Luật sư Sài Gòn mê công nghệ, giành học bổng học nhanh của FUNiX | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Luật sư Sài Gòn mê công nghệ, giành học bổng học nhanh của FUNiX

Chân dung xTer 07/08/2020

Đầu tháng 8, nhận tin giành học bổng Học nhanh của FUNiX sau khi hoàn thành Chứng chỉ 1 – Công dân số, cũng là lúc Lê Hải Thiện – chàng luật sư 32 tuổi ở TP.HCM chính thức chuyển sang công việc mới: Làm luật sư tại một công ty Công nghệ. Cái duyên với CNTT dường như đã bám đuổi Thiện từ rất lâu, lớn dần theo niềm đam mê của anh.

Là một luật sư thuộc đoàn luật sư TP.HCM, sống với nghề luật được 10 năm, anh Lê Hải Thiện vẫn theo đuổi niềm đam mê công nghệ thông tin bằng nhiều cách. Ngoài công việc chính yếu là tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, anh dành gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho sở thích học lập trình – và đều học theo hình thức online thông qua MITOpenCourseWare, Edx, Coursera, các diễn đàn như StackOverflow… Hiện tại, Thiện đang cùng lúc học song song tại trường University of the People (UoPeople) ở Mỹ và FUNiX tại Việt Nam.

“FUNiX là một lựa chọn tốt để mình có bằng cấp và bước chân vào ngành CNTT. Mình không có nhiều thời gian để đến lớp chính quy, do vậy học online là giải pháp tốt” – anh Lê Hải Thiện chia sẻ.

Anh Thiện dành tất cả thời gian trống trong ngày và các buổi tối và cuối tuần để học. Những khoảng thời gian không thể ngồi trước máy tính, anh học ngôn ngữ lập trình bằng ứng dụng SoloLearn và một số ứng dụng dạy lập trình khác trên điện thoại.

Tối về hoặc cuối tuần khi có thể ngồi trước máy tính, anh mới đọc học liệu, giáo trình, làm bài tập. Sau hai tháng, không chỉ hoàn thành Chứng chỉ 1 – Công dân số vượt tiến độ, được trao học bổng Học nhanh của FUNiX, anh còn nhận thấy kiến thức của mình được cải thiện và nâng cao đáng kể.

10 năm theo nghề Luật, anh Lê Hải Thiện muốn dấn thân vào CNTT – một lĩnh vực mới, hỗ trợ công việc chính của anh và mở ra những hướng đi mới cho sự nghiệp trong tương lai.

“Việc học thêm ở FUNiX giúp mình hoàn thiện các lỗ hổng kiến thức còn thiếu trong quá trình tự học trước đó và có cơ sở để đánh giá hiệu quả của khả năng tự học của mình trong một ngành mới. Nhờ FUNiX, kỹ năng lập trình của mình trở nên bài bản và chính quy hơn, mình hiểu được góc nhìn của các chuyên gia trong ngành CNTT. Nhờ đó, mình cảm thấy mình đã đạt được một tốc độ học nhanh hơn, định hướng rõ ràng hơn hướng phát triển và kỹ năng cần có. Mình đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với thời điểm tự học một mình” – anh Thiện cho hay.

Trước khi đến với FUNiX, vị luật sư đã tạo được một website cá nhân trên nền tảng wordpress về quản lý văn bản luật, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức luật của anh. Sau khi trở thành xTer, được mentor FUNiX gợi ý khái niệm micro – service, anh nghiên cứu vận hành và quyết định viết lại trang web với ý định tích hợp nhiều tính năng mới linh hoạt hơn. Trong tương lai, anh đang ấp ủ một vài ý tưởng kinh doanh với sản phẩm của mình.

Anh Lê Hải Thiện khẳng định ngành Luật và CNTT đều cần đến tư duy logic, và kiến thức, kỹ năng về Luật hỗ trợ anh rất nhiều khi chinh phục lĩnh vực công nghệ.

Khác với nhiều người cho rằng 10 năm theo nghề luật, nay theo ngành CNTT anh phải bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh, Lê Hải Thiện lại tin rằng hai lĩnh vực này hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển hoạt động lên mạng Internet của mọi người sau Covid-19 chắc chắn sẽ tạo nên các cơ hội. Xã hội sẽ có nhu cầu đối với các luật sư công nghệ am hiểu cả hai ngành.  

Về mặt kỹ năng, kỹ năng của ngành Luật giúp anh tiếp thu nhanh các kiến thức công nghệ, ví dụ như kỹ năng đọc luật, đặc biệt là đọc nhanh, xác định và tóm tắt ý chính để nắm trọng tâm, đọc liên tục mà không buồn ngủ… khiến anh không hề run sợ khi đối mặt với các tài liệu, sách công nghệ dài hàng trăm trang. Kinh nghiệm viết lách từ ngành luật giúp anh trình bày bài tập, viết code với chú thích rõ ràng để các mentor dễ hiểu và cho điểm cao hơn. Trình độ tiếng Anh được nâng cao khi thực hành luật cũng mang lại hỗ trợ không nhỏ trong việc theo dõi các bài giảng, tư duy bằng tiếng Anh, tìm kiếm tài liệu tham khảo…

Trong quá trình học không tránh được có lúc chán nản, anh thường tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục bằng như thay đổi môn hoặc đổi hình thức học: Chán xem video bài giảng thì mở sách ra đọc; chán đọc sách thì bật IDE lên code assignment… Học song song hai chương trình một một lúc cũng là cách để anh “giảm chán”.

“Để duy trì việc học đều đặn thì phải có động lực. Muốn có động lực thì phải lên được mục tiêu, cụ thể hóa hành động, lên lịch các mốc thời gian để thực hiện, đánh giá quá trình thực hiện để rút kinh nghiệm” – anh chia sẻ bí quyết duy trì việc học tập đều đặn. Bên cạnh đó, sự đồng hành của Hannah Kiều Anh đã giúp đỡ anh rất nhiều khi học FUNiX.

“Là xTer một thời gian mình mới hiểu, Hannah phụ trách các học viên hỏi nhiều, học nhanh, thi liên tục như mình sẽ rất mệt. Nhiều lúc buổi tối mình nhắn mà Hannah vẫn trả lời rất nhanh. Không có Hannah Kiều Anh giúp đỡ, mình không học nhanh được như vậy” – anh nói.

Ngoài ra, anh Thiện cũng được các mentor hỗ trợ đáng kể. “Đôi khi mentor chia sẻ những kinh nghiệm mà phải nhiều năm hành nghề mới có được. Đọc sách mãi không hình dung được, nhưng khi hỏi mentor thì họ giới thiệu một góc nhìn khác, thực tiễn và dễ hiểu hơn rất nhiều so với sách” – anh phân tích.

Nhận xét về FUNiX, anh Lê Hải Thiện cho rằng chương trình của FUNiX thiên về thực hành nhiều hơn. FUNiX có một điểm mạnh vượt trội chính là hệ thống mentor truyền nghề và truyền lửa trực tiếp cho sinh viên. Anh cho rằng nếu FUNiX tăng cường về học liệu, tạo một chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, và xây dựng một đội ngũ mentor/Hannah có thể giao tiếp chuẩn hoàn toàn bằng tiếng Anh, thì việc FUNiX hoạt động thành công ra các nước Châu Á lân cận Việt Nam là điều không khó đoán.

 

5 Kinh nghiệm học CNTT trực tuyến của anh Lê Hải Thiện

  •  Tiếng Anh tốt: Khả năng tiếng Anh tốt thì chắc chắn học sẽ rất nhanh vì ngành CNTT các tài liệu mới và tốt nhất đều là tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh của bạn được xem là tốt nếu như bạn tham gia vào một môi trường học thuật 100% bằng tiếng Anh với người bản xứ mà kết quả học tập của bạn vẫn có thể duy trì ở mức khá/giỏi. Nói cách khác, bạn đủ khả năng trụ lại và phát triển trong một môi trường không dùng tiếng mẹ đẻ.
  •  Kết nối: Hãy tích cực tham gia các diễn đàn, nhóm online của các sinh viên/lập trình viên trong và ngoài nước. Khi bạn xem cách họ đặt vấn đề, trao đổi góc nhìn, và giải quyết vấn đề với nhau, bạn sẽ tự động học được rất nhiều thứ.
  • Chăm đọc sách: Sách là những ông thầy tuyệt vời nhất. Để đọc được sách một cách nhanh, có thể nhớ lâu và không bị buồn ngủ, bạn phải học phương pháp đọc sách. Mọi thứ đều có phương pháp, quan trọng là bạn có để ý mà học hay không thôi.
  • Làm bài tập nghiêm túc: Khi bạn tự làm bài tập, bạn tự tạo năng lực thực sự cho bản thân. Nếu bạn xin bài của người khác về xào nấu lại, bạn sẽ không bao giờ có được cái năng lực đó. Năng lực chính là cái giúp học và hiểu nhanh vấn đề trong bất kể ngành học nào.
  • Chia sẻ kiến thức: Viết những bài viết chia sẻ kiến thức lên các diễn đàn, nhóm mạng ngoài ý nghĩa giúp đỡ bạn bè của mình, còn là cách để bạn chiêm nghiệm xem bản thân có thực sự hiểu một vấn đề, một khái niệm hay không. Nếu bạn chưa hiểu tốt, chắc chắn thứ bạn viết ra sẽ rất khó hiểu. Nguyên tắc này đúng trong mọi ngành học, đặc biệt là các ngành trọng về tư duy logic.

Quỳnh Anh

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!