Management hay Escape? | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Management hay Escape?

Góc Nguyễn Thành Nam 20/09/2021

Management Escape nói chung đi chơi (Escape) là chính. Nên hỏi năm nào, mọi người chỉ nhớ đi đâu, chứ không ai nhớ là bàn chuyên gì. Nhưng thỉnh thoảng cũng có chiến lược. Lần đó là hè năm 2004, chúng tôi đi Đà lạt theo đường Trường Sơn phía Nam, thăm Tây Nguyên.

Lần này tướng lĩnh đã có vẻ đông hơn. Có HoanQL trưởng nhóm JCT, HoànNK mới được bổ làm KTT, LongNT vice GL G5, CuongDD Vice GL G1 là tham dự lần đầu. Kỷ niệm 5 năm thành lập Fsoft, chúng tôi mời một số bạn bè đi cùng, cuối cùng chỉ có Hưng đỉnh nhận lời. Rủ thêm em HongDTT (lúc đó đang là thư kí cho G8) làm chân chạy.
 
Sau năm 2003, có vẻ tin chắc là sẽ không chết, nên thuê hẳn tour guide của Vietravel. Chú guide ra đón gặp bọn tôi mặt buồn lơ: thế này thì chết em rồi, cứ tưởng khách quốc tế. Quốc tế thì khác đ gì, yên tâm đi, bọn anh sẽ trả đầy đủ. Không, anh hiểu nhầm em rồi, dẫn khách quốc tế nhàn hơn nhiều, gặp con trâu thì chỉ cho bọn nó bảo đây là con trâu, gặp bụi tre thì bảo đây là bụi tre… chứ còn dẫn bọn anh thì biết nói gì bây h. Em là dân văn khoa Huế, ngoại ngữ tít, nhưng đã đi Tây Nguyên đâu bao h đâu! Sau này mới thấy chú này đúng là đếch biết gì thật. Ngoài việc dạy cho chúng tôi một bài hát rất hay của chế độ trước: “toàn dân biết ơn Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muốn nằm, Ngô Tổng thống muốn nằm”, thường phải hát trước khi xem phim trong rạp thời Ngô Đình Diệm.
 
Cả bọn bay đến Huế, rồi chạy ra Quảng Trị đón Hùng Râu đang về quê. Ăn trưa xong, chúng tôi nhằm hướng tây thẳng tiến Trường sơn. Quốc lộ 49 ngoằn ngoèo bám theo dòng sông Hương, chạy qua những khu lăng mộ hoành tráng của Gia long và Minh mạng, hai vị vua đã có công lớn trong việc thống nhất và mở mang bờ cõi Việt nam đầu thế kỷ 19 (nghe đâu là Việt nam thời Minh mạng có diện tích lớn nhất từ xưa đến tận hôm nay), đâm lên dãy Trường sơn hùng vĩ.
Khoảng 4h chiều, chúng tôi đã chạm chân vào đường Trường sơn huyền thoại ở phía nam thị trấn A Lưới thuộc thung lũng A Sầu, nơi đã từng nổi tiếng với những trận chiến đẫm máu để giành giật quyền kiểm soát đường Trường sơn, trong đó trận đánh chiếm đồi “Humberger Hill” tháng Năm/1969 được giới sử gia quân sự coi như bước ngoặt của cuộc chiến. Thung lũng bây giờ khá yên tĩnh, một cửa khẩu nhỏ sang Lào với lá quốc kỳ tung bay như hứa hẹn một tương lai mới. Nhưng ít ai biết rằng rất nhiều nơi trong thung lũng này, nồng độ dioxin trong đất, nước và môi trường còn vượt hơn 500 lần mức độ cho phép.
 
Chưa kịp thở hít khoan khoái cho đã rừng núi Trường Sơn, thì xe vấp ngay phải một bãi đất lở khổng lồ. Tiến lui, chừng 30’, trời đã tối om, bác tài nằng nặc đòi quay về. Đành chịu. Tôi quyết định về thẳng Đà nẵng, sáng mai kiếm đường khác. Tâm trạng chán nản, rừng núi trở nên âm u, ma quái. Chú guide Viettravel lo sốt vó, làm sao phải kiếm chỗ ngủ cho gần 20 mạng bất ngờ thế này. Đợi cho chú thực sự vã mồ hôi hột, mới thấy LiênBH điềm nhiên rút điện thoại di động ra lệnh: “anh X, lo cho bọn em chỗ ăn ngủ cẩn thận nhé, T64 hả, sát bờ biển? cũng được, thế thế…” Rồi phẩy tay bảo chú kia không phải lo nữa. Đúng là phong cách đại tỷ. Hơn 9h đêm mới về đến Đà nẵng, chúng tôi được anh X đón tiếp hết sức chu đáo. Sau một trận đánh chén tưng bừng trên một quán ven biển, anh em quên hết Trường sơn. Cần gì phải đi đâu nữa, ở đây cũng tốt chán.
 
Không được, Escape mà. Sáng sớm hôm sau, cả bọn lại lên đường, xuôi quốc lộ 1A rồi theo quốc lộ 4E bắt lên đường Trường Sơn ở ngã ba Làng Hồi, gần Khâm đức. Để tránh khoảng 1 km đất lở, chúng tôi đã phải đi vòng gần 300km để bắt vào với Tây Nguyên.
 
“Trên đất nước ta bây giờ tìm đâu ra được một người không từng nghe nói đến cây kơnia, không biết cây kơnia, dẫu chưa từng tận mắt nhìn thấy nó. Có lẽ nói thế này cũng không sai, không quá: mỗi người Việt Nam hôm nay đều có một cây kơnia “của mình”. Rất chung của đất nước và rất riêng của từng tâm tư…” – Nguyên Ngọc.
 
Bài hát “Bóng cây Kơ nia” là tuyệt tác tâm đắc của Hưng đỉnh, nên ngay từ ngày đầu chúng tôi đã hỏi rất nhiều người, nhưng chẳng ai biết có thể tìm được cây Kơnia ở đâu cả. Tôi với Hưng đỉnh ngồi tưởng tượng ra rằng, cây Kơnia nhất định phải to lớn sừng sững, đơn độc như cây đa trong làng. Đạt thì thêm thông tin là cây này rễ nó luôn hướng về phía Bắc, rất dễ nhận. Chúng tôi thống nhất, trên đường đi nếu thấy cây nào như vậy, ta sẽ cứ coi nó là cây Kơnia, nhảy xuống chụp ảnh không cần phải hỏi nữa. Vậy mà như trêu ngươi chúng tôi, suốt chặng đường từ Khâm đức đến Pleiku, theo dòng Pôkô “nước chảy xiết tháng ngày”, thăm ngã ba Đông Dương, một tiếng gà gáy chung cả 3 nước, qua Đắc tô – Tân cảnh còn đượm mùi khói súng, rừng núi trập trùng mà tuyệt không thấy bóng một cây nào đơn độc.
 
Câu đầu tiên QuỳnhND hỏi nhân viên khi xuống KS Pleiku là chỉ hộ cây Kơnia và Xànu. Xànu thì là một cây thông rậm rạp mọc ngay bên cạnh cổng KS. Cây Kơnia thì được giới thiêụ là một cây ở tận bên kia đường. Chúng tôi thấy không tin lắm vì cây này trông rất nhỏ bé và chẳng có vẻ gì hoành tráng cả. Bèn tiến đến gần tìm hiểu thêm, thì ra đích thị là một cây hoa sữa. Có lẽ nhân viên khách sạn không biết chúng tôi đến từ Hà Nội!
 
Hơi thất vọng, nhưng bữa nhậu rùa đen ngon tuyệt sau đó làm mọi người quên sạch. Con đường 20 nối Pleiku và Banmêthuột bạt ngàn thông, cafe, cao su và hoa dại. Những nhánh đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo đến những chân núi xa xa. Ai cũng ngây ngất trước sự trù phù mà hùng vĩ của cao nguyên.
 
Có lẽ để hưởng lộc trời này mà CảnhBT nảy ra ý bỏ xe ô-tô xuống thuê một chiếc xe máy. Và hai chúng tôi vi vu. Đây rồi, một cây to hùng vĩ đứng bên đường, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ có Kơnia mà thôi. Chụp ảnh ngay. Thật không may, dưới gốc cây lại có một căn nhà nhỏ của một thiếu phụ dân tộc, ngứa mồm tôi hỏi lại xem đây có phải là kơnia không. Hoá ra là cây Kơdar. Thiếu phụ cũng chẳng thiện cảm lắm với đồng bào Kinh, nên không buồn trả lời câu hỏi của tôi vậy thì tóm lại Kơnia ở đâu. Gần đến Banmêthuột, lại thấy một cây cao hoành tráng, tuy nhiên dáng có vẻ thon thả. Mặc kệ, theo đúng quy trình chúng tôi cứ chụp ảnh cái đã. Đáng tiếc là dưới gốc cây cũng có một cái quán, đành phải tiến lại hỏi. Té ra là cây bông gòn, ngoài Bắc gọi là cây gạo. Nhưng lần này chúng tôi gặp may, chị chủ quán cho biết là ở Banmêthuột vẫn còn hai ba cây Kơnia. Để cho chắc ăn, chị hỏi lại ngay cô em gái, ca sĩ của đoàn ca nhạc Đắc lắc, chuyên trị hát bài Bóng cây Kơnia. Cô này bĩu môi chê chúng tôi “vẽ chuyện” nhưng cũng xác nhận mấy cây mà chị gái nhắc đến đúng là cây Kơnia. Chị chủ quán liền phái ngay anh chồng chở tôi đi, còn dặn đi dặn lại là phải hỏi kỹ ông từ ở đó cho chính xác, khỏi lẫn với cây khác.
 
Cây Kơnia mà tôi tìm thấy đứng đơn độc, trong một nghĩa địa bị bỏ hoang ở cuối đường Phan Bội Châu thành phố Banmêthuột. Đúng như chúng tôi đã hình dung về nó, một thân cây vạm vỡ, bóng lá hoành tráng, rễ lồi sang một bên, nhưng không biết có phải là phương Bắc không. Mấy em bé hay vun cỏ ở nghĩa địa đã dẫn tôi đến tận nơi, trèo lên hái cho tôi một cành có những quả xanh nhỏ như quả táo. Các em kể rằng, ở đây có 3 cây, nhưng một cây đã bị sét đánh chết. Cây còn lại còn đang nhỏ, nhưng dáng đứng cũng đã rất hiên ngang.
 
Thế là tôi đã chạm được vào cây Kơnia của tôi. Thẳng thắn mà nói, trước đó chúng tôi cũng đã có lúc nghĩ là nhà thơ Ngọc Anh đã “bịa” ra nó. Ngàn lần xin lỗi vong linh ông. Chỉ tiếc là bức ảnh chụp Hưng đỉnh đứng dưới gốc cây cao giọng hát “Buổi, buổi, buổi, buổi…. sáng em làm rẫy…” sẽ chẳng bao giờ được chụp vì đã không kịp rủ anh đi cùng!
 
Chiều ngày thứ 3, chúng tôi đến Đà lạt, hội quân với TuanPM, CoiT, SonHT lúc đó đã đại diện cho FSHCM. Lần này họp thật. Quán Net dưới chân khách sạn Golf3 trở thành văn phòng Fsoft vì anh chị em lo in ấn, làm tài liệu, check mail. Lần đầu tiên, chúng tôi dám mơ tương lai, dự đoán năm 2008 mình sẽ ra sao. Cân nhắc chán, cuối cùng đặt mục tiêu là cuối năm 2008 sẽ có doanh số 20m và 1500 lập trình viên. Quá hoành tráng vì kế hoạch doanh số năm đó là 4m.
 
Xong phần chiến lược, sang việc thực thi. Gay cấn nhất là vấn đề văn phòng Nhật bản. Trước đó chúng tôi vẫn tin là đi mở cõi mới phải là lãnh đạo có kinh nghiệm nên giao PhuongNL tạm phụ trách. Nhưng Phương không thể fulltime lại không biết tiếng Nhật nên khó setup và bán hàng. Cần phải có người 150% thời gian ở Nhật. Đang lúc bí thì bỗng thấy HoànQL (lúc đó là Comtor mới vào Fsoft được hơn 2 năm, vừa nghỉ sinh xong) đứng dậy nhỏ nhẹ: con em còn nhỏ, nhưng nếu các anh tin thì để em đi cho!
 
Có thể coi lịch sử chính thức của Fsoft Japan bắt đầu từ chuyến ME này. Cũng bõ công cho cả đoàn vượt hàng ngìn km đến thành phố hoa Đà Lạt.
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại