Hát bậy! | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Hát bậy!

Góc Nguyễn Thành Nam 28/06/2021

Hồi xưa, ất cứ khách nào đến thăm bất cứ đơn vị nào của FPT cũng phải ngạc nhiên với phong trào “hát bậy” (aka nhạc chế). Đủ các loại nhạc, nhạc đỏ, dân ca, bolero, cổ điển. Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Quan thoại. Quán bia hát, trên sân khấu hát, nhân viên hát, lãnh đạo hát... Thật đúng là một “hiện tượng văn hóa” đặc sắc.

Hồi xưa, mà thực ra cũng chưa xưa lắm. Bất cứ khách nào đến thăm bất cứ đơn vị nào của FPT cũng phải ngạc nhiên với phong trào “hát bậy” (aka nhạc chế). Đủ các loại nhạc, nhạc đỏ, dân ca, bolero, cổ điển. Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Quan thoại. Quán bia hát, trên sân khấu hát, nhân viên hát, lãnh đạo hát. Ăn mặc lung tung, hát vo, trang phục nghiêm túc, dàn nhạc đệm đàng hoàng. Kiểu gì cũng có. Thật đúng là một “hiện tượng văn hóa” đặc sắc tầng 1, theo định nghĩa của Schein về các tầng văn hóa.
 
Khi được phỏng vấn về hiện tượng này, các lãnh đạo chủ trò đều đồng thanh lý giải đó là do công việc công nghệ vất vả cần cân bằng, biểu hiện của tính hài hước mà những người thông minh thường có, xả xitret nâng cao năng suất lao động etc…
 
Nhưng các doanh nghiệp khác cũng làm việc vất vả, nhân viên cũng thông minh và hài hước, định phổ biến văn hóa này thì thất bại thảm hại, nhẹ thì anh em “tế nhị” không tham gia, nặng thì có khi bị cơ quan chức năng nhắc nhở.
 
Theo Schein thì những lý giải, dù là hợp lý đến đâu, cũng chỉ mới là tầng 2 của văn hóa. Chỉ có đào sâu vào lịch sử, tìm hiểu nguồn gốc và những gì mà tổ chức đã trải qua mới có thể may ra chạm đến tầng 3, tầng “vô thức”, điều khiển được những lãnh đạo rất nghiêm túc, đứng đắn lại nhảy lên sân khấu trang trọng hát múa lung tung với nhân viên, đồng nghiệp.
 
Hát chế xuất phát từ dân gian lâu đời, nhưng tổ chức hát chế bài bản, có thể nói xuất phát từ nhu cầu “external adaption – thích nghi bên ngoài” của nhóm sinh viên khoa Toán-Cơ đại học tổng hợp Matxcova trong các Hội diễn văn nghệ. Các chàng trai thường xuyên thua cuộc trong cuộc đua không cân sức với nam thanh nữ tú các khoa xã hội, đã quyết định phá cách. Lời không thuộc thì chế cho hợp đối tượng và hoàn cảnh, nhạc ko biết chơi thì gõ nhạc mồm. Họ đã ghi dấu ấn cho ban giám khảo và khán giả, dành được những giải thưởng đầu tiên.
 
Tình cờ thế nào, về nước họ lại tụ tập trong cùng 1 công ty. Lần đó, cũng mới thành lập, đi liên hoan. Bàn bên cạnh, có mấy bạn nước ngoài hát rống lên liên tục. Vô thức nổi lên, họ lại hát bậy. Và ca khúc “Thằng Tây nó tiến và mình giật lùi. Thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền” ra đời. Anh em vui như Tết. Quyết định khôi phục. Đầu xuân năm 1993, trong một dịp Hội nghị khách hàng, khi các ca sĩ mời chuyên nghiệp chưa đến kịp, đội văn nghệ “hát bậy” đã biểu diễn lấp chỗ trống gần 1 giờ đồng hồ, trong sự hoan nghênh bất ngờ của khán phòng Nhà hát Lớn.
 
Các nhà sáng lập hiểu ra rằng, ngoài tạo nên sự gắn kết nội bộ “internal integration” trong những dịp liên hoan, việc này nếu được tổ chức tốt có thể trở thành một vũ khí đối ngoại “external adaptation”. Thế là họ lập ra tổ chức gọi là Stico và phổ biến. Càng lan rộng, càng nhiều những “huyền thoại” được kể lại. Nào là sau một chầu STC, mấy anh em đang chán nản định bỏ đi, đã quyết định cống hiến suốt đời cho tổ chức. Nào là saleman, khi bất lực, đã hát bậy cho khách hàng nghe, thế mà lại được hợp đồng… Dần dần, anh em quen hát chế lúc nào không hay. Thậm chí nghe phiên bản chính thức lại thấy sai sai.
 
Đúng như Schein đã phân tích, những “bài học được chia sẻ cùng nhau”, chứng minh được “tính hiệu quả” trong các hoạt động thích ứng bên ngoài và kết nối bên trong của tổ chức, được truyền bá, áp dụng rộng rãi, trở thành vô thức, đó chính là văn hóa.
 
Khi thời thế thay đổi, công ty giờ đã trở thành “công ty lớn”, lãnh đạo không có gì ngoài điều kiện, muốn hát thì thuê hẳn nhạc sĩ, ca sĩ về làm Ban văn hóa. Nhu cầu “phá cách”, thể hiện sự thông minh của mình trong những hoàn cảnh bất lợi, không còn, hát bậy cũng không còn là một hiện tượng phổ quát nữa. Tuy nhiên, vô thức thi thoảng vẫn nổi lên, cuốn tất cả những đệ tử của văn hóa hát bậy Stico vào những cơn vui bất tận.
 
Ảnh: già trẻ gái trai, lãnh đạo, nhân viên, người cũ,người mới mà hát vui thế này, chỉ có thể là hát bậy:-)
 
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!