Trong sự kiện khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018 tại Sơn Tây, mentor FUNiX và đại diện Trung tâm đào tạo lập trình xSchool Nguyên Phát đã có buổi chia sẻ với hơn 800 học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Sơn Tây. Buổi chia sẻ mang chủ đề: “Thanh niên thời đại cách mạng 4.0: Học và hỏi chủ động”.
Tại đây, mentor Quách Ngọc Xuân, Giám đốc học thuật FUNiX cho biết, cách mạng 4.0 đang làm thay đổi thế giới. Việc học tập trong thời đại 4.0 vì thế cũng thay đổi.
Ông Xuân đưa ra ví dụ về việc học tiếng Anh, hiện là kỹ năng ngôn ngữ được học nhiều nhất trên thế giới. Một số nước như Philippines đang có lợi thế nhờ tiếng Anh tốt, trở thành công xưởng cung cấp call-center toàn cầu. Tuy nhiên, trong tương lai, có thể con người sẽ không cần học ngoại ngữ vì công nghệ dịch thuật ngày càng hoàn thiện. Máy móc, trí tuệ nhân tạo cũng có khả năng thực hiện kết nối khách hàng gấp nhiều lần con người. Nền công nghiệp call-center trị giá tới 20 tỷ đô của Philippines có nguy cơ sẽ bị xóa sổ trong tương lai.
Với thực tế đó, ông Xuân nhắn nhủ các bạn trẻ muốn nắm thời cơ, không bị lạc hậu, cần có tinh thần học tập không ngừng để luôn bắt kịp những kiến thức mới.
Chia sẻ với học sinh của trung tâm về giáo dục 4.0, mentor Phan Phương Đạt, nguyên Phó tổng giám đốc FPT Software, Giám đốc FUNiX nhận định giáo dục đang dịch chuyển từ việc dạy sang tự học, vì thế vai trò người thầy trong thời đại 4.0 cũng đang thay đổi.
“Người thầy trong thời đại cách mạng 4.0 không nắm giữ chân lý duy nhất, mà đóng vai trò là người chỉ đường – mentor cho người học. Bạn có thể hỏi rất nhiều thầy, nhận được câu trả lời đa dạng, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là các bạn”, ông Đạt chia sẻ.
Trước những tiến bộ của công nghệ và giáo dục, các mentor như ông Đạt, ông Xuân đều nhận định trau dồi kỹ năng tự học, cập nhật kiến thức máy tính, học để làm chủ công nghệ là yêu cầu cần thiết trong thời đại mới.
Sau phần chia sẻ của các khách mời, nhiều học sinh tại Sơn Tây bày tỏ mối quan tâm về khả năng học tập công nghệ, trở thành lập trình viên của bản thân. Một nam sinh đặt câu hỏi: “Muốn học lập trình cần tư duy phải tốt, vậy những học sinh có học lực trung bình có thể trở thành lập trình viên không?”.
Giải đáp thắc mắc này, bà Nguyễn Cát Tiểu Giang, Giám đốc Trung tâm Nguyên Phát cho biết mọi công việc đều có mức độ từ dễ đến khó. Với máy tính, tiếp xúc nhiều sẽ trở thành bản năng, giúp dần cải thiện tư duy của người học. Khi làm việc nhiều với máy tính thì cách làm việc cũng dần trở nên logic, rõ ràng hơn.
Trước băn khoăn của học sinh, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Sơn Tây chia sẻ, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang rất lớn, hứa hẹn một tương lai khả quan cho những bạn muốn trở thành lập trình viên. Ông Toàn gợi ý mỗi học sinh có thể xuất phát từ đam mê cá nhân để tìm hướng theo đuổi ngành công nghệ phù hợp. Ví dụ, những bạn thích game có thể học để trở thành lập trình game, test game trong tương lai.
Về cơ hội học tập, ông Toàn nhận định những trung tâm đào tạo lập trình ngay tại địa phương như Nguyên Phát có thể cung cấp các điều kiện, chương trình học lập trình chất lượng tốt cho học sinh tại Sơn Tây. Bà Tiểu Giang chia sẻ thêm: “Chương trình học tại Nguyên Phát kéo dài từ 6 tháng đến một năm, tùy vào khả năng tiếp thu của người học. Học sinh ra trường sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng đầu vào tại FPT Software”.
Buổi chia sẻ của các chuyên gia công nghệ và đại diện Nguyên Phát đã giúp các em học sinh hiểu thêm về cách mạng 4.0, tầm quan trọng, những cơ hội và thách thức trong thời đại mới, từ đó có thể lựa chọn những hướng đi phù hợp trong tương lai.
Trung tâm đào tạo lập trình Nguyên Phát thuộc chuỗi xSchool – do FUNiX hợp tác với các chuyên gia công nghệ, chuyên gia giáo dục phát triển. xSchool đào tạo lập trình viên trong vòng một năm, kết hợp giữa giảng dạy online và offline tại chỗ theo sát giáo trình của FUNiX. Sinh viên hoàn thành chương trình được FUNiX cấp chứng nhận, có cơ hội việc làm thuận lợi tại các công ty lớn trong lĩnh vực IT.
Nguyên Chương
Bình luận (0
)