Founder FUNiX thảo luận về phương pháp đào tạo nhân lực cho ngành CNTT
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT – Chủ tịch HĐQT FUNiX cho rằng, với sự phát triển của ngành công nghệ, càng có nhiều nhân lực về CNTT càng tốt.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trương Lý Hoàng Phi – TGĐ VinTech City đưa ra con số 1.000.000 – đây là nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đến 2020. Bà cho biết thêm, hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong nhu cầu này, đang còn thiếu 58% nguồn nhân lực công nghệ.
Bên cạnh con số 1 triệu nhân lực CNTT, bà Hoàng Phi nhắc đến con số 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 – mục tiêu phấn đấu của Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ ngày 9/5/2019.
Bà Phi chia sẻ: “Với mục tiêu như vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường công nghệ, chúng ta còn khoảng cách rất lớn. Bài toán này là vấn đề mà tất cả chúng ta phải chung tay để giải quyết”.
Bà Trương Lý Hoàng Phi nhấn mạnh, “Make in Việt Nam” là một thông điệp truyền cảm hứng nhưng dưới góc độ khởi nghiệp, phải suy nghĩ đến cái gốc của bài toán này, đó là nguồn nhân lực. Tư duy khởi nghiệp trong trường đại học là một vấn đề rất quan trọng trong việc đào tạo nhân lực CNTT trong trường đại học. Hơn ai hết, nhà trường phải chính là nơi ươm mầm cho các ý tưởng này. Tuy nhiên ở Việt Nam, vai trò của nhà trường trong việc giúp sinh viên hình thành nên tư duy khởi nghiệp là một khoảng trống cần phải được bù đắp. Bên cạnh đó, khi có ý tưởng và sản phẩm, các sinh viên Việt Nam lại phải đối mặt với việc thiếu hụt một hệ sinh thái hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp. Đây chính là những lỗ hổng lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực về CNTT tại Việt Nam – bà Phi cho biết.
Ông Đặng Hoài Bắc – Phó Giám đốc Học viện CNBCVT lại nhận định, con số 1 triệu nhân lực CNTT chất lượng cao là thách thức thực sự đối với Việt Nam trong thời gian tới. Không chỉ riêng Việt Nam, ngành ICT của Nhật Bản cũng đang thiếu khoảng 3 triệu lao động từ nay cho đến năm 2025.
Ông Bắc cho rằng, so với các trường khối kinh tế, các trường đào tạo về công nghệ, đặc biệt là các trường công lập sẽ phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều vì giới trẻ Việt Nam đang quan tâm tới các trường khối tài chính, ngân hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển và tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ vào công tác đào tạo, xu thế này trong thời gian gần đây đã trở lại thế cân bằng. “Nếu chúng ta cứ đào tạo ra những người đếm tiền mà không tạo ra những người làm ra tiền thì xã hội sẽ trở nên mất cân bằng và thiếu ổn định”, ông Bắc nói.
Để giải quyết thách thức về sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ, ông Bắc cho rằng điều này nếu chỉ một mình các trường đại học thì không thể làm được. Thay vào đó, cần phải có sự chung tay giúp sức từ phía các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Tham gia Hội thảo với tư cách diễn giả, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT – Chủ tịch HĐQT FUNiX, Trường đại học trực truyến đầu tiên của Việt Nam cho rằng, các trường đại học sẽ bị giới hạn về số lượng đào tạo, tuy nhiên nhu cầu của thị trường đối với nhân lực ngành CNTT là vô hạn, do đó sẽ khó có lời giải thỏa đáng để phát triển nhân lực ngành CNTT ngoài việc thúc đẩy tinh thần tự học của các bạn sinh viên. Đây sẽ là nguồn bổ sung quan trọng nhất về lực lượng nhân sự CNTT mà Việt Nam đang còn thiếu.
Theo ông Nam, một triệu nhân lực về CNTT chỉ là một con số tượng trưng. Ông Nam nhấn mạnh, với sự phát triển của ngành công nghệ, càng có nhiều nhân lực về CNTT sẽ càng tốt. Nhận định về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam, ông Nam bày tỏ: “Sản phẩm phải bắt nguồn từ vấn đề của thị trường. Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải đó là chưa biết giải quyết vấn đề cụ thể gì. Đó cũng chính là cái thiếu nhất của “Make in VietNam” hiện nay. Nếu đặt ra được vấn đề đúng, rõ ràng, với năng lực hiện có của cán bộ công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”.
Hiện nay, CNTT đã trở thành một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra thông điệp “Make in Vietnam” là khẩu hiệu của ngành ICT, mang kỳ vọng Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất, giải quyết các vấn đề Việt Nam và đi ra thế giới, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên số lượng nhân lực CNTT hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn lực trong nước. Theo VietnamWorks, tính đến năm 2020, Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT.
Thanh Nga
Là đơn vị đào tạo CNTT theo hình thức trực tuyến, FUNiX thuộc FPT Edu xây dựng tinh thần chủ động, tự học cho sinh viên. Với phương thức học chủ động và ưu tiên hướng nghiệp, có sự dẫn dắt của đội ngũ mentor, FUNiX giúp các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin ở mọi lứa tuổi sớm phát triển sở trường công nghệ. Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam cho hay, phương pháp đào tạo trực tuyến sẽ là một lời giải hiệu quả và kinh tế cho bài toán đào tạo số lượng lớn nhân lực cho ngành CNTT hiện nay.
Bình luận (0
)