xTalk 22: Phần 2 - Giải đáp 4 băn khoăn thường gặp khi chọn việc | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

xTalk 22: Phần 2 – Giải đáp 4 băn khoăn thường gặp khi chọn việc

Tin tức 18/01/2021

Trong buổi talk với chủ đề chọn việc cùng FUNiX, Giám đốc phụ trách việc làm cho sinh viên FUNiX Hoàng Việt Thắng đã giải đáp 4 băn khoăn sinh viên IT thường gặp khi định hướng việc làm: Công ty lớn vs. Startup, Outsource vs. Product, Một vs. Nhiều ngôn ngữ, Kinh nghiệm vs. Lương cao. 

xTalk 22: Phần 1 – Chọn việc trước, học tập sau

Công ty lớn vs. Startup 

Theo anh Hoàng Việt Thắng, mỗi lựa chọn đều có ưu nhược điểm riêng. Gia nhập một công ty lớn, bạn sẽ học được nhiều về mặt quy trình, hệ thống – thường đã được hoàn thiện và giữ tương đối ổn định. Mặt khác, chính việc chỉ cần tuân theo và phụ trách một phần trong một bộ máy sẽ giới hạn tầm nhìn, hình dung về toàn cảnh, dẫn đến việc khó định hướng phát triển trong tương lai. 

Ngược lại, nhân viên các startup được tham gia đóng góp xây dựng quy trình, thử thách với nhiều công việc khác nhau, qua đó trưởng thành và thăng tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thiếu vắng quy trình và tương lai không chắc chắn của startup cũng dễ dẫn đến tâm trạng hoang mang, chán nản, muốn bỏ cuộc. 

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại FPT Software trong 10 năm, anh Hoàng Việt Thắng khuyến khích con đường sự nghiệp khởi đầu ở các công ty lớn – nơi mà các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi từ những người đi trước, cách làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật. Nếu sau đó chuyển sang một doanh nghiệp nhỏ, kinh nghiệm thu được trước đó sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra những chỗ chưa ổn, làm thế nào để cải thiện. Điều này sẽ khiến các đóng góp, xây dựng của bạn được trân trọng và đánh giá cao hơn.  

Công ty Outsource vs. Product 

Trước đây, không có sự khác biệt quá lớn giữa doanh nghiệp chuyên làm về sản phẩm (Product) và gia công phần mềm (Outsource), tạo điều kiện để nhân sự dễ dàng chuyển đổi. Điều này không còn đúng trong thời điểm hiện tại. 

Với công ty outsource, ưu tiên nằm ở thỏa mãn yêu cầu khách hàng, chứ không ở quy trình, tiêu chuẩn, sáng tạo. Đồng thời, do đặc thù làm theo dự án, nên thời gian gắn bó của nhân viên không quá quan trọng. Mặt khác, ở Việt Nam, các doanh nghiệp này đang chiếm đa số, dẫn đến sự vượt trội về mặt cơ hội việc làm. 

Ngược lại, những doanh nghiệp làm về sản phẩm có yêu cầu rất cao về mặt tiêu chuẩn, chất lượng. Họ rất coi trọng những người có thể gắn bó lâu dài, do đã hiểu về sản phẩm, quen với văn hóa, quy trình, tránh việc mất công đào tạo lại. Sự khác biệt về tư duy, cách làm việc khiến nhóm doanh nghiệp này dần có xu hướng không nhận những ứng viên từng làm outsource. 

Chuyên sâu vào một vs. học nhiều ngôn ngữ 

Các ngôn ngữ lập trình ngày càng có nhiều điểm tương đồng, những khác biệt trước đây đang dần được thu hẹp. Ở một mức độ nhất định, nghiệp vụ mới là thứ quan trọng nhất, ngôn ngữ chỉ còn là công cụ thực hiện. Thực tế, có những dự án được làm trên nhiều nền tảng ngôn ngữ khác nhau, và có nhiều công ty yêu cầu lập trình viên phải biết ít nhất là 2 ngôn ngữ. 

Đây là một lợi thế của sinh viên FUNiX: nền tảng ban đầu về Java khá vững chắc, tiếp nối bởi các ngôn ngữ như Python, PHP… Quan trọng nhất, thói quen tự học, đặt câu hỏi sẽ giúp sinh viên FUNiX nhanh chóng tiếp cận được một ngôn ngữ, công nghệ mới trong thời gian ngắn – khả năng được đánh giá cao ở mọi doanh nghiệp IT. 

Kinh nghiệm vs. Lương cao 

Về sự phân vân của nhiều bạn trẻ giữa một việc lương cao, và việc có nhiều cơ hội học hỏi, anh Hoàng Việt Thắng cho rằng, các bạn sinh viên nên ưu tiên lựa chọn thứ hai. Trong 1,2 năm đầu sự nghiệp, bạn nên tập trung mở rộng kiến thức, kinh nghiệm trước khi xem xét đến yếu tố thu nhập. Các startup ban đầu có thể đưa ra mức lương cao hơn để thu hút nhân lực, nhưng tương lai của bạn khi dự án kết thúc sẽ là một dấu hỏi. Mặt khác, tới một ngưỡng nhất định, kinh nghiệm sẽ tỉ lệ thuận với mức lương. 

Trả lời băn khoăn của một khán giả về khả năng thu nhập thấp khi không có bằng đại học, anh Thắng khẳng định, do tình trạng khan hiếm nhân sự, các công ty IT không còn coi trọng bằng cấp như trước đây. Ít nhất, ở mức độ fresher, junior, 100% doanh nghiệp chỉ quan tâm bạn có thể làm được việc hay không. 

Được hỏi về yêu cầu đầu vào tiếng Anh, anh Hoàng Việt Thắng cho biết đa phần các công ty chỉ có hai yêu cầu: kỹ năng tự tin giao tiếp cơ bản, và khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng kiến thức chuyên môn trong tương lai. 

Nếu bỏ lỡ buổi talk, bạn có thể xem slide diễn giả tại đây hoặc theo dõi buổi talk tại:

Vân Nguyễn

Vân Nguyễn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!