Thầy giáo tìm việc nghìn USD cho sinh viên
Mentor Nguyễn Vũ Hưng chỉ cho học trò những kiến thức, kỹ năng cần bổ sung ngay để tìm được công việc có mức lương 1.000 USD.
- Chuyên gia Google Nguyễn Thành Nhân tư vấn “Việc tìm người – Người tìm việc” tại FUNiX
- FUNiX - một con đường khác
- FUNiX chính thức ra mắt chương trình tư vấn nghề nghiệp
Đó là câu chuyện tư vấn nghề nghiệp của mentor Nguyễn Vũ Hưng. Anh hiện là CTO (Chief Technology Officer) của công ty Fuji Technology – 100% vốn Nhật Bản, đồng thời là trưởng Ban cố vấn nghề nghiệp của FUNiX.
Nhờ sự tư vấn của anh, một học viên đã tìm được công việc lương 1.000 USD, thay vì 10 triệu đồng như trước đó.
Anh kể, trong một lần tìm hiểu các vị trí tuyển dụng trên VietnamWorks trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh thấy có công ty nước ngoài cần tuyển người phụ trách Phát triển toàn diện website (Fullstack web developer) với mức lương 1.000 USD.
Đánh giá yêu cầu công việc khá hợp với học viên của mình, anh liền chia sẻ thông tin. Khi biết học viên còn thiếu một vài kỹ năng để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, anh đã chỉ ra những kiến thức cần bổ sung thêm, ngoài các kỹ năng cơ bản như HTML, CSS, PHP… Kết quả, chàng sinh viên này được nhận vào làm sau một thời gian nỗ lực trau dồi, học tập và sự động viên của thầy giáo.
Tại FUNiX, ngay từ lúc mới vào trường, Ban cố vấn giúp mọi người định hướng rõ việc theo học ngành Công nghệ thông tin để làm gì, học xong có những kỹ năng gì. Trong quá trình học sẽ tư vấn mục tiêu nghề nghiệp cho mỗi người. Sau đó phân tích rõ những yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và vạch ra kỹ năng cần bổ sung để sinh viên lên kế hoạch học tập rõ ràng.
Sau khi học xong chương trình, Ban cố vấn phải nắm rõ mục đích, nguyện vọng cũng như những kỹ năng mà sinh viên có được để hỗ trợ tối đa.
“Để làm ‘bà mối’ thành công không dễ chút nào. Hai bên, giữa sinh viên của trường và doanh nghiệp phải cần và đáp ứng yêu cầu của nhau thì mình mới kết nối được”, anh Hưng chia sẻ và cho biết thường năng lực người lao động sở hữu có thể không khớp 100% với yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng mà chỉ đáp ứng 20% yêu cầu đặt ra. Tới 50% năng lực không dùng đến, lệch 30% năng lực còn lại.
Thị trường Công nghệ thông tin còn có đặc thù của ngành này nên bản thân người lao động và nhà tuyển dụng khó đến được với nhau hơn. Do đó, việc kết nối hai đối tượng này rất quan trọng.
Ví dụ, trong yêu cầu vị trí Web engineer, bên tuyển dụng chỉ mô tả danh sách các kỹ năng công nghệ cần có là PHP, node.js, SQL, jQuery, subversion, git và tiếng Anh nhưng lại có sự chênh lệch giữa mức lương từ 600-2.000USD. Câu hỏi đặt ra là nhà tuyển dụng dựa vào tiêu chí nào để loại hoặc nhận người với mức lương 600 USD hay 2.000 USD. Lúc này, người môi giới (thực hiện việc kết nối) cần biết ứng viên có và không có gì, ở mức nào; phía tuyển dụng cần ở mức nào, mức lương thị trường là bao nhiêu… để có thể tư vấn, kết nối hai bên với nhau. Người này cũng có nhiệm vụ xử lý tình trạng một hay nhiều yêu cầu bị vênh (tức thừa, thiếu hoặc không có).
Tuy nhiên, theo anh Hưng, để làm được những điều trên, Ban cố vấn nghề nghiệp phải là người làm trong lĩnh vực IT và có mối quan hệ rộng, thường xuyên cập nhật, nắm bắt các nhu cầu tuyển dụng, đồng thời hiểu rõ học viên của mình có và thiếu những kỹ năng gì.
Ngoài việc được tư vấn kỹ về định hướng học tập, nghề nghiệp, sinh viên FUNiX sẽ được học trực tiếp với các mentor – là các nhà quản lý, nhà tuyển dụng của các tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam. Ngoài kinh nghiệm thực tế, người học có thể được mentor tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu.
Ngọc Anh (VN Express)
Bình luận (0
)