Mentor FUNiX chia sẻ về trải nghiệm và làm việc IT tại Mỹ
Mentor Đinh Công Bằng – hiện đang làm việc cho chính phủ Mỹ trong lĩnh vực hình sự – chia sẻ về trải nghiệm của một người nhập cư sống và làm việc trong ngành CNTT tại Mỹ.
Table of Contents
- Mentor FUNiX và hành trình tìm “Giấc mơ Mỹ”
- Mentor FUNiX tư vấn về cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt
- Du học CNTT sau đại học tại Mỹ: cần tiếng anh tốt và kinh nghiệm làm khoa học
Xin anh chia sẻ về hành trình đến Mỹ của mình.
Tôi sang Mỹ theo diện lao động chuyên gia, theo visa H-1B. Lúc đó, vào năm 2000, tôi đã có bằng cao học, và đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp cho các hãng phần mềm của Mỹ (Oracle và Wang Global) và các dự án của công ty Mỹ (Unisys). Sau khi sang Mỹ vài năm tôi bắt đầu vào học chương trình tiến sĩ về khoa học thông tin ở trường Florida State University. Việc học tập và nghiên cứu ở Mỹ thực ra là một thử thách cá nhân tự bản thân đặt ra chứ không phải do nhu cầu công tác hay phát triển chuyên môn.
Tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài từ năm 1998, sau khi nhận bằng cao học. Mặc dù bằng cao học của tôi từ trường RMIT của Úc, nhưng đó là bằng học từ xa, nên toàn bộ thời gian 2 năm cao học tôi vẫn ở Hà Nội. Vì đã từng học đại học ở Việt Nam, học đại học từ xa từ một trường của Úc, học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, kinh nghiệm làm việc cho các hãng Mỹ ở Việt Nam, kinh nghiệm kiếm việc ở Mỹ, kinh nghiệm làm việc và xin định cư bằng lao động chuyên gia ở Mỹ, nên tôi có một bề dày kinh nghiệm khá đặc biệt, “không giống ai” so với nhiều người. Tôi đã dùng những kinh nghiệm riêng này của mình để hỗ trợ cộng đồng trong những lĩnh vực liên quan.
Được biết anh đang làm e-government trên các hệ thống tin học toàn án hình sự và cảnh sát cho chính quyền bang Floria. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc này không? Công việc hàng ngày của anh là gì?
Từ ngày sang Mỹ năm 2000, sau 2 năm làm tư vấn tại nhiều công ty khác nhau, trong đó phần nhiều là các công ty thuộc Fortune 500 (Cummins, Cisco, Vodafone) , tôi quyết định làm việc cho chính phủ Florida trong ĩnh vực hình sự. Ngoài những chủ đề về công nghệ và hệ thống, kinh nghiệm làm việc trong chính phủ Mỹ và đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự cho tôi một cơ hội trực tiếp để hiểu nhiều vấn đề của XH Mỹ từ trong ra ngoài. Trong những năm đầu, vai trò của tôi là thiết kế, phát triển, tích hợp và chuyển dịch toàn bộ những hệ thống thông tin cũ trên các máy chủ mainframe của IBM sang các hệ thống mới trên nền tảng Unix, Linux, và Windows. Trong thời gian sau, vai trò của tôi là phát triển và mở rộng phạm vi nghiệp vụ của các hệ thống phần mềm.
Hiện tại, tôi có một vai trò khá rộng và sâu trong rất nhiều hệ thống thuộc phạm vi tin học hình sự ở thủ phủ Tallahassee của Florida, tiểu bang lớn thứ ba về dân số trong 50 tiểu bang Hoa kỳ. Ví dụ, hiện tại tôi đang tham gia vào một dự án tầm liên bang, trong đó các cơ quan trong hệ thống hình sự chia sẻ dữ liệu theo một chuẩn XML chung về phạm nhân, các vụ án, quá trình xét xử, án tù, nhân chứng, nạn nhân… Về mặt nghiệp vụ, công việc hàng ngày của tôi liên quan trực tiếp đến hoạt động điều tra hình sự, lệnh bắt, bắt giữ, giam giữ, xét xử, thả tù nhân, cải tạo không giam giữ phạm nhân…
Về mặt công nghệ, tôi chủ yếu vẫn làm những công nghệ mà tôi quen thuộc như Oracle database, PL/SQL, Java, C#, Restful, XML. Vì vai trò của tôi khá rộng và sâu về kỹ thuật, nên bất kể công việc gì nếu đồng nghiệp không giải quyết được đều đến tay mình: từ những vấn đề về local và public clouds, hệ điều hành, mạng, đến cơ sở dữ liệu, các modules viết bằng Java, C#, VbScript, PL/SQL… Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội làm việc về machine learning.
Là người nhập cư châu Á ở Mỹ, anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Nói chung tôi khá thuận lợi về nhiều mặt. Về công việc và chuyên môn tôi có rất nhiều lựa chọn. Tôi có thể làm việc ở những thành phố lớn náo nhiệt như New York, San Francisco, Seattles… hoặc có thể đến những nơi thanh bình và gần với thiên nhiên. Tôi cũng có thể chọn làm việc tư vấn nay đây mai đó trên các dự án khác nhau, ở những ngành công nghiệp khác nhau, ở những địa điểm khác nhau. Hoặc, tôi có thể chọn làm việc trong những hãng công nghệ lớn, hay làm việc ở những cơ quan chính phủ nơi công nghệ không phải là thứ quan trọng nhất. Lý do chính tôi có nhiều sự lựa chọn như vậy là mình luôn làm những công nghệ “hot”, và nói chung ngành IT luôn có nhiều lựa chọn hơn các ngành nghề khác.
Sự thực là, vì là người Á nhập cư nên chúng ta có lợi thế hơn khi phỏng vấn các việc làm về công nghệ so với người da trắng và da đen. Đại loại là họ cho mình cái easy pass hơn. Cũng giống y hệt như tình trạng Việt Nam (trước đây), cứ chuyên gia da trắng được cử sang Việt Nam làm việc thì mọi người “sính” hơn. Vì người châu Á đang chiếm thế áp đảo trong các ngành công nghệ, nên việc mình là người Á có lợi khi phỏng vấn công việc là công nghệ. Với những phạm vi khác ngoài chuyên môn, tôi chỉ có thuận lợi khi đã tìm hiểu kỹ càng, nắm bắt được những cơ hội và thách thức cụ thể tại địa phương, từ đó mình thiết kế được chiến lược và kế hoạch hợp lý. Ở Mỹ mọi thứ đều rất khác so với Việt Nam, cơ hội rất nhiều và thách thức cũng rất nhiều trong mọi vấn đề.
Vấn đề phân biệt chủng tộc trở là một trong những vấn đề rất nổi cộm tại Mỹ. Anh đã gặp phải vấn đề này trong cuộc sống và công việc của mình không?
Tôi sống ở vùng Deep South, (từng) được coi là “thủ phủ” của nạn phân biệt chủng tộc. Thành phố nơi tôi đang sống là địa điểm cuối cùng trên toàn nước Mỹ mà cảnh sát có thể bắt và bỏ tù người da đen nếu ngồi sai chỗ dành riêng cho người da trắng trên xe bus.
Nhưng những điều đó đã kết thúc từ hơn 60 năm trước. Chúng tôi không thực sự thấy sự phân biệt đối xử nào từ phía hệ thống. Hai vợ chồng tôi được chính phủ Mỹ tuyển vào làm nhân viên biên chế khi còn chưa có thẻ định cư. Chính phủ Mỹ bảo lãnh visa lao động người nước ngoài cho cả hai vợ chồng tôi. Hiện nay, tôi đang làm một vị trí senior tech trong một cơ quan chính phủ Mỹ, vợ tôi đang làm quản lý HR cũng trong chính phủ Mỹ.
Còn sự phân biệt đối xử đôi khi có thể xảy ra, ví dụ có người Việt sang đây từ lâu, cũng làm trong ngành tech có vẻ ghen tỵ với mình do mình sang đây với một hoàn cảnh hoàn toàn khác. Hoặc, người da đen có thể khá thân thiện và cởi mở với nhau, mặc dù chưa quen biết gì, nhưng khá lạnh nhạt với mình. Một đồng nghiệp da trắng kể rằng một số cảnh sát trong thời gian đầu làm việc với các chuyên gia IT nhập cư từ Ấn Độ trong cùng team của tôi đã gọi nhầm họ sau lưng là “mọi đen sa mạc”, một cụm từ xúc phạm chỉ về những người Ả rập. Đó là những giao tiếp đầu tiên của những cảnh sát đó với người Ấn độ khi các chuyên gia IT gốc Ấn đến làm việc ở vùng Deep South.
Anh đã làm thế nào để hòa nhập với cuộc sống tại Mỹ?
Để sống thoải mái ở Mỹ, người nhập cư nên “tư duy vượt giới hạn” (thinking out of the box) vì những nề nếp và giá trị của mình ở quê hương không còn (mấy) tác dụng. Người nhập cư cũng nên tích cực tham gia vào các hoạt động của người bản xứ ở địa phương để vừa tăng cường hiểu biết và vừa tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Những điều này tôi đã xác định từ đầu, nên thành ra không gặp quá nhiều khó khăn khi tới và sống ở Mỹ. Đôi khi có thể chúng tôi là làm việc này hơi quá đà. Ví dụ, trong khoảng 5 năm, khi các con bắt đầu đi học, gia đình tôi hoàn toàn không dùng tiếng Việt trong nhà để hai đứa trẻ (sinh ra ở Việt Nam) không phải dùng tiếng Việt để giao tiếp với cha mẹ, với mục đích là để các con nói giọng Mỹ chuẩn 100%. Từ cấp 2 trở đi chúng tôi mới cho các con học lại tiếng Việt.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng cơ hội của tôi, và những người Á nhập cư như tôi, ở Mỹ mặc dù rất lớn nhưng không thể hoàn toàn mở so với chính tôi nếu vẫn sinh sống ở Việt Nam. Nếu ở Việt Nam, tôi sẽ nằm ở trong nhóm có lợi thế: nam giới, dân tộc Kinh, sinh trưởng ở thủ đô Hà Nội, có bằng cấp và kinh nghiệm, quan hệ xã hội rộng, khả năng giao tiếp và ngôn ngữ “trên chuẩn”v.v… Mọi cơ hội ở Việt Nam đều mở đối với những người có hồ sơ như vậy, đạt được đến đâu phụ thuộc vào năng lực, nỗ lực, và may mắn. Tuy nhiên, khi sang Mỹ, tất cả những lợi thế đó lập tức bốc hơi gần như hoàn toàn. Không những thế, rất nhiều cánh cửa gần như là đóng, hoặc rất chật hẹp, đối với người Á. Ví dụ, tôi hay hỏi các bạn trẻ gốc Á “có bao nhiêu văn phòng luật sư là người Á ở nơi bạn sống?”. Câu trả lời thường là “không” hoặc, “toàn các luật sư làm về giấy tờ di trú hoặc những việc lặt vặt của cộng đồng nhập cư”. Trong xã hội nào cũng vậy, nhóm lợi thế thường nắm lấy một số lĩnh vực “màu mỡ” mà các cộng đồng khác rất khó xâm nhập. Vì thế, mỗi khi có cơ hội tư vấn về định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ Việt Nam ở Mỹ, tôi nhắc các bạn nên có những lựa chọn hợp lý. Ngoại trừ bạn là một cá nhân rất đặc biệt, nên tìm đến những vùng mà mình có thể nhìn thấy kết quả dễ dàng hơn cho bản thân.
Vân Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0
)