Bí quyết tự học tối ưu trong ngành IT | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Bí quyết tự học tối ưu trong ngành IT

Tin tức 19/11/2020

Tham gia buổi xTalk chủ đề “Cách tự học tối ưu trong ngành IT” do FUNiX tổ chức ngày 14/11, CEO của NCCSOFT Technologies Nguyễn Trần Nhàn đã chia sẻ những bí quyết học tập của bản thân, dành nhiều lời khuyên hữu ích cho người tham dự.

Vốn là dân Lý trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Liên Bang Nga), anh Nguyễn Trần Nhàn tự học để chuyển ngang sang CNTT. Về nước và tham gia nhiều dự án công nghệ ở các vị trí Android/IOS developer, Game Developer, Team Leader,  CTO, hơn 10 năm qua, anh dành phần lớn thời gian làm việc với C, C++, Mobile technologies. Hiện anh là CEO của công ty NCCSOFT Technologies. 

Chia sẻ với xTer FUNiX anh cho biết bản thân cũng phải đối mặt với những thử thách, gian nan trên con đường học tập để có được thành công trong ngành IT. Dưới đây là một vài lời khuyên để tự học tối ưu, hiệu quả cho các bạn trẻ.

Học CNTT cần phải “quen tay”

Dẫn lời cha đẻ của ngôn ngữ C Dennis Ritchie, anh Nhàn khẳng định: Cách duy nhất để học một ngôn ngữ lập trình mới là viết các chương trình bằng ngôn ngữ đó. Theo anh, học CNTT, kỹ năng đầu tiên là “phải quen tay”. Người học cần gõ code để chạy thử chương trình, cho dù có những chỗ không hiểu. Cố gắng hiểu hết rồi mới code sẽ khó, vì các ngôn ngữ trong CNTT đều rất trừu tượng. Code, chạy thử, chỉnh sửa – đây là cách để nắm được một ngôn ngữ lập trình mới. Đồng thời code quen tay cũng giúp bạn triển khai logic, suy nghĩ của mình một cách dễ dàng hơn. 

Anh Nhàn tin rằng cách duy nhất để học một ngôn ngữ lập trình mới là viết các chương trình bằng ngôn ngữ đó

Mentor Nhàn cũng khẳng định, “học thuộc khác quen tay”. Trong lập trình, bạn không cần phải nhớ kỹ từng dòng code mà phải hiểu được logic trong đó, hiểu được dòng code đó để giải quyết vấn đề gì. Để làm được điều này, cần đọc lý thuyết, chạy thử – sửa code, và trao đổi với người khác để lắng nghe phản biện. Hiểu – làm – quen tay hoàn toàn khác với học thuộc lòng mà không hiểu bản chất, áp dụng một cách cứng nhắc.

Ví dụ như khi học môn design pattern (mẫu thiết kế phần mềm), khi code bạn có thể không nhớ pattern đó implement cụ thể như thế nào, nhưng nếu biết được chỗ này phải áp dụng pattern đó, hiểu được logic ở chỗ đó, thì bạn chỉ cần tìm lại thuật toán, cách implement là được.

Làm gì khi chán? Tạo các thành công “nho nhỏ”

Anh Nguyễn Trần Nhàn vô cùng thấu hiểu cảm giác mơ hồ, chán nản khi gặp bài khó mà kiến thức của mình thì chưa vững, dẫn đến việc càng học càng chán. Anh chia sẻ về kỉ niệm lúc mới đến với CNTT và tự học PHP. Dù đó là một ngôn ngữ khá dễ học, nhưng do hồi đó anh mới chỉ biết về Pascal mà hoàn toàn không nắm được các thuật ngữ cơ bản khi làm web, các phương thức làm việc với cơ sở dữ liệu…, anh cảm thấy rất mờ mịt và bất lực. Anh khẳng định, cảm giác này là không thể tránh khỏi trong một ngành cần liên tục tự học để cập nhật kiến thức như CNTT, kể cả những người giỏi, khi học một cái mới cũng có lúc cảm thấy như vậy. 

Giải pháp của anh là lúc đó nên ngừng đọc, giải quyết những vấn đề nhỏ, cho kết quả luôn để kích thích tinh thần cho mình. Đó có thể là những vấn đề rất dễ, như giải phương trình bậc 2 bằng PHP, giải bài toán trên Codefights… Nhưng những thành công nhỏ như vậy sẽ giúp mình lấy lại cảm giác tự tin. 

Anh cũng nhận xét cái hay của FUNiX, sinh viên có thể hỏi mentor bất cứ lúc nào chứ không phải loay hoay vật lột một mình dẫn đến tình trạng chán nản kéo dài. Đây là một may mắn mà ngày xưa anh không có. 

Ý chí kém, làm sao để tạo động lực?

Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về việc “Làm sao để tạo động lực khi có mình không có ý chí mạnh mẽ?”, anh Nhàn khuyên hãy tạo áp lực cho mình bằng cách tìm đối tượng phù hợp để trao đổi, bởi khi đó mình bắt buộc phải nắm chắc kiến thức thì mới dám thể hiện bản thân. 

Mentor Nguyễn Trần Nhàn

Ví dụ như anh tuy có những vấn đề về công nghệ chưa nắm rõ, nhưng anh vẫn đăng ký làm seminar, open talk ở công ty. Và vì sợ bị chê cười, nên anh cố gắng đọc để hiểu, chạy demo, để dần hiểu vấn đề và vượt qua cảm giác sợ hãi ban đầu. 

Một cách khác là tham gia các cuộc thi, dự án trên các website như CodeFights, để được nhắc nhở và có áp lực để đi đến cùng. 

Một số mẹo khác để tạo áp lực cho bản thân là: Nhờ bạn gái nhắc nhở học tập, tìm cơ hội thực tập/làm dự án quanh mình để áp dụng kiến thức. Khi đi vào dự án thực tế, bạn sẽ bớt thấy kiến thức mông lung và không biết “học để làm gì”. 

Tìm tài liệu thích hợp

Với người học IT, các tài liệu tham khảo rất nhiều, đặt ra thách thức tìm tài liệu thích hợp với mỗi người. Lời khuyên là các bạn nên xem video/ tài liệu để hiểu những ý chính trước, tự đặt ra các câu hỏi về tổng quan/ bối cảnh… rồi mới tìm đọc về chi tiết. Tài liệu cần giúp bạn dễ hình dung, ví dụ như có nhiều hình vẽ, có code để chạy thử… Sau đó, bạn có thể quay về các tài liệu chính thống, tài liệu sâu về lý thuyết để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Với câu hỏi nên học tài liệu nước ngoài hay tiếng Việt, chẳng hạn với ngôn ngữ Java, anh Nhàn cho rằng điều này tùy thuộc vào người học cảm thấy đọc tiếng Việt hay tiếng Anh dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, bạn nên đọc thêm tiếng Anh để tham chiếu kiến thức kỹ hơn do vấn đề dịch thuật có thể không hoàn toàn chính xác.

Kết thúc chương trình, Mentor Nguyễn Trần Nhàn nhấn mạnh: Điều quan trọng khi theo đuổi lĩnh vực này là sự kiên trì, bền bỉ. Mỗi ngày bạn chỉ cần code 10-20 dòng thôi, nhưng ngày nào cũng phải code… Cứ như vậy, những ngày đầu bạn có thể vất vả, nhưng theo thời gian việc học sẽ dễ dàng hơn, cho bạn kết quả xứng đáng.

Vân Nguyễn – Quỳnh Anh

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!