Giám khảo FE Hackathon 2019 "tiết lộ" điều gì về tiêu chí đánh giá tại Vòng Chung kết? | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Giám khảo FE Hackathon 2019 “tiết lộ” điều gì về tiêu chí đánh giá tại Vòng Chung kết?

Tin tức 03/01/2020

Tại Vòng chung kết FE Hackathon 2019, với các ý tưởng triển khai thiết bị có chức năng đo lường độ sạch/nhiễm bẩn của không khí và nước, BGK sẽ đánh mạnh vào các yếu tố liên quan tới độ chính xác của thiết bị, thời gian sử dụng của cảm biến cùng các chi phí để sản xuất, bảo hành các sản phẩm, các chuẩn an toàn sức khỏe của Việt Nam và thế giới…

Ngày 28/12, với sự tham gia của 28 đội thi đến từ các đơn vị trong FPT Edu, Vòng sơ loại cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2019 đã diễn ra vô cùng gay cấn tại 4 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các đội thi đã cùng so tài trong phần thi codelearn và phần thi thuyết trình bảo vệ ý tưởng trước Hội đồng BGK.

Dựa vào các tiêu chí của cuộc thi, Hội đồng BGK đã lựa chọn ra 14 đội lọt vào vòng chung kết cuộc thi, với 7 đội đến từ bảng A và 7 đội bảng B. Vượt qua trận thi đấu codelearn và thuyết trình đầy căng thẳng, đại diện FUNiX Hà Nội – team LMAN đã xuất sắc lọt vào Top 3 tại vòng Sơ loại cuộc thi FPT Edu Hackathon 2019, thẳng tiến đến vòng Chung kết diễn ra vào ngày 11–12/1/2020.

Dưới đây là danh sách các đội thi lọt vào vòng Chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2019:

Hoàn thành Vòng Sơ loại FPT Edu Hackathon 2019, LMAN xuất sắc chiếm vị trí Top 3

LMAN là team đại diện FUNiX khu vực Hà Nội tham gia FPT Edu Hackathon 2019, gồm 4 thành viên, với một thành viên có độ tuổi lớn nhất sinh năm 2000 (Hoàng Trung Nguyên), 3 thành viên còn lại sinh năm 2003 (Nguyễn Đình Anh, Phạm Vũ Thái Minh và Nguyễn Phương Linh). Với độ tuổi học sinh cấp III, thông thường đối thủ của team sẽ là khối THPT ở Bảng B. Nhưng 3 trong 4 thành viên đang theo chương trình học Đại học sớm lấy bằng Kỹ sư Kỹ thuật phần mềm tại FUNiX vẫn tự tin thi đấu với các anh chị khối đại học tại Bảng A theo quy định cuộc thi. 

Vòng Sơ loại diễn ra với 2 phần: codelearn & thuyết trình bảo vệ ý tưởng. Trước đó, tại phần codelearn, LMAN xếp vị trí thứ 8 trên tổng số 28 đội. Nhưng kết quả toàn Vòng Sơ loại, LMAN xuất sắc vươn lên nằm trong vị trí Top đầu BXH. 

Là Leader team, Nguyễn Đình Anh, chàng trai sinh năm 2003 của LMAN bày tỏ, nhóm rất phấn khởi chuẩn bị bước vào Vòng chung kết. Sản phẩm dự thi của team lần này là “Water testing instant”. Đây là ý tưởng lập trình nên một chiếc bút dùng để kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, đồng thời, kết hợp với mobile app trên điện thoại di động. Sản phẩm có chức năng phát hiện nước kém chất lượng bằng chiếc bút đo chỉ số nhiễm bẩn/nhiễm khuẩn, và lập tức thông báo cho người dùng trong khu vực bằng ứng dụng mobile kết hợp. “Mục tiêu sản phẩm “Water testing instant” mà LMAN phát triển nhằm giúp giải quyết vấn đề kiểm tra chất lượng nước kịp thời, tránh tình trạng sử dụng một thời gian mới phát hiện ra nguồn nước bị ô nhiễm”, đội trưởng LMAN, cậu học sinh lớp 11 Nguyễn Đình Anh nói. 

Với cuộc thi lần này, Giám khảo cuộc thi Cao Văn Việt cho biết, mình ấn tượng ở các đội với nhiều ý tưởng hay như nhận dạng bệnh lý bằng trí tuệ nhân tạo, lập trình website giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường hay triển khai các thiết bị nhiều chức năng đo không khí và nước. “Kết quả các sản phẩm dự thi sẽ phụ thuộc vào việc hoàn thiện sản phẩm trong Vòng chung kết, và được quyết định bởi khả năng áp dụng thực tiễn, chứ không đơn thuần chỉ là ý tưởng nữa”, anh Việt nói. 

Đối với các ý tưởng triển khai thiết bị có chức năng đo không khí và nước, Ban giám khảo sẽ đánh mạnh vào các yếu tố liên quan tới độ chính xác của thiết bị, thời gian sử dụng của cảm biến cùng các chi phí để sản xuất, bảo hành các sản phẩm, các chuẩn an toàn sức khỏe của Việt Nam và thế giới. “Cá nhân mình hy vọng sẽ được nhìn thấy một chiếc bút thử nước nhỏ như bút thử điện, có thể phát hiện và đánh giá 5 chỉ số thể hiện độ sạch của nước trong thời gian ngắn”, Giám khảo Việt bày tỏ quan điểm.

Nhận xét về sản phẩm của LMAN đến từ FUNiX, anh Việt cũng cho biết, “ý tưởng của LMAN khá tốt. Sản phẩm khá đa dạng khi có cả phần cứng (bút thử) và phần mềm (ứng dụng mobile app). Để hoàn thiện sản phẩm, các bạn sẽ có nhiều việc phải làm từ phần cứng đến phần mềm, như việc ứng dụng nhiều công nghệ như cloud, mobile, hardware… Về tính khả thi, mình nghĩ đội cần chú ý ở mặt phần cứng, đặc biệt ở chất lượng và độ bền của các cảm biến để giúp sản phẩm đủ tốt, có thể chạy trong thời gian dài và môi trường khắc nghiệt”, Giám khảo Việt nói.

Theo đó, Giám khảo Cao Văn Việt cũng chúc LMAN và các đội thi hoàn thiện thành công sản phẩm dự thi và giành giải cao trong mùa thi FE Hackathon thứ 2. 

Trước khi hoàn thành Vòng sơ loại và đạt thành tích top 3 vừa qua, LMAN cho biết, team đã chuẩn bị cẩn thận các phần thi, trong đó chủ yếu tập trung cho nội dung slide và tạo thành một kịch bản đầu cuối rõ ràng để thuyết trình suôn sẻ. Đồng thời, “team nhờ sự hỗ trợ của mentors Nguyễn Hải Nam và Đức Anh nên bài thuyết trình cũng trơn tru và hiệu quả hơn”, leader team Đình Anh cho biết.

“Nhớ nhất là những lúc team ngồi với nhau để tìm lỗi sai, đến lúc fix được thì cả team vui mừng đến vỡ òa”, nhóm trưởng Đình Anh chia sẻ kỷ niệm khi team làm việc cùng nhau.

Trực tiếp hướng dẫn team trong cuộc thi lần này, mentor Nguyễn Hải Nam chia sẻ, “LMAN có nhiều thành viên trẻ, khá là năng động. Lúc đầu mình có hơi e ngại vì sợ các bạn ấy không có nhiều kinh nghiệm cũng như tích lũy đủ kiến thức để có thể xây dựng được một concept về sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các bạn ấy tiếp thu rất nhanh và thực thi rất tốt các ý tưởng do chính các bạn đã đặt ra”, anh nói.

Ngoài ra, mentor Hải Nam cũng cho biết, LMAN chịu khó học hỏi và điều chỉnh lại ý tưởng liên tục xuyên suốt quá trình chuẩn bị nên có thể vào đến Vòng chung kết. “Mình nghĩ rằng để tham gia những cuộc thi mang tính chất học tập và rèn luyện như thế này, chúng ta chẳng cần kỹ năng, khả năng nào thực sự tốt hay đặc biệt, cũng không cần một ý tưởng đắt giá. Cố gắng dành thời gian tham gia, học hỏi và điều chỉnh thì các bạn sẽ nhận được những kết quả tốt”, mentor Nam nói.

Như vậy, từ thời điểm công bố top 14 đến ngày Chung kết, các đội thi sẽ có hơn 10 ngày để tập trung hoàn thiện ý tưởng và sản phẩm của đội mình. Trong Vòng chung kết, mỗi đội thi sẽ nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong thời gian 48 tiếng liên tục. Sau đó, các đội sẽ thực hiện demo sản phẩm và thuyết trình trước Hội đồng BGK, từ đó tìm ra đội chiến thắng cuối cùng của cuộc thi. Phần thuyết trình và demo sản phẩm được diễn ra theo bảng đấu, và sẽ được tiến hành đồng thời.

Giám khảo Cao Văn Việt cũng cho biết thêm, thời gian gần đây nhiều tai nạn, hiểm họa liên quan tới môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, nước sông Đà nhiễm dầu… Do vậy, chủ đề cuộc thi năm nay khá ý nghĩa và thiết thực. Đối với sinh viên công nghệ, đây cũng là một cơ hội để các bạn áp dụng các công nghệ, kiến thức đã học để giải quyết bài toán về môi trường. 

Vòng chung kết cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2019 sẽ diễn ra vào ngày 11-12/1/2020 tại FPT Edu, campus Hòa Lạc.

Hoàng Nhung

FPT Edu Hackathon 2019 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên 
của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon 
nổi tiếng của thế giới với giải thưởng “khủng” có tổng giá trị lên tới 
hơn 150 triệu đồng. 

Với chủ đề ứng dụng công nghệ vào vấn đề bảo vệ môi trường năm nay, 
thách thức của cuộc thi nằm ở việc các thí sinh phải phát triển một 
sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ 
sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng.

Cuộc thi được chia làm 2 bảng:
- Bảng A: Sinh viên khối Đại học (ĐH FPT, FUNiX, Greenwich, Swinburne)
- Bảng B: Sinh viên/học sinh khối Cao đẳng, đào tạo nghề và THPT (FAI, 
FPT Polytechnic, THPT FPT)

Cuộc thi bắt đầu với 34 đội thi, mỗi đội từ 3-4 thành viên và 
trải qua 3 vòng:
- Vòng 1 (Lọc ý tưởng): 21/12/2019 (34 đội thi)
- Vòng 2 (Sơ loại): 28/12/2019 (28 đội thi)
- Vòng 3 (Chung kết): 11-12/1/2020 (14 đội thi)
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!