Ngày nay, hầu như ai cũng có một chiếc laptop, cho dù là để làm việc hay giải trí. Những thiết bị này sẽ xuống cấp theo thời gian và đến một lúc nào đó sẽ cần được nâng cấp. Nhưng chính xác thì khi nào bạn nên làm điều này ?
Điều gì ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy tính xách tay?
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của laptop, trong đó đầu tiên là thời gian sử dụng. Trong khi nhiều người sử dụng laptop của họ trong vài giờ mỗi ngày, có lẽ vào buổi tối để xem phim hoặc mua sắm trực tuyến, những người khác lại sử dụng hầu như cả ngày. Nếu công việc của bạn yêu cầu làm việc trên laptop, thời gian sử dụng của bạn đương nhiên sẽ rất cao.
Hơn nữa, loại laptop cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy. Nếu laptop của bạn có phần cứng cũ hơn hoặc cấp thấp hơn, nó có thể sẽ không tồn tại lâu bằng máy có phần cứng chất lượng cao (tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng).
Cũng cần lưu ý rằng việc thiếu bảo dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của laptop. Ví dụ như quạt laptop. Bộ phận này có thể giúp chống lại hiện tượng quá nhiệt, một vấn đề phổ biến thường xảy ra khi máy bị quá tải về mặt chức năng. Ví dụ, nếu bạn chạy nhiều chương trình nặng cùng lúc, CPU của bạn sẽ phải hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tình trạng quá nóng. Quạt tản nhiệt laptop giúp giảm thiểu vấn đề này.
Bây giờ chúng ta đã biết những yếu tố nào ảnh hưởng đến tuổi thọ của laptop, hãy cùng tìm hiểu khi nào bạn nên nâng cấp.
Khi nào bạn nên nâng cấp laptop?
Như phần trên cho thấy, câu trả lời cho câu hỏi này là rất chủ quan. Nhưng có lời khuyên chung có thể áp dụng với đa số người dùng laptop.
Nói chung, bạn nên nâng cấp laptop từ ba đến năm năm một lần. Tuy nhiên, con số này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào cách bạn sử dụng, loại máy tính xách tay, mức độ bảo dưỡng, v.v. Laptop thường có tuổi thọ ngắn hơn so với PC nói chung, nhưng điều này không có nghĩa là tuổi thọ của chúng ngắn một cách vô lý.
Nếu bạn muốn tận hưởng công nghệ mới nhất, bạn có thể muốn nâng cấp máy của mình thường xuyên hơn. Mặt khác, bạn có thể dùng cho đến khi máy thực sự hết hơi – quá trình này có thể kéo dài tám năm hoặc lâu hơn. Về mặt lý thuyết, một chiếc laptop có thể tồn tại đến một thập kỷ nếu được chăm sóc đúng cách.
Ví dụ: nếu pin laptop của bạn đang xuống cấp, bạn không nhất thiết phải tậu một chiếc máy hoàn toàn mới mà có thể chỉ thay pin.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là việc thay thế nhiều bộ phận về lâu dia fcó thể tốn kém và mất thời gian hơn nâng cấp cả máy. Bạn nên cân nhắc điều này trước khi mua phần cứng mới.
Các dấu hiệu bạn nên nâng cấp laptop
Có một số dấu hiệu bạn cần lưu ý để xác nhận xem đã đến lúc mình cần nâng cấp laptop hay chưa.
Thứ nhất, nếu laptop của bạn bị treo hoặc tắt thường xuyên, có lẽ đã đến lúc bạn cần nâng cấp. Điều này có thể do sự cố với CPU – bộ phận thường không thể thay thế được trên laptop. CPU của laptop thường được hàn vào bo mạch chủ thay vì vào ổ cắm. Vì vậy, nếu CPU bị hỏng, bạn có thể cần phải mua một chiếc máy mới.
Thứ hai, nếu bạn không thể cài đặt bất kỳ bản cập nhật hệ điều hành mới nhất nào, có thể đã đến lúc nâng cấp. Mặc dù đây không phải là một vấn đề quá cấp bách nhưng theo thời gian, khi nhiều bản cập nhật hơn được phát hành, bạn có thể bỏ lỡ các bản sửa lỗi hữu ích, bản cập nhật bảo mật và các tính năng bổ sung. Vì vậy, nếu laptop của bạn chỉ có thể hỗ trợ một phiên bản hệ điều hành khá cũ, hãy xem xét nâng cấp lên một laptop mới hơn.
Đôi khi, lý do nâng cấp laptop của bạn có thể không liên quan đến các vấn đề hiện có. Thay vào đó, bạn có thể thấy rằng laptop của bạn không phù hợp với sở thích nữa. Ví dụ: nếu bạn có một laptop lớn, cồng kềnh nhưng thường xuyên phải di chuyển, có thể bạn nên chuyển sang một kiểu máy nhẹ hơn. Hoặc, nếu bạn là một game thủ và laptop hiện tại của bạn khá chậm, thì bạn có thể nên xem xét chuyển sang một chiếc laptop chuyên để chơi game.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: Khi nào thì nên nâng cấp laptop. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy để lại dưới phần bình luận để được giải đáp nhé.
Vân Nguyễn
Dịch từ: https://www.makeuseof.com/how-often-should-you-upgrade-your-laptop/
Bình luận (0
)