Với hàng trăm bản phân phối Linux có sẵn, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được bản phân phối phù hợp với nhu cầu của bạn. Dưới đây là một số yếu tố mà bạn nên cân nhắc khi chọn một bản phân phối Linux cho mình.
1. Cách sử dụng
Cho dù bạn là một nghệ sĩ hay nhà phát triển phần mềm hay tin tặc có đạo đức, Linux có những bản phân phối phục vụ riêng cho nhu cầu của bạn:
- Ubuntu: Được dùng rộng rãi bởi các kỹ sư phần mềm và quản trị viên CNTT. Tuy nhiên, nó cũng là lựa chọn lý tưởng cho những người mới sử dụng Linux vì rất dễ sử dụng và đi kèm với rất nhiều công cụ phát triển phần mềm.
- Pop_OS!: Một bản phân phối Linux có tính thẩm mỹ và hiện đại, lý tưởng cho các kỹ sư và người dùng phổ thông.
- Arch Linux: Một bản phân phối đi kèm với những gì tối thiểu. Nó được yêu thích và sử dụng rộng rãi bởi các chuyên viên máy tính cũng như những người thích mày mò và muốn có toàn quyền kiểm soát với thiết bị của họ.
- Fedora: Lý tưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và quản trị viên hệ thống muốn có một hệ điều hành đáng tin cậy miễn phí.
- Kali Linux: Một bản phân phối an toàn đi kèm với nhiều công cụ kiểm tra thâm nhập và bảo mật CNTT, lựa chọn lý tưởng cho các chuyên gia bảo mật và hacker có đạo đức.
Linux cũng là một hệ điều hành máy chủ được ưa thích vì nhẹ, ổn định và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cũng rất dễ định cấu hình và tự động hóa nội dung trên Linux.
Máy chủ Linux đứng đằng sau cho một số siêu máy tính và máy chủ doanh nghiệp tiên tiến nhất. Một số bản phân phối Linux tuyệt vời dành cho máy chủ là RHEL, Ubuntu Server, Fedora, Debian, CentOS, Oracle Linux , v.v.
2. Yêu cầu phần cứng
Linux là một nhân hệ điều hành rất nhẹ và chạy trên các tài nguyên phần cứng tối thiểu. Nó cũng được hỗ trợ trên nhiều kiến trúc phần cứng bao gồm bộ xử lý dựa trên ARM có trong Raspberry Pi và kiến trúc dựa trên Intel. Các bản phân phối như Asahi Linux có thể chạy tự nhiên trên các chip dựa trên Apple Silicon ARM mới.
Nếu bạn đang gặp vấn đề về hiệu suất do tài nguyên phần cứng hạn chế thì Linux có thể giúp bạn. Bạn có thể dễ dàng thổi một sức sống mới vào PC cũ của mình bằng cách cài đặt một bản phân phối Linux nhẹ như Tiny Core Linux, Xubfox, Alpine Linux, v.v.
Ví dụ, Lubuntu là một bản phân phối nhẹ tuyệt vời được hỗ trợ trên cả máy tính 32 bit và 64 bit. Nó đi kèm với các ứng dụng không tốn nhiều tài nguyên, chạy nhanh và nhạy ngay cả trên các máy cũ.
Hầu hết các bản phân phối Linux nhẹ đều chạy hiệu quả trên máy tính có RAM dưới 1GB và yêu cầu dung lượng ổ đĩa tối thiểu là 8GB.
3. Hỗ trợ phần mềm
Dù Linux ổn định và mạnh mẽ nhưng đôi khi bạn vẫn có thể gặp trục trặc kỹ thuật. Với các cá nhân và doanh nghiệp vận hành các hệ thống quan trọng, thời gian chết đồng nghĩa với việc mất tiền và cơ hội kinh doanh.
Bạn có thể trả tiền cho phần mềm hoặc dịch vụ hỗ trợ để nhận được sự trợ giúp cần thiết khi hệ thống Linux gặp sự cố kỹ thuật. RHEL được sử dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp chính vì lý do này. Bạn nhận được cùng một loại hỗ trợ, nếu không muốn nói là tốt hơn, như với Windows hoặc macOS với chi phí thấp hơn nhiều.
Ubuntu là một bản phân phối khác cung cấp hỗ trợ phần mềm để đổi lấy một khoản phí dịch vụ. Với Ubuntu Advantage, khách hàng nhận được hỗ trợ 24/7, bảo mật và hỗ trợ LTS mở rộng từ Canonical (công ty đứng sau Ubuntu).
Các bản phân phối khác như Zorin OS cũng cung cấp nhiều tính năng, ứng dụng và cấu hình nâng cao hơn cho người dùng hoặc doanh nghiệp trả phí cho phiên bản Pro của hệ điều hành.
4. Sự ổn định
Linux nói chung là một hệ điều hành ổn định, nhưng một số bản phân phối Linux thậm chí còn chú trọng đến tính ổn định hơn những bản khác, ví dụ như Debian, openSUSE, Linux Mint và RHEL.
Không giống như các bản phân phối khác có chu kỳ phát hành nhất định, Debian chỉ phát hành các phiên bản đã được kiểm tra kỹ lưỡng và ổn định. Điều này trái ngược với các bản phân phối tiên tiến như Arch Linux với các bản cập nhật phần mềm mới phát hành trong suốt cả năm.
Nếu tính ổn định là ưu tiên hàng đầu của bạn thì tốt nhất bạn nên tránh xa các bản phân phối tiên tiến như Arch Linux, openSUSE Tumbleweed, Debian sid, v.v. Chúng chỉ là lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn các tính năng mới nhất để thử nghiệm.
5. Hỗ trợ tài liệu và cộng đồng
Trước khi cài đặt một bản phân phối, điều quan trọng là bạn cần xem tài liệu được cung cấp trên trang chính thức của bản phân phối đó. Một số mục quan trọng cần được lưu ý là cài đặt, thiết lập và hướng dẫn chung về cách sử dụng tốt nhất.
Ngoài tài liệu, bạn cũng nên tìm cách sử dụng một bản phân phối có cộng đồng người dùng lớn trên các nền tảng như Stack Overflow, nơi bạn có thể dễ dàng nhận được hỗ trợ từ những người dùng đang sử dụng cùng một bản phân phối như bạn.
6. Kinh nghiệm trước đây với Linux
Linux không chỉ dành cho dân kỹ thuật mà tương đối dễ sử dụng. Hơn nữa, có một số bản phân phối Linux nhất định hướng đến những người chuyển từ Windows hoặc macOS như là elementary OS, Deepin, v.v.
Linux cung cấp hệ thống quản lý gói nâng cao, bảo mật và nhiều lựa chọn ứng dụng miễn phí để dùng hàng ngày và các tác vụ nâng cao như chỉnh sửa video, xử lý hình ảnh, xử lý văn bản, v.v.
Các bản phân phối như Zorin OS, Linux Mint và elementary OS được xây dựng đặc biệt để giúp người dùng macOS và Windows dễ dàng chuyển đổi sang Linux.
Chọn một bản phân phối Linux rất dễ dàng!
Linux là một hệ điều hành tuyệt vời và ổn định, nhưng không chỉ vậy, bạn có thể chọn một bản phân phối Linux đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mình.
Vân Nguyễn
Dịch từ: https://www.makeuseof.com/factors-to-consider-when-choosing-linux-distro/
Bình luận (0
)