Có một nghề hái ra tiền thời dịch bệnh nhưng ít ai để ý | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Có một nghề hái ra tiền thời dịch bệnh nhưng ít ai để ý

Góc nhìn 26/07/2021

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, mới đây chia sẻ về câu chuyện những người không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, đang có công việc hấp dẫn, kiếm ngoại tệ rất tốt 

Hiện Việt Nam có những startup doanh số nghìn tỷ mỗi năm nhưng không mấy ai biết đến, và đã xuất hiện nhiều triệu phú đô la trong ngành, đưa Việt Nam trở thành một trong 7 nước đứng đầu thế giới.  

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, mới đây chia sẻ về câu chuyện những người không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Họ là những người đang có công việc hấp dẫn, kiếm ngoại tệ rất tốt cho bản thân, cho công ty và cho đất nước bất chấp có giãn cách xã hội hay không.

Ông Bảo khẳng định, dù đây là lĩnh vực không ai công bố, nhưng với những người làm IT lâu năm, có theo dõi thông tin, có nhiều quan hệ trong giới thì thị phần của Việt Nam trong “chiếc bánh” trị giá 77,3 tỷ USD kia cũng phải lên đến hàng tỷ USD chứ không thể là hàng trăm triệu USD.Mở đầu bằng câu chuyện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới trong một lĩnh vực có quy mô thị trường lên đến 77,3 tỷ USD (có số liệu khác nói rằng quy mô thị trường đã lên đến 100 tỷ USD), đó là ngành công nghiệp sản xuất game cho điện thoại di động (Mobile Game).

Không những thế, lĩnh vực này còn có tốc độ tăng trưởng lên đến 15,8% mỗi năm, cao gấp hơn 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng chiếc bánh 77,3 tỷ USD ấy sẽ càng ngày càng to, và tất nhiên phần của Việt Nam cũng sẽ nhiều lên tương ứng.

Nói lĩnh vực này không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn online với những người sản xuất Mobile Game: làm việc ở nhà, giao tiếp với đồng nghiệp, cộng sự qua mạng; khách hàng trên toàn thế giới nhận sản phẩm, sử dụng sản phẩm, mua bán, trả tiền đương nhiên cũng theo phương thức online.

8 năm trước, game thủ Nguyễn Hà Đông của Việt Nam nổi tiếng khắp toàn cầu nhờ game Flappy Bird. Sau 8 năm, ông Đỗ Cao Bảo tiết lộ Việt Nam giờ đây đã có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn Nguyễn Hà Đông.

“Sản xuất Moblie Game là ngành kinh tế trị giá 77,3 tỷ USD và đấy là thế mạnh của người Việt Nam, bởi nó không cần một nhóm nhiều người, không cần thiết kế phức tạp, mà cần tính sáng tạo, cần làm nhanh. Chính vì vậy mà Việt Nam chúng ta mới đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 7 thế giới. Minh chứng là trong top 4 Mobile gGme đứng đầu Đông Nam Á thì Việt Nam chiếm 3 và chiếm luôn vị trí số 1, nhường vị trí số 2 cho một studio của Singapore”, ông Đỗ Cao Bảo nói. 

Sự phát triển của ngành này nhanh đến mức mà ngay cả một chuyên gia hàng đầu về CNTT như ông Bảo cũng phải “choáng”. 

“Khi nhìn danh sách Top 20 studio sản xuất Moblie của Việt Nam, tôi cũng chỉ biết đúng có một cái tên khá nổi tiếng. Cái tên khá nổi tiếng này chỉ đứng thứ 5 thôi, 19 cái tên còn lại hoàn toàn xa lạ, tôi nghe đến tên lần đầu. Chính vì vậy sẽ không có gì lạ nếu trong vài năm nữa thôi, Mobile Game sẽ là ngành kinh tế đóng góp cho kinh tế đất nước chẳng kém gì ngành giày da, túi xách, và nếu có kém thì chắc là chỉ kém ngành may mặc mà thôi,” ông Đỗ Cao Bảo nhận định.

Trong khi rất nhiều ngành nghề kinh tế truyền thống khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành Mobile Game và nhiều lĩnh vực kinh tế số khác không hề ảnh hưởng bởi đại dịch. Đó là những lĩnh vực mà chúng ta không nhìn thấy, không quan sát được. Những triệu phú đô la đó ngồi ở Việt Nam nhưng nhân viên của họ có thể ở nhiều quốc gia khác, khách hàng của họ ở hơn trăm quốc gia trên toàn thế giới. Họ đều là các chàng trai, cô gái trẻ, họ không cần văn phòng, không phải hàng ngày đi làm, không gian của họ là bốn bức tường với vài cái máy tính và chục cái smart phone.

Do đó, Game Mobile sẽ là một trong số những giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế trong đại dịch như hiện nay. 

Cũng theo ông Bảo, hiện Việt Nam có những startup doanh số nghìn tỷ mỗi năm, và đã xuất hiện nhiều triệu phú đô la nhờ Game Mobile. Họ là những người viết game, được thế giới công nhận game đó và tải về dùng. 

Việc liên tục xuất hiện những gương mặt mới trong làng sản xuất Game Mobile cho thấy sự hấp dẫn của ngành này. Mới đây, Phan Đặng Duy Phúc, cậu bé 15 tuổi ở Đồng Nai đã ra mắt một game đầu tay trên nền tảng Unity  lên chợ ứng dụng Google Play hôm 15/7 vừa qua. Phan Đặng Duy Phúc bắt đầu theo học chương trình đào tạo lập trình trực tuyến tại FUNIX từ năm 2019 và đang học đến Chứng chỉ 3.

“Game đầu tay của em có tên là Asean Friendship. Game lấy cảm hứng từ khối đại đoàn kết ASEAN nơi đất nước Việt Nam chúng ta là một thành viên. Game có tất cả 10 màn tương ứng với 10 nước trong khối ASEAN. Người chơi sẽ sử dụng lá cờ các nước trong khối Asean để làm nhân vật game, với luật chơi khá đơn giản là nhân vật game phải tồn tại được cho tới khi kết thúc quốc ca để nhận được chìa khoá mở màn chơi tiếp theo. Khi mở được hết 10 màn chơi thì xem như chiến thắng”, Duy Phúc chia sẻ.

Trước những nghi ngại của nhiều người về mặt trái của Game online nói chung và Game Mobile nói riêng, ông Đỗ Cao Bảo tự nhận mình là thế hệ “game thủ” đầu tiên của Việt Nam khi chơi game từ năm 1984. Con trai ông cũng chơi game từ nhỏ và hiện giờ vẫn chơi, nhưng vẫn học hành đàng hoàng, ra trường tự khởi nghiệp. 

“Con nghiện game cũng một phần do bố mẹ và gia đình. Game cũng như truyện và phim, có truyện tốt, truyện xấu, có phim tốt, phim xấu. Không thể vì con mình xem phim bạo lực mà cho rằng phim xấu, cấm con xem phim”, ông Bảo nói. 

Vị doanh nhân này chia sẻ câu chuyện thời còn làm Tổng Giám đốc FPT IS, một hôm, một quản lý cao cấp vào phòng ông và đưa đề xuất cho một nhân viên nghỉ việc với lý do “Suốt ngày chơi game, trừ thời gian đi khách hàng, về đến công ty là chơi game”. Tuy nhiên, ông Bảo không đồng ý với đề nghị trên và nói: “Cậu ấy có doanh số 1 triệu USD. Chơi game mà doanh số 1 triệu USD còn hơn là không chơi game, tận tuỵ, chăm chỉ mà doanh số chỉ 400.000 USD”.

 Ngân Giang (Info.net)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại