Management Escape (2) | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Management Escape (2)

Góc Nguyễn Thành Nam 17/09/2021

Management Escape lần 2, năm 2003 là một chuyến đi dọc biển. TuanPM tiện đi triển khai DMS cho U, đã thuê sẵn 1 chiếc xe 16 chỗ đợi ở Đà nẵng. (tiện thể nói thêm vì đi chiếc Mer 16 chỗ này mà sau này Fsoft mua chiếc xe đầu tiên cũng cùng chủng loại).

Chuyến đi lần này có thêm Hùng Râu, DatPP ngoài ra còn có PhươngNL và TùngBH lười di chuyển, đi máy bay vào Nha trang đợi sẵn. A Râu được phân công lo chỗ nghỉ đêm ở Quy Nhơn.
 
Chúng tôi lên xem nhằm phía Nam thẳng tiến. Qua khu kinh tế mở Chu Lai, Cảnh nhất quyết bắt lái xe phải làm một vòng khu nhà máy lọc dầu Dung quất và thành phố Vạn tường, hai công trình lúc đó cực nổi tiếng vì nghe đồn thì rất hoành tráng, đến nơi thì tuyệt không thấy một bóng người. Cả bọn chụp chung một bức ảnh trước nhà máy lọc dầu Dung quất, có chú thích hẳn hoi, nếu không người ta tưởng đang đứng trên sân bóng đá V-league vì vắng quá.
 
Đến thị xã Quảng ngãi, khoảng 12h, anh em kêu đói nhặng xị. Tuy nhiên, đi thăm những chỗ linh thiêng phải đói bụng, chúng tôi quyết định rẽ vào Mỹ lai. Những bức ảnh của Ronald L Haeberle về vụ thảm sát Mỹ lai đã thực sự gây sốc và làm chúng tôi hiểu rõ hơn thế nào là sự man rợ của chiến tranh. Thăm quan xong cả bọn vẫn còn bàng hoàng, không còn bụng dạ nào để ăn trưa, thẳng tiến đến tận Sa huỳnh. Mặc dù đây là địa danh hết sức nổi tiếng với những bãi biển đẹp như mơ và nền văn hóa lâu đời đã có từ trước công nguyên, tất cả chúng tôi đều chỉ tập trung vào mấy món cá, được TuấnPM lựa chọn kỹ lưỡng, không hổ danh là sinh ra và lớn lên ở Nha trang.
 
Đánh chén xong, đến gần Quy Nhơn đã nhập nhoạng tối. Anh Râu căng mắt xung quanh tìm dấu vết của thành cổ Đồ bàn, nổi tiếng qua những câu thơ của thi sĩ họ Chế
 
Thành Đồ bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê…
(Điêu Tàn-Chế lan Viên)
 
Đồ bàn là kinh đô của Champa. Tại đây đã diễn ra trận chiến cuối cùng của vua quan Champa chống lại quân Đại Việt do Lê Thánh Tông chỉ huy năm 1471. Trong trận đó hơn 60,000 hoàng thân quốc thích Champa bị giết sạch sành sanh và nhà nước Champa không bao giờ gượng lại được nữa (ai bảo Việt nam chỉ yêu hòa bình?).
 
Đi loăng quăng một hồi chẳng thấy bất cứ một dấu vết gì, bèn dừng lại hỏi, được thổ dân chỉ ngay vào ngọn đồi đang đứng. Lúc đó chúng tôi mới thấy mình đang đứng dưới chân một ngọn tháp Chàm đổ nát thật. Đó là tháp Cánh Tiên.
 
Đồ Bàn miền Trung đường về đây…
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm…khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp !
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga…
Người xưa đâu ?
(Hận Đồ bàn – sáng tác Xuân Tiên)
 
Xe đến Quy Nhơn, thấy có cả phái đoàn ra đón theo sự chỉ đạo từ xa của a Râu. Đúng là phong cách lãnh đạo! Ăn xong, tôi dẫn cả bọn rẽ ngang rẽ ngửa một hồi, đến đúng hàng massage. Cả bọn phục lắm. Chẳng ai ngờ là trong Lonely Planet đã miêu tả kỹ lưỡng các điểm ăn chơi của thành phố này. Trước kia Quy Nhơn vốn là căn cứ của lính Mỹ!
 
Chuyện hay nhất của ngày hôm sau chúng tôi học được ở bảo tàng Tây sơn, cách Quy nhơn chừng 30km trên đường số 7. Hóa ra là Nguyễn Huệ, cũng như mấy ông anh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ chẳng phải nông dân áo vải gì cả mà là nguồn gốc hộ Hồ (cùng Hồ Xuân Hương) chuyển vào khu vực này buôn trầm. Nguyễn Nhạc khởi xướng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trước mắt vì mục tiêu kinh tế, bảo đảm cho việc kinh doanh ở khu vực được thuận lợi, bởi thế mới chỉ lấy tên là Bình định vương. Chỉ có người em tài ba mới ôm tham vọng chính trị bá chủ đất nước. Và đấy cũng là nguyên nhân chính của sự bất hòa giữa hai anh em. Lịch sử đã chứng minh Nguyễn Huệ đúng là một thiên tài quân sự, còn bản lĩnh chính trị của ông thực sự còn nhiều điều phải bàn. Bằng chứng là chỉ sau khi ông mất 6 năm, Nguyễn Ánh đã dễ dàng lấy lại được cơ đồ.
 
Thẳng tiến Nha Trang, chúng tôi qua những cánh đồng lúa mơn mởn của Phú Yên, quanh co theo vịnh Vân Phong đẹp mê hồn, nhảy xuống chụp ảnh tại Vũng Rô, điểm tập kết của các đoàn tàu không số chở vũ khí vào nam, đến ăn trưa trên bãi biển Đại lãnh. Sau khi đón Tùng và Phương, xe tiếp tục men theo bờ biển Ninh thuận, Bình Thuận.
 
Sợ nhất là lúc ăn tối ở Cà Ná, trời tối đen, biển gầm sóng, mà anh Râu cứ nhất quyết bơi ra bằng được để bẻ san hô. Cả bọn nín thở thót tim mặc dù biết anh là một tay bơi cừ khôi. Cuối cùng thì anh cũng ngoi lên, tay cầm một nhánh san hô đỏ, miệng cười rạng rỡ. Đúng là Hùng Râu!
 
Khoảng 11h đêm chúng tôi mới check in được vào khách sạn ở Mũi Né. Chưa ai muốn ngủ ngay, mà tập trung tại bể bơi, vừa nhấm nháp ly rượu, vừa ôn lại những kỷ niệm của 2 ngày qua với anh em từ HCM ra. (Có Quốc Hùng, anh Châu).
 
Khác với lần trước, ME lần này có họp, tôi chém gió 4 kịch bản cho năm 2008. Tôi nhớ anh Châu nghe xong bảo, thế này thì ổn rồi, cứ tưởng là bọn em sắp chết:-)
 
Kế hoạch kinh doanh năm đó là 1.9m.
 
Tối đấy được ăn sashimi tôm hùm, đối với rất nhiều người, đó cũng là lần đầu tiên được ăn tôm hùm.
 
Ảnh: slide chém gió còn giữ được. May mà ko thành rùa bể mai.
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại