Đào tiền ảo là gì? Đào tiền ảo có nguy hiểm không? | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Đào tiền ảo là gì? Đào tiền ảo có nguy hiểm không?

Chia sẻ kiến thức 24/01/2022

Đào tiền ảo (crypto mining) có thể mang lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng liệu nó có an toàn không?

Đào tiền ảo (crypto mining) có thể mang lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng liệu nó có an toàn không?

Khi nói về các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum, chủ đề đào tiền ảo (hay còn gọi là đào coin hay crypto mining) xuất hiện rất nhiều. Bài viết này sẽ thảo luận về mọi thứ liên quan đến việc đào tiền điện tử, cách nó hoạt động và những mối nguy hiểm liên quan.

Tiền điện tử hoạt động như thế nào?

Tiền điện tử là một tài sản ảo được dùng làm phương thức thanh toán trong các giao dịch trực tuyến. Cơ sở dữ liệu blockchain, chứa các bản ghi quyền sở hữu, chi tiết giao dịch và thông tin tạo tiền, sử dụng các chức năng mật mã toán học để bảo mật dữ liệu.

Trước khi nói về khai thác tiền điện tử, người ta nên biết cách các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum quản lý các giao dịch và phát hành tiền mới.

Hệ thống tập trung so với hệ thống phi tập trung

Không giống như tiền pháp định (tiền do chính phủ của một quốc gia quy định, phát hành và quản lý), tiền điện tử không được quản lý bởi các tổ chức tài chính tập trung lưu giữ hồ sơ về các giao dịch. Một hệ thống tập trung, chẳng hạn như ngân hàng, ghi lại các giao dịch và quản lý chúng bằng cách sử dụng sổ cái (ledger), chỉ một số tổ chức khác có thể truy cập được.

Một hệ thống phi tập trung lại không yêu cầu một tổ chức quản lý các giao dịch. Thay vào đó, một sổ cái phân tán (distributed ledger) được gọi là blockchain lưu trữ các bản ghi. Bất kỳ người dùng nào muốn trở thành một phần của hệ thống đều có thể truy cập sổ cái và xem các giao dịch.

Các giao dịch được lưu trữ ở đâu?

Như đã đề cập ở trên, blockchain chịu trách nhiệm lưu trữ các bản ghi giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Nhiều giao dịch được nối với nhau để tạo thành khối, các khối này sau đó được thêm vào sổ cái phân tán. Các khối cũng chứa thông tin bổ sung như dữ liệu tiêu đề (header data) và mã băm (hash) của khối trước đó.

Ví dụ, David muốn mua một chiếc xe máy từ Alice bằng Bitcoin. Anh đăng nhập vào ví tiền điện tử của mình và hoàn tất giao dịch.

Bản ghi giao dịch được xâu chuỗi với nhiều giao dịch khác tạo thành một khối, khối này cần được xác thực trước khi được thêm vào chuỗi khối.

Đào tiền ảo là gì?

Nói một cách đơn giản, để đảm bảo việc bổ sung liên tục các khối mới vào blockchain, các thợ đào cần giải các “câu đố” toán học phức tạp để xác minh một khối. Mỗi khối chứa một giá trị nonce (Số nonce là một số ngẫu nhiên hoặc bán ngẫu nhiên được tạo ra cho một mục đích sử dụng cụ thể) chỉ được sử dụng một lần mà người khai thác sử dụng để tạo các hàm băm. Thợ đào có thể thay đổi giá trị nonce để tìm lời giải cho khối.

Giá trị băm:

d04b98f48e8f8bcc15c6ae5ac050801cd6dcfd428fb5f9e65c4e16e7807340fa

Mục tiêu cuối cùng là tìm một nonce nhất định có hàm băm bắt đầu bằng một số lượng số 0 cụ thể. Ngay sau khi xác thực khối bằng cách tìm đúng nonce, họ sẽ được thưởng một lượng tiền điện tử cố định.

Như đã nói ở trên, các giao dịch tiền điện tử sử dụng mã hóa để bảo mật các khối dữ liệu. Ngoài ra, các khối này là bất biến, có nghĩa là sau khi được tạo, không ai có thể sửa đổi hoặc giả mạo bản ghi giao dịch. Do đó, hầu như không thể hack blockchain và thay đổi các bản ghi giao dịch.

Hiện tại, bất cứ khi nào người khai thác xác thực một khối giao dịch bitcoin, họ sẽ nhận được phần thưởng là 6,25 bitcoin. Khoảng bốn năm một lần, phần thưởng này sẽ giảm đi một nửa. Đợt giảm một nửa Bitcoin tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2024, điều này sẽ làm giảm số tiền thưởng xuống còn 3,125 bitcoin.

Quá trình đào tiền ảo tạo ra và phân phối tiền điện tử. Do đó, có thể kết luận rằng tiền điện tử là một loại tiền tệ tự cung tự cấp.

Nguy cơ đến từ việc đào tiền điện tử

Bên cạnh giới hạn thị trường tổng thể của tiền điện tử, một số mối nguy hiểm liên quan đến tiền điện tử cũng đã đang tồn tại nhưng lại thường bị mọi người bỏ qua.

Tiêu thụ điện năng quá mức

Vì đào tiền điện tử là một quá trình phức tạp, nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng để chạy các máy tính liên tục xác nhận các khối. Hầu hết các thợ đào tiền điện tử chạy hệ thống của họ 24/7, điều này đòi hỏi lượng điện rất lớn.

Với sự tăng giá của tiền điện tử, ngày càng có nhiều người tham gia vào mạng lưới, làm tăng tổng mức tiêu thụ năng lượng. Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge, việc khai thác bitcoin cần hơn 120 giờ năng lượng Terrawatt mỗi năm, con số này cũng liên tục tăng lên.

Một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran.. đã áp đặt lệnh cấm khai thác tiền điện tử do quá trình này cần quá nhiều nguồn lực. Trên thị trường cũng đã xuất hiện một số loại tiền điện tử thân thiện với môi trường được cho là lựa chọn xanh thay thế Bitcoin.

Cryptojacking

Giá trị ngày càng tăng của tiền điện tử đã thu hút không chỉ những người khai thác mới mà còn cả những tin tặc. Nhiều vụ hack tiền điện tử đã xảy ra trong thập kỷ qua.

Không chỉ vậy, tội phạm mạng hiện đang gây lây nhiễm cho máy tính cá nhân nhằm tận dụng tài nguyên của chúng để khai thác tiền điện tử, còn được gọi là cryptojacking. Nhiều tin tặc cài đặt các tập lệnh dựa trên JavaScript trên các máy tính nhằm “ra lệnh” cho chúng khai thác tiền điện tử cho chúng ở chế độ nền.

Những tin tặc này không sử dụng 100% tài nguyên của thiết bị bị nhiễm mà chỉ dùng một phần nhỏ hơn để khai thác từ từ và ổn định trong một khoảng thời gian dài.

Tiền điện tử luôn biến động

Khi giá tiền điện tử tăng vọt, nhiều người bị mê hoặc bởi ý tưởng về kế hoạch “làm giàu nhanh chóng” này. Không phải ai cũng cân nhắc đến sự biến động và rủi ro của tiền điện tử và đầu tư nhiều tiền hơn mức họ có thể bỏ ra.

Ngoài ra, những người đào tiền ảo chi hàng nghìn đô la mỗi tháng cho hóa đơn tiền điện mà có thể sẽ không thu lại được gì.

Tăng giá GPU

Xu hướng tiền điện tử cũng dẫn đến việc tăng giá GPU vào năm 2017.

GTX 1070 Ti, được phát hành với mức giá $450, đã được bán với giá $1.100. Ngoài ra, GPU 6GB của GTX 1060 được bán với giá $500, trong khi giá gốc là $250. Vào năm 2020 và 2021, nhu cầu về phần cứng khai thác và sự thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu đã đẩy giá thậm chí cao hơn, với giá GPU giao dịch cao hơn hàng nghìn lần so với giá bán lẻ ban đầu của chúng.

Kết luận

Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin cần thiết về việc đào tiền điện tử, cách nó hoạt động và những mối nguy hiểm liên quan, để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho mình. 

Bài dịch: https://www.makeuseof.com/what-is-crypto-mining-and-is-it-dangerous/

Vân Nguyễn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại