2 lời khuyên để đối mặt với tương lai biến động từ Nguyên Tổng giám đốc FPT
Theo Founder FUNiX, Nguyên TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam,để đối mặt với thế giới tràn đầy biến động như hiện nay - mà ông gọi là thế giới VUCA - người trẻ ngày nay cần có 2 thứ: sức khỏe và khả năng tự học.
Table of Contents
- Founder FUNiX: “Là ai cũng được, miễn tìm thấy hạnh phúc và được là chính mình”
- Founder FUNiX nói về những trải nghiệm học tập đặc biệt của giáo dục trực tuyến
Ông chia sẻ quan điểm này trong buổi tọa đàm hướng nghiệp cùng hơn 130 phụ huynh học sinh Trường THCS – THPT Ban Mai vào tối 16/9.
Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA
Theo ông Nguyễn Thành Nam, VUCA chỉ một thế giới phức tạp, đầy biến động và khó dự đoán (VUCA viết tắt của các từ tiếng Anh Volatility – Biến Động, Uncertainty – Bất Định, Complexity – Phức Tạp, Ambiguity – Mơ Hồ). Thuật ngữ này đầu tiên được quân đội Mỹ áp dụng trong các tình huống đối phó chiến tranh nhưng sau này đã được đại học Harvard biến thành lý luận đưa vào lớp dạy cho lãnh đạo các doanh nghiệp.
VUCA có thể đến từ những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, những thay đổi sâu sắc về địa chính trị trên thế giới, thậm chí từ những yếu tố bất ngờ như đại dịch Covid-19 – một thảm họa khiến cả thế giới dừng lại, hàng triệu triệu người mất đi nguồn sống chỉ trong một thời gian ngắn. Vậy người trẻ phải chuẩn bị như thế nào để có thể vững bước vào tương lai đầy biến động này?
Để trả lời cho câu hỏi này, Nguyên TGĐ FPT đã kể lại một câu chuyện từ lịch sử, diễn ra vào năm 1946, khi chính quyền cách mạng Việt Nam còn đang trong trứng nước, phải đối mặt với một tương lai mà ông miêu tả là “rất VUCA”. Trước khi lên đường sang Pháp đàm phán để đòi công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã nhắn nhủ với Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì đại sự Quốc gia phải đi vắng dài ngày, việc nước ở nhà trông cậy vào cụ và anh em, chỉ xin cụ nhớ cho một câu để vận dụng, đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu này có nghĩa là lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi.
Hai lời khuyên dành cho các bạn trẻ
Founder FUNiX cho rằng trong thế giới VUCA “vạn biến”, có một hai điều “bất biến”: Sức khỏe và Khả năng tự lực.
Ông nhấn mạnh: “Sức khỏe không phải là thường xuyên đến phòng gym để “selfie”, mà phải được thể hiện qua khả năng chịu đựng vất vả, làm việc liên tục, trong các điều kiện môi trường khác nhau.” Nếu không có điều kiện chơi thể thao, tập võ thuật, các bạn trẻ đơn giản có thể tập chống đẩy, đi bộ… đều đặn để rèn luyện sức bền cho bản thân.
Về yếu tố thứ hai – khả năng tự học, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng tự học có nghĩa là khi gặp một vấn đề mới, biết cách tìm câu trả lời từ kho kiến thức khổng lồ trên Internet; nếu tự nghiên cứu không hiểu, biết cách đặt đúng câu hỏi, tìm đúng người để đưa ra thắc mắc.. Điều này là cực kỳ quan trọng, vì trong một thế giới không ngừng thay đổi, không thể chỉ học một thứ và dùng mãi, mà phải liên tục học hỏi để theo kịp với tiến hóa không ngừng của tri thức.
Làm thế nào để chọn nghề?
Trả lời câu hỏi của khán giả về cách hướng nghiệp cho con, Nguyên TGĐ FPT gợi ý một vài bước để giúp các bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp thích hợp. Nếu chưa biết rõ thế mạnh, thiên hướng của mình ở đâu, ngay từ khi vào lớp 10, phụ huynh nên đồng hành cùng các con để tìm hiểu về khoảng hơn 200 nghề nghiệp hiện có, bằng cách tìm kiếm Google, tra cứu trên website của Bộ Giáo dục.
Một năm tiếp theo nên được dành để nghiên cứu, khám phá về từng nghề để khoanh vùng lựa chọn xuống còn 15-20. Điều này có thể thực hiện qua nguồn tư liệu khổng lồ trên mạng, tham gia cộng đồng nghề.. Ông Nguyễn Thành Nam cũng khuyên các bậc phụ huynh nên tích cực chia sẻ cho con cái về công việc của mình, kết nối với người quen, bạn bè để cho con có cơ hội lắng nghe, trải nghiệm những nghề nghiệp khác nhau… giúp các em có thể giới hạn xuống còn ba lựa chọn khi bước vào năm cuối cấp.
“Đừng sợ chọn sai, sai có thể sửa. Điều quan trọng là cần để cho con tự quyết định, phụ huynh chỉ giúp đỡ đưa ra lựa chọn. Năng lực tự quyết định cũng rất quan trọng trong thế giới VUCA.” – ông nhấn mạnh.
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)