Chùm ảnh: Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ cho Cách mạng 4.0″
Sáng 19/8, tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ cho Cách mạng 4.0”, đại diện 100 doanh nghiệp và đơn vị đào tạo phi truyền thống ký một bản cam kết cộng đồng chung tay giải quyết bài toán nhân sự CNTT của Việt Nam.
CTO KardiaChain: Blockchain và “vận hội” cho Việt Nam
- Nữ tướng FUNiX Lê Minh Đức và câu chuyện tự học ở Trường Mây
- Hơn 200 cá nhân, doanh nghiệp đăng ký dự Hội thảo giáo dục FUNiX 19/8
Bản cam kết bao gồm 5 điểm: (1) Tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất để bất kỳ ai có mong muốn đều có thể tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Tuyển dụng theo năng lực và thái độ của ứng viên, không tạo ra rào cản không cần thiết về bằng cấp, cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo; (3) Chủ động tham gia đào tạo thông qua việc phối hợp xây dựng chương trình; giảng dạy và mentoring học viên; (4) Sẵn sàng tiếp nhận học viên tới tham quan thực tập, tìm hiểu về xu hướng phát triển của ngành tại doanh nghiệp mình; và (5) Kiên trì truyền thông, giải thích những tinh thần và nội dung của của bản cam kết đến mọi thành phần xã hội.
Cùng nhìn lại những khoảnh khắc ấn tượng tại sự kiện.
Hội thảo quy tụ gần 200 đại diện doanh nghiệp công nghệ cùng đơn vị đào tạo phi truyền thống để cùng thảo luận, thống nhất một giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ cho cuộc cách mạng số ở Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự quan tâm không chỉ từ các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo CNTT mà cả các đơn vị ngoài ngành có nhu cầu lớn về tuyển dụng nhân lực IT như Trung Tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Y Tế CHIR, Bệnh viện 199 – Bộ Công An (Đà Nẵng)…
Trước khi bước vào các phần nội dung chính thức, chương trình phát sóng một video clip ngắn, để dẫn tinh thần của buổi Hội thảo, so sánh các đại biểu với những “anh hùng thiên hạ” tề tựu để cùng bàn về một cuộc “Cách mạng long trời lở đất” nhằm giải quyết vấn đề nhân lực của cuộc đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mở đầu “đại hội quần hùng” là bài phát biểu với chủ đề “Lời giải cho cơ hội bị bỏ lỡ” của Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam.
Anh chia sẻ trong chuyến thăm Ấn Độ 23 năm trước đây (1998), anh đã rất ấn tượng khi nhìn thấy trên các cột điện, tường của thành phố Bangalore dán quảng cáo không phải về khoan cắt bê tông, chữa bệnh… như ở Việt Nam mà là những lời mời chào học Java, C++. Có thể thấy việc học CNTT không phải chỉ dành cho một số ít những người tài giỏi, đặc biệt thông minh, mà đã trở thành một phong trào toàn dân, ai cũng có thể tham gia.
Founder FUNiX trích dẫn thống kê của Vietnamwork cho thấy trong 3 năm gần đây, số việc làm CNTT tăng 47% nhưng nguồn cung nhân lực truyền thống chỉ tăng 8% mỗi năm.
“Trong khi ngành giáo dục chính thống không đáp ứng được, nhiều tổ chức, cá nhân tự xoay sở để tìm ra lời giải: Nhiều hình thức đào tạo (phi truyền thống) ra đời phát sinh từ nhu cầu thực tế và ngày càng phát triển chứng tỏ đây chính là thời đại của đào tạo phi truyền thống” – anh Thành Nam nói.
Mở đầu phiên 1 “Tương lai biến động” là bài trình bày keynote của anh Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Seedcom, Cựu đồng sáng lập Thế Giới Di Động.
Anh Huân cho rằng bối cảnh dịch bệnh như hiện nay đã rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc tiếp cận cơ hội, việc làm ngành CNTT. Các kỹ sư CNTT có thể làm việc ở bất kỳ đâu, cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ ai trên thế giới. Và thực tế, người làm CNTT không nhất thiết phải học ngành CNTT, mà hoàn toàn có thể tự học. Tự học là nền tảng để phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Tương lai của thế giới crypto”, CTO Kardiachain Huy Nguyễn đánh giá công nghệ blockchain đang là một “Miền tây hoang dã” nhiều cạm bẫy, nguy hiểm, nhưng cũng màu mỡ để khai phá. Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để nắm bắt được cơ hội này.
Về “thiên thời”, so với các nước phương Tây đã có nền tảng công nghệ vững mạnh, việc áp dụng các công nghệ mới như blockchain chưa chắc đã mang lại lợi ích to lớn ngay từ đầu, hơn nữa sẽ tạo ra quá nhiều thay đổi với những thứ đang có. Trong khi đó ở Việt Nam, chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu, áp dụng công nghệ mới dễ dàng và mang lại những giá trị to lớn hơn nhiều. Về “địa lợi”, cả chính phủ, doanh nghiệp, truyền thông đều có những động thái tích cực để ủng hộ công nghệ này. Về “nhân hòa”, Việt Nam có số người trẻ đam mê công nghệ, sử dụng smartphone cao là một nguồn khách hàng ngay tại chỗ.
Nói về “IOT – Cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đại gia Trung Quốc”, TGĐ Nhà thông minh LUMI Việt Nam Nguyễn Đức Tài, Nhà thông minh Lumi Việt Nam chia sẻ 5 chiến lược để có thể “chiến thắng” hoặc “cầm hoà” với các đại gia Trung Quốc trong lĩnh vực IoT: Liên kết với nhiều doanh nghiệp khác để có thể giảm gía thành sản phẩm; Phát triển sản phẩm một cách “tốt đẹp” và “có hồn”, ổn định và tiện lợi; Nâng cao dịch vụ, luôn đảm bảo chăm sóc khách hàng nhanh nhất có thể.; Chú trọng đầu tư vào xây dựng thương hiệu; và Thị trường tại Việt Nam luôn có nhiều cơ hội cho “hàng Việt Nam” phát triển.
Mục tiêu được đặt ra khi xây dựng Thung lũng AI tại Quy Nhơn là nghiên cứu, phát triển, đem đến những ứng dụng tốt nhất phục vụ đời sống của người dân Việt Nam – anh Vũ Hồng Chiên – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) – FPT Software cho biết.
Anh chia sẻ QAI đã thành công nâng con số nhân lực AI từ 7 năm 2019 cho đến 342 vào 2021 nhờ một loạt các chương trình thu hút nhân tài: Chính sách chuyển vùng và Expat (trợ cấp tài chính di chuyển, an cư lạc nghiệp, hỗ trợ gia đình); Tập trung toàn bộ nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa khách hàng về Quy Nhơn; Xây dựng chương trình đặc biệt để đào tạo và bồi dưỡng nhân tài trẻ ngay tại Quy Nhơn; Hợp tác chiến lược với các tổ chức đào tạo (trao học bổng, gửi Mentor tại các chương trình đào tạo của FUNiX,…)
Mở đầu phiên 2 “Ai cũng có thể là chiến sĩ” là bài phát biểu: “Giải pháp đào tạo cá thể hoá FUNiX Way” của CEO FUNiX Lê Minh Đức & Giám đốc khối doanh nghiệp FUNiX Hoàng Việt Thắng.
Đại diện FUNiX chia sẻ về mô hình “đào tạo phi truyền thống” mà FUNiX đang thực hiện, bao gồm các hoạt động như: Tuyển sinh đầu vào đa dạng: sinh viên học trái ngành, học sinh cấp 3, người muốn chuyển ngành…; Sử dụng các bài giảng MOOC cho học viên tự học.; Xây dựng hệ thống tổng đài với các khung giờ cam kết giải đáp ngay lập tức; Chú ý đến vấn đề xây dựng và duy trì động lực học tập cho sinh viên với đội ngũ Hannah; Tổ chức các buổi xTour và nhiều hoạt động cộng đồng: xTalk, x-Debate,… để sinh viên được kết nối, rèn luyện kĩ năng mềm; Đưa những thứ doanh nghiệp CẦN vào chương trình đào tạo…
Trong bài phát biểu: “Mobile Games – một mặt trận thầm lặng mà rất thành công, Giám đốc Onesoft Phạm Hồng Quân nhận định thị trường game như “mỏ vàng” có nhiều tiềm năng phát triển ở toàn cầu, và Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc phát triển game. Để làm được điều này cần có sự quan tâm, đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị đào tạo. Bên cạnh đó, anh cũng khuyên các bạn trẻ nếu có đam mê, hãy mạnh dạn nắm bắt, tham gia vào các công ty game tại Việt Nam.
Đại diện một đơn vị đào tạo phi truyền thống, Nhà sáng lập STEAM for Vietnam Trần Việt Hùng chia sẻ về mô hình giáo dục của STEAM for Vietnam, với các đặc điểm như: Học sinh vẫn đến lớp (tương tác về mặt xã hội) nhưng đến giờ học lại sử dụng bài giảng trực tuyến từ các giáo viên giỏi nhất, thầy cô địa phương chỉ đóng vai trò trợ giảng; Mỗi một tiết học được thiết kế như một tập phim truyền hình nhằm thay đổi hướng tiếp cận thu hút, hấp dẫn học viên; Ứng dụng công nghệ trong mô hình STEAM: Một giáo viên có thể dạy được rất nhiều học sinh (lên đến 5000 học sinh trong 1 buổi học), xây dựng mạng lưới lớn mạnh, phân tích tính cá nhân hoá của từng học sinh và giáo viên.
Trong bài phát biểu cuối cùng của chương trình với tựa đề “Vừa học vừa làm, ai cũng có thể thành chiến sĩ, Giám đốc NCCPlus Nguyễn Trần Nhàn nhận định ai cũng có thể học và làm CNTT, chỉ cần thái độ nghiêm túc, giữ được đam mê. Anh chia sẻ NCCPlus không coi trọng vấn đề bằng cấp mà tiếp nhận tất cả học viên chưa có kiến thức, chuyển ngành… tạo môi trường để học và tiếp cận dần.
Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ cho Cách mạng 4.0” do FUNiX tổ chức khép lại bằng phần ký cam kết cộng đồng giữa các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống.
Gần 100 đại diện doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống đã cùng ký kết vào bản Cam kết trên, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận sâu sắc, tin tưởng vào sức mạnh hợp tác giữa các đơn vị trong nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số.
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)