Cậu học trò lớp 10 “lập trình mọi thứ” | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Cậu học trò lớp 10 “lập trình mọi thứ”

Chân dung xTer 21/07/2020

Làm quen với máy tính từ năm 4 tuổi, Lưu Nam Đạt (TP.HCM) mê lập trình đến quên ăn quên ngủ. 16 tuổi, Đạt đã sở hữu một Studio của riêng mình với nhiều sản phẩm tâm đắc là các ứng dụng máy tính, web... giúp cậu học trò yêu công nghệ tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.

Bạn sẽ làm gì nếu được bố mẹ tặng cho nguyên một chiếc máy vi tính từ khi còn chưa biết chữ, khoảng 4-5 tuổi? Thay vì chỉ xem ca nhạc hay kì cạch cạy rời từng bộ phận của chiếc laptop như nhiều em bé bằng tuổi, thì Lưu Nam Đạt (SN 2004 – TP.HCM) bắt đầu chơi game, được ba của mình hướng dẫn sử dụng một số phần mềm cơ bản. Đạt nhanh chóng thích thú với chiếc máy kỳ diệu, học theo ba sử dụng Office Word, Excel. Cậu bắt đầu tự làm những “công trình” lặt vặt như thiết kế bìa sách, vẽ tranh, làm phụ đề phim và học lập trình.

Qua sách và Internet, Đạt bắt đầu làm quen với code. Với cuốn Think Python, Đạt như tìm được lối đi mà nhờ đó, lập trình đã trở thành một phần trong sinh hoạt thường nhật. Đạt mày mò lập trình mọi thứ, chủ yếu là với ngôn ngữ Python.

Trong căn phòng sạch tinh ngăn nắp, cậu học trò cao mét bảy ngồi mê mải bên chiếc máy vi tính. Thoạt trông, chiếc máy chẳng có gì đặc biệt, cho đến khi Đạt vươn tay mở nó lên. Rất nhanh, máy đã khởi động xong, và Đạt không tốn thêm một giây lãng phí nào để chờ đợi, mọi chương trình trên máy đều đã được khởi động từ trước đó – nhờ một ứng dụng do Đạt tự tạo. 

Lưu Nam Đạt bắt đầu làm quen với máy tính từ năm 4 tuổi. Cậu mới chỉ thực sự lập trình khoảng 8 tháng nay, chủ yếu bằng ngôn ngữ Python.

Vài thao tác click chuột, Đạt mở trang tab mới. Thay vì giao diện mặc định, thì Blank tab hiện lên với hình nền dễ thương, ngày và giờ hiển thị sẵn trong một thiết kế khá bắt mắt. Cảm hứng làm việc đến với Đạt từ những điều nho nhỏ như thế. Trang tab đặc biệt được Đạt đặt tên là mikaBlankPage. Cậu tin rằng, sau này mình hoàn toàn có thể phát triển nó thành “Windows Explorer” phiên bản “explore web applications” hứa hẹn sẽ mê hoặc những người dùng yêu cái đẹp như cậu.  

Vì sở thích, cần lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ về anime, phim ảnh, truyện, nhạc, Đạt làm Chương trình quản lý file giúp lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ về tất cả các sản phẩm nghệ thuật này. Gần đây nhất, Đạt lập trình thành công mikaDb – một ứng dụng với chức năng gần như imDb hay Myanimelist. Ứng dụng có những chế độ truy cập như local, LAN và world wide web, cho phép đánh giá từ phim, nhạc, tranh, sách, game… kèm review, phân tích công phu. Nam Đạt tiết lộ, vì tính cầu toàn, dự án này đã ngốn của cậu khá nhiều thời gian và phải trải qua hai lần làm lại để thay đổi các công nghệ thích hợp để hoàn thiện ứng dụng ở mức tối đa.

Chưa dừng lại ở đó, Đạt còn có phần mềm nghe nhạc mikaKOn, khắc phục những thiếu sót của trình nghe nhạc Windows Media Player. Theo Đạt, Windows Media Player không có khả năng phân bố nhạc theo thư mục nên người dùng gặp khó khi muốn nghe một album nhạc trọn vẹn, dù đã mất công chỉnh tag các bài hát cho giống nhau. Chương trình nhanh và nhẹ, giải quyết được tất cả những vấn đề này cho phép cậu tận hưởng âm nhạc yêu thích thật trọn vẹn.

Khi tham gia viết phụ đề phim, Đạt “chế” luôn một phần mềm hỗ trợ làm phụ đề, cho phép người dùng nhập vào nội dung phụ đề, còn chuyện timing để ghép vào video sẽ do phần mềm này xử lý. Phần mềm tuy đã “chết” vì có quá nhiều lỗi không khắc phục được, nhưng đã giúp Đạt mài bén kỹ năng code.

Lúc chơi cờ mà không có đồng hồ để bấm giờ Đạt nghĩ ra ứng dụng mikaCT, hay Mika Chess Timer là ứng dụng bấm giờ chơi cờ online có thiết kế tối giản. Ứng dụng nhỏ hoàn thiện ở mức cao, chạy trơn tru trên mọi thiết bị khiến Đạt khá hài lòng..

Còn rất nhiều những chương trình, ứng dụng phục vụ sinh hoạt như thế mà Đạt đã tự làm thành công như email tự động và thậm chí là một app nhỏ giúp việc “gây lộn trên mạng” hiệu quả bằng cách biến đổi lộn xộn các ký tự sang viết hoa/ viết thường… Những ứng dụng vô danh, thậm chí chỉ có một mình Đạt biết, Đạt dùng, nhưng cậu đổ vào đó thật nhiều tâm huyết, ý tưởng và nỗ lực.

Tự học lập trình nhiều khi cũng bí. Đạt quyết định học FUNiX ngay khi được người quen giới thiệu. Được ba mẹ ủng hộ, chỉ sau một tháng Đạt đã hoàn thành Chứng chỉ 1 – Công dân số, giành được học bổng học nhanh (thời gian học tập theo quy định là 6.5 tháng).

“Nhận được học bổng, mình rất vui và chỉ muốn… giành thêm vài học bổng nữa” – Lưu Nam Đạt chia sẻ. Đạt tiết lộ, việc học thêm chương trình CNTT của FUNiX không quá khó khăn vì thời gian biểu của bạn còn rất nhiều khoảng trống. Đạt thường học buổi tối, thứ bảy chủ nhật học nhiều hơn vì được nghỉ học. Cậu tranh thủ hỏi mentor khi gặp khúc mắc và sung sướng khi được mentor kiên nhẫn giảng giải mọi thứ.

“Mentor mà mình ấn tượng nhất là anh Nguyễn Thuần, anh không chỉ hỗ trợ mình qua hệ thống của trường, mà còn kết bạn Facebook, sẵn sàng giải đáp cho mình mọi lúc. Anh giải đáp tỉ mỉ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm giúp mình nhiều kiến thức vô cùng hữu ích” – Đạt cho hay.

Hiện đang học Chứng chỉ 2 – Lập trình di động, Đạt cho biết FUNiX giúp cậu luyện tập và mài giũa kỹ năng lập trình. Khi học một mình, không có ai để tư vấn nên dù tự tin đến mấy Đạt cũng không thể biết được rằng “liệu mình đã sử dụng hết tiềm năng của ngôn ngữ lập trình hay chưa”. Học online với giáo trình bài bản và các mentor FUNiX giúp kỹ năng code của Đạt được nâng cao rõ rệt, nhất là tầm nhìn trong thế giới lập trình và kỹ năng của một lập trình viên chuyên nghiệp. Mới một tháng rưỡi học, nhưng cậu đã biết thêm nhiều công cụ mới trong lập trình giúp chàng trai mê công nghệ như có thêm tay. Khó khăn lớn nhất của Đạt khi lập trình là quản lý code, quản lý dự án cũng dần được cải thiện.

“Nếu không có FUNiX, chắc mình chẳng bao giờ lập trình điện thoại, hay biết được Java là một ngôn ngữ hay đến chừng nào” – Đạt nói.

Chị Đặng Thanh Thủy – mẹ nam sinh cho biết, từ khi Đạt còn nhỏ, vợ chồng chị đã khuyến khích con sử dụng máy tính, tiếp xúc để nắm bắt được những công nghệ mới. Đạt có nhu cầu gì ba mẹ đều đáp ứng, như mua nhiều Lego; hay mua cả loạt ống nước để con thiết kế đồ chơi… nhằm khuyến khích sự sáng tạo.

“Các em được may mắn sinh ra trong thời đại mà gia đình và xã hội đều ưu tiên cho việc học, tuy nhiên việc phấn đấu để đạt được thành tích nổi trội trong lớp là việc rất khó và áp lực. Mình khuyến khích con phải tự học để có kiến thức vững chắc, chọn một hướng đi độc lập để việc học tập hiệu quả, sao cho tuổi học trò thật tươi đẹp và phải không ngừng học hỏi kiến thức của nhân loại bằng niềm say mê.” – chị Thủy chia sẻ.

Được ba mẹ hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu và hướng nghiệp, Đạt nhận thấy công nghệ góp phần quan trọng trong cuộc sống. Ba mẹ cũng ủng hộ cậu học tại FUNiX. “Từ khi bắt đầu học FUNiX đến nay, Đạt tự tin và sâu sắc hơn. Dường như Đạt đã tìm được cơ hội để thể hiện suy nghĩ và khả năng của mình qua sở thích lập trình” – mẹ nam sinh cho hay.

Ở trên lớp học chính, Đạt là cậu học sinh ít nói, chưa có “bạn thân” vì chưa gặp được người cùng “gu”, cùng chí hướng. Thú nhận mình không giỏi Toán cho lắm, nhưng Đạt lại học khá tốt phần lượng giác và tự tin là sẽ học tốt cả Vật Lý vì rất thích “chơi” với âm thanh nhờ việc nghịch ngợm với những phần mềm liên quan. 

Trong tương lai, Đạt mong muốn xây dựng Studio của mình thành một Studio của văn hóa nghệ thuật. Cậu dự định sẽ phát triển hàng trăm ngàn ứng dụng khác nhau để phục vụ nhu cầu của con người.

Quỳnh Anh

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!