chọn xuống còn 15-20. Điều này có thể thực hiện qua nguồn tư liệu khổng lồ trên mạng, tham gia cộng đồng nghề.. Anh Nguyễn Thành Nam cũng gợi ý cho các bậc phụ huynh nên tích cực chia sẻ cho con cái về công việc của mình, kết nối với người quen, bạn bè để cho con có cơ hội lắng nghe, trải nghiệm những nghề nghiệp khác nhau… giúp các em có thể giới hạn xuống còn ba lựa chọn khi bước vào năm cuối cấp.
Đặc biệt, Nguyên TGĐ FPT Software gửi đến học sinh của Chuyên Lê Hồng Phong lời khuyên hóm hỉnh: “Các em đừng lo lắng. Đa phần chúng ta đến lúc chết cũng vẫn chưa biết mình là ai cả. Tôi 60 tuổi rồi cũng thế. Vậy nên các em cứ mạnh dạn khám phá “mình”, đừng sợ chọn sai. Là ai cũng được, miễn tìm thấy hạnh phúc và được là chính mình.”
Rèn luyện năng lực tự học
Không chỉ quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp, Founder FUNiX còn nhắn nhủ đến các bạn trẻ nên dành thời gian để rèn luyện khả năng tự học ngay từ khi học cấp 3. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỹ năng này, anh chia sẻ về câu chuyện của chính bản thân mình: Sau khi không thành công với nghề luyện thi đại học, chàng Tiến sĩ Toán của đại học Tổng hợp Matxcova đã dấn thân vào một con đường hoàn toàn mới – CNTT – và trở thành một trong 13 thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT. “Không học toán được thì tôi học lập trình. Đó là lúc tôi nhận ra năng lực quan trọng nhất là năng lực tự học.” – anh kể lại.
Hành trình hơn 20 năm trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại FPT đã giúp anh Nguyễn Thành Nam nhận ra: “Giáo dục Việt Nam dạy quá nhiều kiến thức mà không giúp học sinh rèn khả năng tự học. Đây là một hạn chế rất lớn, vì thời đại này không thể chỉ học một thứ và dùng mãi, mà phải liên tục học hỏi để theo kịp với tiến hóa không ngừng của tri thức.”
Chính bởi vậy, sau khi rời FPT Software vào năm 2013, anh đã sáng lập FUNiX – một ngôi trường để dạy cách tự học. “Mục tiêu học tập của sinh viên FUNiX là học được cách tự học và kết nối để giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống bằng CNTT. Thực tế cho thấy rất nhiều em đã thành công, với sự hỗ trợ của những người đi trước trong ngành, đã có thể tự học để hoàn thành chương trình đại học” – anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)