'Làm Automotive cần đam mê và tinh thần không bỏ cuộc' | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

‘Làm Automotive cần đam mê và tinh thần không bỏ cuộc’

Tin tức 27/12/2018

Anh Ngô Sỹ Việt Phú, GĐ Trung tâm phần mềm mảng Automotive tại FPT Software Đà Nẵng, nhìn nhận rằng ngôn ngữ lập trình và niềm đam mê là hai yếu tố quan trọng giúp sinh viên thành công trong lĩnh vực công nghệ ô tô.

“Ngành ô tô Việt Nam đã có lịch sử lâu đời và sự phát triển nhất định trong nhiều năm qua. Nền công nghiệp này phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực, nâng tầm Việt Nam lên một vị thế mới trên trường quốc tế”, anh Ngô Sỹ Việt Phú, GĐ Trung tâm phần mềm mảng Automotive tại FPT Software Đà Nẵng, nhận định tại hội thảo “Automotive – cơ hội việc làm trong kỉ nguyên 4.0” vào chiều 26/12.

Sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng lắng nghe những chia sẻ về công nghệ ô tô.

Chương trình do FUNiX tổ chức thu hút 30 sinh viên đam mê công nghệ ô tô của Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham gia. Diễn giả cùng thảo luận nhằm giúp sinh viên hiểu hơn về lĩnh vực Automotive với các công nghệ đi kèm. Những câu chuyện xoay quanh tiềm năng, cách thức làm ra sản phẩm và xây dựng một hướng đi mới cũng được chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp của các chuyên gia.

Dẫn nhập câu chuyện về công nghệ Automotive, anh Ngô Sỹ Việt Phú giới thiệu chiếc xe Made in Vietnam vang danh một thời – La Dalat. Từ năm 1970 cho đến 1975, Sài Gòn đã sản xuất hơn năm ngàn chiếc xe dân dụng La Dalat tại Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%. Anh cho biết, một hãng chế tạo xe của Pháp đã thiết lập xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương với trụ sở ban đầu tại góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ.

“Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại dấu ấn không hề nhỏ mang tên Việt Nam”, anh nói và cho biết người Việt có thể tự hào về khả năng làm ô tô và thực tế nó không quá cao xa theo như nhiều người nghĩ. Anh dẫn chứng mô hình xe tự hành đang được FPT Software triển khai tại Hà Nội – TP HCM – Đà Nẵng.

Chuyên gia FPT giúp sinh viên hiểu hơn về xe tự hành.

Kinh nghiệm hơn 8 năm theo đuổi lĩnh vực Automotive, anh cho biết xe tự hành có 5 cấp độ (từ 1 đến 5). Cấp độ 1, xe có một hoặc nhiều hệ thống có thể can thiệp vào việc phanh, điều khiển, hay khởi động xe, nhưng những hệ thống này không hoạt động song song với nhau. Cấp độ 2, xe có thể kiểm soát đồng thời việc lái xe và tốc độ mà không cần sự can thiệp của người lái trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng vẫn không thể tự điều khiển trong mọi hoàn cảnh. Xe cấp độ 3 có đầy đủ chức năng tự hành trong mọi hoàn cảnh, nhưng vẫn cần đến quyền điều khiển của người lái nếu chiếc xe không tự xử lý được. Cấp độ 4 và 5, xe hoàn toàn có thể hoạt động mà không có sự can thiệp nào của người lái xe ngoài việc nhập địa điểm đến. Nếu hệ thống tự hành bị hỏng, xe sẽ dừng lại một cách an toàn. Nhưng với cấp độ 5, xe phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ nữa để có thể triển khai một cách rộng rãi.

Để làm được những chiếc xe tự hành, các kỹ sư cần sử dụng rất nhiều cảm biến, laser, ra đa, camera và công nghệ GPS để phân tích những vật thể xung quanh xe. “Đôi khi công nghệ xuất phát từ những kiến thức đơn giản lúc học cấp 2 hoặc cấp 3. Toán học và Vật lý là hai môn được áp dụng khá nhiều khi dùng để mô phỏng. Đối với người học CNTT và Điện tử viễn thông đều có lợi thế lớn để tham gia sâu vào sân chơi Automotive”, anh chia sẻ.

Đề cập đến công tác tuyển dụng và thực tập, anh cho rằng sinh viên có nhiều lợi thế về kỹ năng và công nghệ. Tuy nhiên, Automotive có nhiều điểm khác biệt, đòi hỏi người làm phải kiên trì theo đuổi và cần định hướng cho tương lai. “Thực tế doanh nghiệp không yêu cầu quá cao từ sinh viên mới ra trường. Quan trọng là cách các bạn suy nghĩ về ngôn ngữ lập trình và niềm đam mê dành cho lĩnh vực này. Một khi đam mê, bạn chắc chắn sẽ tìm mọi cách để theo đuổi và không bỏ cuộc”, anh nói và cho biết trong quá trình làm dự án và trao đổi với khách hàng sẽ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn.

Phần lớn sinh viên đều đồng tình rằng, Automotive chính là tương lai của Việt Nam. Dù chưa có kinh nghiệm nhưng sinh viên Phan Ben rất thích thú khi nghe diễn giả nhà F trình bày về công nghệ ô tô. “Em tin rằng FPT là môi trường tốt để phát triển mảng công nghệ ô tô. Đối với sinh viên cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng và kiến thức chuyên môn để tìm kiếm cơ hội làm việc”, nam sinh chia sẻ.

Đồng quan điểm, sinh viên Hoàng Văn Tuyên cho biết đã hiểu thêm nhiều kiến thức về Automotive. Những gì mà FPT Software đang làm đều là những công nghệ rất mới và được quan tâm nhiều. Ấn tượng nhất là các tính năng được ứng dụng trong thực tế đã mang đến những lợi ích to lớn cho con người, góp phần giảm thiểu tại nạn giao thông, nâng cao chất lượng xã hội…

Sinh viên tặng hoa cho các diễn giả chia sẻ tại hội thảo.

Giám đốc Thương mại FUNiX – chị Lê Minh Đức cho biết, FUNiX đang triển khai chương trình xSeries – dự án đặc biệt bao gồm những chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu mà thị trường đang rất thiếu của ngành công nghệ thông tin. Một trong những chứng chỉ đó là Automotive Application Development – Lập trình ứng dụng trên ô tô. Chứng chỉ được đặt hàng của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, làm việc tại các dự án Automotive ở công ty lớn như: FGA (FPT Global Automotive – FPT Software), Vinfast, các trung tâm R&D về phần mềm ô tô của các hãng Huyndai, LG, Samsung ở Việt Nam, làm phần mềm nhúng ở các công ty Viettel, VNPT, FPT…

Hoàn thành khóa học, sinh viên có thể phát triển ứng dụng cho ô tô, blockchain trong giao dịch tài chính, lập trình ứng dụng cho ô tô như xe tự hành, hệ thống an toàn, hệ thống thông tin giải trí, quản lý kiểm soát ô tô, quản lý di động, tích hợp các thiết bị gia đình.

Việt Nguyễn – Theo Chungta

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!