10 năm đi học!
Mang tiếng là founder, nhưng 10 năm đầu tiên ở FPT tôi chỉ đi học: học lập trình, học bán hàng và học chơi.
(Nói chuyện với lãnh đạo FPT Telecom, Vũng Tàu, 29/11/2019.)
Thưa anh chị em, mang tiếng là founder, nhưng 10 năm đầu tiên ở FPT tôi chỉ đi học: học lập trình, học bán hàng và học chơi.
1/ Nói là học lập trình, vì tôi là dân học Toán. Mới thành lập công ty chỉ có 2 bộ phận: Trung tâm Dịch vụ Tin học (ISC), nghiên cứu mạng, micro-processor…, kiểu như các nhóm làm về AI, Big Data bây giờ. Nghiên cứu những thứ thế giới nghe nói đầy rồi, nhưng ta chưa ai cần. Và phòng Tổng hợp là làm tất cả những gì ra tiền để nuôi bản thân và nuôi ISC.
Thầy đầu tiên của tôi là anh Nguyễn Chí Công. Anh hỏi: mày biết ngôn ngữ gì? (ý là ngôn ngữ lập trình), Tôi trả lời: tiếng Nga. Thế là anh ấy đưa cho tôi quyển sách tiếng Pháp:-) Tra từ điển đọc vỡ mặt, nhưng đúng là sách quí.
Thầy thứ hai là anh Đỗ Cao Bảo. Mà anh ấy cũng không dạy. Chỉ cho ngồi cạnh để xem anh ấy lập trình. Đến lúc anh ấy ra ngoài hoặc đi đâu đó, thì tôi bắt chước làm lại. Đến lúc anh ấy về, bí chỗ nào lại hỏi.
Được độ gần 1 năm, thì anh Bùi Quang Ngọc bảo học thế đủ rồi. Đi làm đi. Thế là làm dự án đầu tiên, có tên là Typo4.
Giờ ngồi nghĩ lại thì đúng là tự học kiểu FUNiX Way: đọc sách (MOOC), hỏi mentor và chiến!
2/ Học bán hàng
Tôi không thích kinh doanh. Từ bé, cái gì động đến tiền là tránh xa. Đi du học thì có học bổng thì tiêu, hết tiền thì đi xin ăn… nên bắt buộc phải đi bán hàng chỉ là do hoàn cảnh đưa đẩy.
Thành lập được mấy năm thì công ty cải tổ. ISC tách thành ra phần cứng và phần mềm. Do bán phần cứng rất lời nên anh em kinh doanh thường cho không phần mềm hoặc là bán với giá bèo bọt. Chúng tôi cay cú. Thế là quyết định phải tự đi bán. Dịp may đến, gặp ông Ngân hàng Đài Loan không muốn phụ thuộc vào Trung ương nên tìm phần mềm bản địa. Không biết dùng powerpoint, nên các anh Lâm Phương và Đình Anh viết hẳn 1 bản thiết kế, có prototype màn hình. Khách hàng tin sái cổ, hỏi giá bao nhiêu? Máy móc, mạng mẽo hết $60k. Thế là tôi ra giá $62.3k. Khách hàng đòi giảm, không biết giảm thế nào, nên tôi không giảm. Cuối cùng vì sắp khai trương, lại ghét bọn IT từ trung ương, nên khách hàng đồng ý. May mà lúc đầu ngân hàng bạn không có khách, nên anh Khắc Thành đã tranh thủ để viết xong chương trình.
Tiện đà, tôi xin công ty cho tách bộ phận phần mềm kinh doanh độc lập. Anh Bình đồng ý, nhưng đặt mục tiêu là phải có doanh số $3m. Cũng không biết cãi thế nào nên đồng ý. Có điều 60k có thể từ trên trời rơi xuống. 3m chắc phải làm cách khác. Đội gà sang hỏi anh Bảo. Anh nói, nghe nói ngân hàng V đang có kế hoạch hiện đại hóa (aka chuyển đổi số theo ngôn ngữ bây giờ), anh với Nam tiếp cận nhé. Tôi đi với anh Bảo, cầm theo 1 cuốn sách giới thiệu về phần mềm ngân hàng dày cộp của đối tác Tây mà tôi đã xin được trong 1 lần tiếp khách hộ anh Võ Mai. Ai ngờ lãnh đạo ngân hàng V thích mê. Nhưng đặt điều kiện là phải mua được nhanh nhất và được bảo vệ giá. (tức là sau này nếu chúng tôi có bán cho ngân hàng khác thì của V phải là rẻ nhất) Thế là đàm phán với đối tác. Chưa có zalo, messenger nên telephon tuốt. Tiếng anh kém, nói chuyện là cực hình, nên tôi cũng không nghe, chỉ đợi bạn nói chán chê xong rồi nói con số mình muốn. Kết thúc chiến dịch đúng ngày cuối năm. Hợp đồng trị giá 3m+. Mất gần 2k tiền điện thoại đường dài (hồi đó đắt lắm). Anh Bảo đưa tôi ra khách sạn Hà Nội ăn mừng.
Rút ra được mấy bài học. Bán hàng cần phải bị ép, mục tiêu vô lý thì mới tìm ra cách mới. Phải hiểu rõ khách hàng muốn gì (trong cả 2 trường hợp thì phần mềm không phải là cái quan tâm đầu tiên của họ, ngân hàng Đài Loan muốn độc lập với trung ương, còn ngân hàng V thì quyết tâm đi đầu hiện đại hóa). Và nói chung là không cần powerpoint, tiếng Anh thì chỉ biết đọc số là được:-)
3/ Học chơi
Hồi đầu liên hoan là sự kiện đặc biệt lắm. Lần đó ăn ở khách sạn La Thành. Ngà ngà, thì thấy bàn bên có mấy chú người Tiệp (Sec) hát vang trời. Anh em cũng muốn hát, nhưng chưa có google, karaoke, nên không thuộc lời là chịu. Chẳng nhẽ lại hát quốc ca. May có anh Phan Ngô Tống Hưng đưa ra được mấy câu: “Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi. Thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền. Đầy túi mới thôi.” Anh em khoái trá lắm hát đi hát lại. Lúc tan cuộc, anh Bình bảo, cái trò hát bậy này hay đấy, Nam phổ biến đi. Thế là tôi về gõ lại, rồi thêm thắt đầu đít, dàn dựng thành hợp xướng. Từ đó anh em tự sáng tác ra được bài nào, hoặc nghe lỏm được ở đâu đều đem về cho tôi. Đến năm 1995 thì in thành quyển Sách Đỏ. Stico chính thức có bible. (Sau năm 2008 thì cuốn này bị cấm tiệt).
Hát mãi cũng chán, từ năm 1996, tổ chức Hội diễn Stico chính thức. Các đơn vị muốn làm gì thì làm, nhưng không được hát. Hội diễn đầu tiên là màn so tài đỉnh cao giữa vở kịch câm của HO, mời hẳn đạo diễn của Nhà hát Tuổi trẻ về chỉ đạo, và vở nhạc kịch: “Thiên nga giãy chết” do tôi đọc lời bình, Lê Đình Lộc chọn nhạc, cùng dàn thiên nga trắng do Hưng đỉnh chỉ đạo múa. Kết quả, ban giám khảo có cả MC Lại Văn Sâm và đại diện IBM Việt Nam Michael Tar, đã chọn Thiên nga đoạt giải nhất đầu tiên của Hội diễn.
Cũng trong năm 1996, FPT chuyển trụ sở về 37 Láng Hạ. Anh Bình ra lệnh cho tất cả nhân viên phải dùng email. Hồi đó chưa có Internet. Chương trình email này do Trương Đình Anh viết để phục vụ anh em phần mềm trước đó ở tứ tán. Tất nhiên là không ai muốn dùng email, vì gọi điện thoại vừa tiện hơn vừa sành điệu hơn (gọi điện thoại di động lúc đó khác gì đi xe Lexus bây giờ). Nên không ai dùng. Bí toàn tập. May lúc đó tôi đi Hongkong, vớ được cuốn sách “The road ahead” của Bill Gates về tương lai của Internet. Ông này nói, để mạng phát triển phải có mồi nội dung. Và trong tất cả các loại mồi thì không mồi nào hơn được Sex. Thế là anh em chúng tôi bắt đầu phát tán “Cô giáo Thảo”. Được một tuần thì tất cả nhân viên xin được dùng email. Từ đó, chúng tôi dựng nên mạng Trí tuệ Việt nam, thành một sân chơi trí tuệ cho giới trẻ cả nước. Năm 1997, TTVN tách ra khỏi bộ phận phần mềm, và trở thành FOX – chính là FPT Telecom bây giờ. Nói Cô giáo Thảo là mẹ đỡ đầu của Ftel cũng không ngoa:-)
Chơi một cách có tổ chức sẽ được tôn vinh thành Văn hóa Doanh nghiệp, thêm công nghệ thời thượng là sẽ mở được hướng kinh doanh mới. Ai bảo công ty không phải là chỗ chơi:-)
Thế đấy, chẳng có gì mà chúng ta tận tâm học lại lãng phí cả. Đó là những điểm sáng. Đến một ngày đẹp giời, chúng sẽ kết nối lại, thành con đường ta đã đi. “Connecting Points”, như Steve Job nói.
Chúc mấy trăm anh chị em lãnh đạo Ftel khỏe mạnh, liên tục học hỏi, chiến đấu, đưa Ftel trở thành công ty Internet dẫn đầu ở Việt Nam và khu vực.
Nguồn: Facebook Nguyễn Thành Nam
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ. |
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX
Bài liên quan
Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
Founder FUNiX TS. Nguyễn Thành Nam nhận định phụ huynh cần coi việc đồng hành cùng con trong hành trình hướng nghiệp là một ưu tiên.
Thế mạnh để Việt Nam độc lập trong cách mạng công nghệ
Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về câu chuyện làm công nghệ xuyên qua lịch sử, FUNiX và lựa chọn của người Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ngôi sao trên chiếc MiG 17
VnExpress - Hơn 10 năm trước, chúng tôi - những lập trình viên Việt Nam - tìm mọi cách thuyết phục hãng Boeing để tham gia vào dự án Digital Aviation của họ. Một dự án đầy thách thức.
'Make thing'
VnExpress - Tôi có nhiều duyên nợ với Bách khoa Hà Nội. Bố mẹ tôi là sinh viên khóa một. Vợ tôi là giảng viên từ khi đi làm đến lúc về hưu. Nhiều đồng đội của tôi ở Fsoft...
Làm việc với người Mỹ
VnExpress - Năm 2000, chúng tôi bắt đầu chiến dịch xuất khẩu phần mềm; thị trường nhắm đến không nơi nào khác, là Mỹ.
Phản biện
VnExpress - Khái niệm phản biện xã hội rất hay được nhắc đến gần đây và được coi là một thước đo để đánh giá mức độ dân chủ của xã hội.
Đài ABC News (Mỹ) phỏng vấn Founder FUNiX
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, PV của ABC News Live (https://abcnews.go.com/Live) đã phỏng vấn Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam với mong muốn cho khán giả Mỹ thấy được một Việt Nam mà phần...
Founder FUNiX: ChatGPT là "mưa rào giữa nắng trưa" với giáo dục
Founder FUNiX viết về con chát-bốp (ChatGPT Bot) đang làm các thầy cô và các nhà quản lý giáo dục sợ hãi nhưng ở FUNiX lại giúp cho sinh viên bớt sợ!
Bình luận (0
)