Trò chuyện cùng Mentor có phát ngôn làm “dậy sóng” cộng đồng xTer những ngày qua
- Hiểu rõ khó khăn của học viên là điều quan trọng nhất khi làm mentor FUNiX
- Mentor Trương Đức Lượng: Tận tình, hết mình vì học viên
- Cử nhân Cơ điện tử chuyển nghề lập trình viên sau 7 tháng học online
- Mentor Nguyễn Tuấn Minh không ngừng hoàn thiện để hỗ trợ học viên hiệu quả nhất
- Thách thức - ưu điểm khi kết hợp giữa quản lý truy cập CNTT và AI
“Bạn sẵn sàng bỏ ra 1000$ mua một siêu phẩm điện thoại xài trong 03 năm nhưng nếu bạn đầu tư vào kiến thức thì nó sẽ theo và nuôi sống bạn cả đời. Tất cả là phụ thuộc vào quyết tâm của bạn đó”, chính là phát ngôn đã làm “dậy sóng” cộng đồng xTer FUNiX trong những ngày gần đây của Mentor Châu Ngọc Duy Khương.
Phóng viên chúng tôi đã liên hệ và có cuộc phỏng vấn nhanh với vị mentor (chuyên gia trong lĩnh vực CNTT) này.
PV: Chào anh Duy Khương, được biết anh là một trong những mentor được sinh viên FUNiX yêu quý. Vậy anh có thể chia sẽ nhiều hơn nữa về bản thân với các bạn được không ạ?
Chào các bạn, mình tên là Khương nhưng moị người vẫn hay gọi thân thương là Kevin và có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. Hiện tại mình đang sinh sống và làm việc cho một công ty startup fintech tại Singapore, chịu trách nhiệm chính về technical và architect các sản phẩm cung cấp giải pháp cho các bank như UOB, Maybank,…trong khu vực Đông Nam Á.
PV: Sinh sống và làm việc tại Singapore, vậy cơ duyên nào khiến anh trở thành Mentor của FUNiX?
Vì mình rất thích được chia sẻ. Sau mội thời gian dài đi làm mình bắt đầu cảm thấy có nhu cầu chia sẻ kiến thức đến các bạn mới vào nghề giúp các bạn có định hướng đúng đắn hơn. Vì mình thấy Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, tài năng không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong một lần lướt web, mình tình cờ thấy FUNiX trên một diễn đàn về tin học, thấy mô hình hay nên mình đăng ký và cũng rủ một bạn bè tham gia cùng. Mục tiêu của mình là chia sẻ và vì thời gian thì không ràng buộc lắm nên mình khá thích mô hình mentor này – một mô hình còn rất mới ở Việt Nam.
PV: Khi làm mentor, anh coi xTer của mình như học trò hay là những người anh, người chị, người em và người bạn?
Bản thân là người đi trước, mình nghĩ việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cũng là cách mà mình “trả nợ” cho nghề, giống như cách những anh chị trước mình đã từng bỏ công xây dựng.
CNTT phát triển từng ngày, internet trong thời đại bùng nổ thông tin ngập tràn khiến các bạn dễ bị “lạc” trong biển thông tin, không biết học gì và học để làm gì. Vì thế mình nghĩ việc dạy học hiện giờ quan trọng là ở định hướng, truyền cảm hứng học tập cho sinh viên chứ không còn “đọc – ghi – thi” như giáo dục truyền thống, khi mà có thể download tất cả từ internet. Đó cũng là quan điểm của mình khi tham gia FUNiX, là người thầy tốt thì việc truyền lửa đôi khi còn quan trọng hơn cả kiến thức. Mình cũng không dám gọi mình là thầy còn các xTer là học viên mà mình chỉ như người hướng dẫn và người anh đi trước. Mình luôn coi họ như những người anh, người chị, người bạn, người em đồng nghiệp mới vào nghề và chỉ cho họ hết những kiến thức mình biết.
PV: Vậy anh sắp xếp thời gian cho công việc chính, công việc mentor và gia đình như thế nào?
Mình tranh thủ thời gian vừa làm vừa trả lời thư của các bạn, tối rảnh thì mình sẽ online để trực tiếp mentoring. Đối với mình, gia đình vẫn là ưu tiên số 1, nhưng mình luôn tranh thủ những khoảng thời gian còn lại để online, nếu không online được thì sẽ nhắn lại các bạn email để trao đổi sau, nói chung thời gian khá linh động.
Cũng có lúc mình thấy rất áp lực nhất là khi coaching (dạy kèm 1-1), vì thời gian trong tuần không đáp ứng được nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thành. Sau này thì mình sẽ xem thời gian nào thật sự rảnh thì mới tham gia để tránh làm ảnh hưởng tới các bạn
PV: Mới đây, trong cộng đồng xTer đang xôn xao với phát biểu của anh cho rằng “ Bạn sẵn sàng bỏ ra 1000$ mua một siêu phẩm điện thoại xài trong 03 năm nhưng nếu bạn đầu tư vào kiến thức thì nó sẽ theo và nuôi sống bạn cả đời. Tất cả là phụ thuộc vào quyết tâm của bạn đó.” Anh có thể nói rõ hơn về điều này được không?
Thật ra đây chỉ là cái nhìn và quan điểm riêng của mình. Mình nhìn xung quanh thấy nhiều bạn yêu thích công nghệ nhưng chỉ dừng lại ở việc mua sắm hơn là làm chủ nó. Mình thấy với số tiền quá lớn bỏ ra để mua các thiết bị, các bạn hoàn toàn có thể đầu tư vào việc học, cụ thể như học lập trình. Vì thiết bị là tài sản chết không sinh lợi, bạn mới mua xong muốn bán lại ngay cũng vẫn “lỗ” còn đầu tư vào giáo dục là bạn đang đầu tư cho tương lai, sau này từ kiến thức đó bạn có thể kiếm ra tiền để mua lại gấp nhiều lần.
Thế giới công nghệ thay đổi từng ngày và cách mà các bạn “yêu công nghệ” không nên chỉ dừng lại ở việc sắm cho mình các thiết bị công nghệ đắt tiền mà thay vào đó là hãy lập trình được nó và làm chủ công nghệ đó.
PV: Về phát ngôn của anh, cũng có một số người cho rằng “Nếu ai cũng như anh thì Apple và Samsung sẽ phá sản”. Anh có muốn nhắn nhủ gì tới những người đó không?
Chắc các bạn đó là nhân viên Apple hay Samsung chăng?! (cười). Nên hiểu là ý kiến mình đưa ra không mang ý nghĩa cấm cản mà đơn giản chỉ là một lời khuyên của một người anh đi trước. Còn tất cả là nằm ở sự lựa chọn của các bạn, ví dụ các bạn có thể chọn một thiết bị rẻ tiền hơn hoặc cũ hơn và đầu tư vào việc học với khoản tiền còn lại. Chứ thật ra nếu ai cũng không dùng smartphone nữa thì bạn lập trình cho ai? (lại cười).
PV: Vậy anh có gì muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên yêu công nghệ về việc học nói chung và học online nói riêng không?
Học, học nữa, học mãi. Kiến thức là thứ “phẳng” như lá ngoài đường, ai muốn thì lượm lặt rồi chế biến theo ý mình, dù bạn giàu, nghèo, khó khăn hay sung sướng thì kiến thức cũng không phân biệt bạn và mặc cho các bạn sử dụng nó, không sợ hết, không sợ ai lấy mất . Đối với mình thì “học” là cả đời, các bạn có thể mất đi nhiều thứ nhưng nếu sống thì hãy cứ học, hãy xem đó là niềm vui hơn là sự bắt buộc. Với internet, cơ hội mọi người tiếp cận việc học là như nhau, kiến thức thì như biển lớn mà ai cũng có thể bơi, việc bơi bao xa, bao lâu là lựa chọn của bạn. Nhưng đừng quên sắm cho mình một cái phao và cái máy chèo để định hướng cho con tàu của mình thay vì bơi lung tung sẽ dễ bị chết đuối nhé.
PV: Có kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất trong quá trình làm mentor FUNiX không?
Có chứ. Đó là dịp gần đây mình có coi thi hai suất. Suất đầu là một chị xTer cực kỳ thú vị vì mình thấy được sự ham học, cầu thị và dù là phụ nữ nhưng kiến thức coding chắc như “bắp”, lý thuyết chị ấy tự suy ra luôn từ việc code. Dù chị ấy lớn hơn mình, không phải chuyên về IT và bất lợi về địa lý nhưng sức học quả là đáng khâm phục mà mình còn phải theo dài dài. Bạn thứ hai thì lại chưa chuẩn bị kỹ, mỗi lần bạn ấy trả lời mình thấy “hồi hộp” thay vì sợ bạn ấy rớt vì bạn ấy cũng là người thích học nhưng gặp nhiều khó khăn hơn thôi. Mình tin là bạn sẽ tiến bộ nếu duy trì được tinh thần đó. Cả hai xTer này đều mang tới cho mình bài học lớn lao về chữ “học”, vì “học” là cả đời, không phân biệt tuổi tác, địa vị, địa lý hay hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần bạn ham thích học thì bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu trong tương lai!
PV: Vâng. Rất cảm ơn mentor Khương vì những chia sẻ hết sức gần gũi và hóm hỉnh. Xin được chúc anh sức khỏe để giữ mãi nhiệt huyết trên con đường dạy và học!
Huyền Trang
Bình luận (0
)