Công nhân, người lao động chuyển đổi số để có cơ hội… đổi đời
Xuất phát từ tình hình thực tế nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) mất việc do dịch COVID-19, FUNiX đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ triển khai dự án chuyển đổi số (CĐS), đào tạo CNTT, giúp NLĐ thay đổi cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và… đổi đời.
Nhận thức được ý nghĩa xã hội to lớn trong việc góp phần giải quyết việc làm, trao cơ hội chuyển đổi số cho người lao động cũng như xây dựng nguồn nhân lực số quốc gia, Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX xác định mục tiêu dài hạn trong triển khai dự án đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho NLĐ đang thất nghiệp hoặc có mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp.
PV Tạp chí TT&TT (thuộc Bộ TT&TT) đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm cung ứng nguồn lực số đại diện FUNiX, về chương trình “Cơ hội mới”, hướng tới chuyển đổi số cho người lao động, công nhân Việt Nam.
PV: Được biết, chương trình Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở châu Á của USAID (US-SEGA) đã hợp tác cùng FUNiX trao học bổng lập trình tổng trị giá 50.000 USD trong chương trình “Cơ hội mới”, hướng tới CĐS cho NLĐ, công nhân Việt Nam. Xin ông cho biết cụ thể hơn về chương trình này, NLĐ, công nhân Việt Nam làm thế nào để có thể theo học?
Ông Hoàng Việt Thắng: Mục đích ban đầu của chúng tôi là giải bài toán làm thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT đang khan hiếm hiện nay. Doanh nghiệp (DN) cần người làm và sẵn sàng tài trợ cho người học. Trong chương trình học bổng “Cơ hội mới” này, các bạn tham gia sẽ được DN tài trợ một phần hoặc toàn phần học phí. Học bổng cụ thể sẽ căn cứ vào hoàn cảnh, chương trình học, mục tiêu học tập của từng ứng viên…
FUNiX đã hợp tác với USAID để trao học bổng này cho đối tượng học viên là NLĐ đang thất nghiệp hoặc có mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp, với hy vọng giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng, kiến thức cho thanh niên, NLĐ… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhờ đó, cơ hội tham gia khóa học của các học viên sẽ lớn hơn. Các khóa đào tạo kéo dài 3-6 tháng, bao gồm chương trình Lập trình viên full-stack; Lập trình viên web, di động, java; Kiểm thử phần mềm… do FUNiX tổ chức.
Thực tế, dự án chuyển đổi số cho công nhân, NLĐ xuất phát từ tình trạng nhiều người bị mất việc do dịch COVID-19. Lúc đó, chúng tôi nhận thấy mình đang đào tạo cho những người trái ngành trái nghề chuyển đổi sang CNTT, nên đã manh nha ý tưởng có thể đào tạo được cho nhóm công nhân, NLĐ bị mất việc.
Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là khi đất nước đang vô cùng khó khăn vì dịch bệnh, nên chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện và quyết tâm làm bằng được. Rất may mắn khi dự án đã nhận được sự hợp tác của rất nhiều DN công nghệ đang là đối tác của FUNiX.
Đây là chương trình quy tụ các sáng kiến nhằm tạo cơ hội mới cho công nhân, NLĐ giúp họ tham gia sâu hơn vào các ngành nghề sử dụng kỹ năng số thông qua đào tạo lại (reskill) hoặc đào tạo nâng cao (upskill).
PV: Tuy nhiên, NLĐ, công nhân hầu như chưa có kiến thức gì về lập trình, về CNTT, thậm chí các kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông trung học cũng đã mai một nhiều sau thời gian đi làm. Vậy, làm sao họ có thể theo đuổi các chương trình học trên FUNiX?
Ông Hoàng Việt Thắng: Chương trình sẽ chia thành nhiều đối tượng và triển khai đa dạng. Trước đây, FUNiX đã xây dựng lộ trình học phù hợp dành cho những người làm trái ngành như xây dựng, kinh tế, ngân hàng,… có mong muốn chuyển đổi sang CNTT và thực tế đã có rất nhiều học viên chuyển đổi nghề CNTT thành công hơn mong đợi.
Với đối tượng công nhân, chương trình sẽ phải điều chỉnh nhiều hơn để phù hợp với năng lực của từng học viên. Có thể nhiều người cho rằng việc “chuyển ngang” như vậy rất khó, vì cần nhiều kiến thức nền tảng về CNTT và nhiều tư duy phức tạp khác nên không phải ai cũng học được.
Riêng tại FUNiX, quan niệm đó không còn quá quan trọng, vì FUNiX đang trang bị cho học viên nhiều công nghệ học tập mới của thế giới cũng như cộng đồng hỗ trợ tối ưu nhất cho người học như: Cung cấp tài khoản ChatGPT cao cấp nhất; trang bị ứng dụng lọc âm thanh AI; học liệu bao gồm nguồn MOOC do các trường đại học, chuyên gia uy tín trên thế giới giảng dạy kết hợp các dự án (project) thực hành chuyên sâu; hệ thống hỏi đáp Discord; quá trình học, học viên được hỗ trợ chuyên môn 1:1 bởi đội ngũ chuyên gia làm việc trong ngành Công nghiệp phần mềm (mentor) và cán bộ hỗ trợ học tập cá nhân (hannah),…
Tôi đơn cử như với ChatGPT đang là công cụ hỗ trợ học tập nhanh chóng, hiệu quả với học viên FUNiX, học viên có thể sử dụng ChatGPT để học cách đặt câu hỏi và công cụ sẽ trả lại kết quả, những thông tin cũng như kiến thức cần thiết. Với một nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy học tập như vậy tại FUNiX, tôi tin rằng bất cứ ai chỉ cần có ý chí và mục tiêu học tập rõ ràng thì đều có thể theo học được.
Ngoài ra, các bạn có thể áp dụng kiến thức CNTT vào chính công việc của mình để tăng thêm hiệu quả. Chẳng hạn, những người có kinh nghiệm về ngân hàng, xây dựng học thêm CNTT sẽ áp dụng vào công việc tốt hơn; hay trong lĩnh vực bất động sản, người học có thể tạo landing page, chạy quảng cáo Google Ads. Hoặc có nhiều bạn muốn xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương dựa vào công nghệ, sau khóa học về CNTT, các bạn có thể làm một trang thương mại điện tử, viết content (nội dung), làm truyền thông,… theo ý muốn của riêng mình.
Vì vậy, việc học là để áp dụng CNTT theo hướng CĐS trong công việc, nên hình thức, và cơ hội việc làm cũng đa dạng hơn rất nhiều.
PV: Ông có đề cập đến câu chuyện CĐS cho NLĐ, ông vui lòng chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, NLĐ có thể CĐS bằng cách nào và họ cần chuẩn bị gì để sẵn sàng cho CĐS trong công việc của mình?
Ông Hoàng Việt Thắng: Việt Nam đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, muốn thành công ắt sẽ cần rất nhiều nhân lực số. Như trên tôi đã nói, tiêu chí đầu vào của lực lượng nhân sự số không phải quá khó, ai thích học về CNTT đều có thể tham gia vào lực lượng lao động số này. Thực tế, tôi đánh giá CĐS đang lan tỏa, phủ rộng tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Với các chương trình đào tạo, NLĐ có thể ứng dụng CNTT để thay đổi cơ hội việc làm của họ. Để được như vậy, tư duy của NLĐ cũng cần thay đổi để đáp ứng đúng tinh thần CĐS nguồn nhân lực. Họ phải tiếp cận gần với thế giới Internet, với thiết bị di động, học kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tìm kiếm thông tin, đọc và sàng lọc, đánh giá thông tin, thậm chí là bảo mật an toàn thông tin để tránh bị virus hoặc lừa đảo trực tuyến.
CĐS muốn thành công thì mỗi người dân phải trở thành một công dân số. Khi có nền tảng về công nghệ thì mọi người có thể bắt đầu áp dụng từ ngay trong cuộc sống hàng ngày đến công việc để nâng cao hiệu quả, có cơ hội thay đổi, phát triển hơn trong sự nghiệp.
PV: Ông từng nói trong bối cảnh cách mạng 4.0, thị trường cần được bổ sung nhân lực từ các tổ chức đào tạo phi truyền thống. Vậy các tổ chức đào tạo phi truyền thống có sự khác biệt như thế nào so với đào tạo truyền thống?
Ông Hoàng Việt Thắng: Nhu cầu CĐS cũng như nguồn nhân lực số rất cao, vì thế nếu chỉ dựa vào hệ thống đào tạo truyền thống như các trường đại học, cao đẳng sẽ gặp nhiều hạn chế về những vấn đề như cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình học và thị trường việc làm sau khi ra trường. Thực tế, các trường truyền thống sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường nhân sự số. Vì vậy, các tổ chức đào tạo phi truyền thống sẽ tham gia đào tạo nguồn lực thiếu hụt này để cung cấp cho thị trường lao động.
Ngoài ra, các hướng đào tạo của tổ chức truyền thống và phi truyền thống cũng khác nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau. Ví dụ, hệ thống đào tạo truyền thống sẽ thiên về cung cấp kiến thức nền tảng với hệ thống nhiều môn đại cương và chuyên ngành, thời gian học kéo dài từ 3 – 4 năm. Chương trình đào tạo này có thể mang lại nhiều kiến thức về mặt lý thuyết, song nhiều khi lại thiếu về mặt thực hành và kinh nghiệm làm việc thực tế, vì vậy mới xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Còn các tổ chức đào tạo phi truyền thống sẽ giúp người học giải quyết vấn đề thực tế trong công việc, giống như việc đào tạo công nhân để làm việc trong một phân đoạn nào đó của dây chuyền sản xuất. Tại FUNiX, trong những chứng chỉ đầu, học viên sẽ học các môn cần kỹ năng, thực hành trước để có thể đáp ứng nhu cầu làm việc ngay tại DN. Hoặc trong quá trình làm việc tại DN, người lao động có thể vừa làm vừa học nâng cao những phần còn lại.
PV: Việc được đào tạo trong một tổ chức phi truyền thống có ảnh hưởng gì đến cơ hội xin việc của các học viên không, thưa ông?
Ông Hoàng Việt Thắng: Thực tế, từ tháng 11/2021, FUNiX đã cùng 113 DN công nghệ triển khai dự án “Chuyển đổi số công nhân”, tài trợ học bổng đào tạo lập trình. FUNiX đã cùng với các công ty, cộng đồng DN thống nhất một số điểm, như không quan trọng bằng cấp mà quan trọng người làm được việc.
Ngoài ra, DN sẽ tham gia vào quá trình định hướng việc làm, hỗ trợ thực tập để giúp những học viên không theo chương trình ĐH chính quy, vẫn có cơ hội được tiếp cận môi trường làm việc thực tế. Các tín chỉ và chứng chỉ của FUNiX đã được công nhận rộng rãi bởi các DN và trường ĐH ở trong và ngoài nước. Chính vì vậy, tôi tin rằng khi các bạn học thật, làm thật thì cơ hội việc làm mở ra là vô cùng lớn.
Hiện nay, FUNiX liên kết hợp tác với 4 trường ĐH: FPT, Trà Vinh, CityU (Mỹ), Deakin (Úc). Học viên có thể học chuyển tiếp lấy bằng ĐH ở 4 đơn vị này sau khi hoàn thành 5 chứng chỉ tại FUNiX.
Nếu học viên muốn học để đi làm ngay thì chương trình Kĩ thuật phần mềm (Software Engineering – SE) của FUNiX là một chương trình toàn diện, bám sát bộ tiêu chuẩn đầu ra hoàn chỉnh của một kỹ sư công nghệ phần mềm. Chương trình trang bị cho học viên các tầng kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, từ đại cương cơ sở ngành đến chuyên ngành, thực tập tại doanh nghiệp một cách bài bản, giúp học viên có lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi đi làm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tính đến ngày 15/7, chỉ sau nửa tháng công bố, Ban tổ chức đã nhận được 500 đăng ký, trong đó hơn 100 học viên đã nhận được học bổng từ chương trình “Cơ hội mới” do Tổ chức USAID hợp tác cùng FUNiX triển khai, hơn 100 trường hợp khác đang chờ xét duyệt. Chương trình hứa hẹn giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng, kiến thức cho thanh niên, người lao động… trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. NLĐ nói chung và công nhân nói riêng thông qua việc học hỏi các kỹ năng mới có thể phát triển bản thân, tận dụng những cơ hội mới đang có trên thị trường việc làm. Sau khóa học tại FUNiX, học viên được hỗ trợ tuyển dụng, nhận mức lương khởi điểm từ 8-12 triệu đồng mỗi tháng. Chương trình không phân biệt tuổi tác, vùng miền, giới tính…/. Tìm hiểu thêm về chương trình và đăng ký tham gia học bổng tại đây. |
Anh Minh (Theo Ictvietnam.vn)
Tin liên quan
- USAID hợp tác FUNiX tài trợ 50.000 USD học bổng lập trình, mở rộng chuyển đổi số cho người lao động
- Chàng công nhân trở thành lập trình viên sau khóa học online ở tuổi 24
- CEO FUNiX Lê Minh Đức: Bản chất giáo dục là tạo động lực cho người học
- CEO Udemy chia sẻ về “Cách các công ty ở Thung lũng Silicon vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái”
- FUNiX đưa học viên tham quan Trusting Nhật Bản, truyền động lực sớm gia nhập ngành IT
- FUNiX và UFIN Group ra mắt chương trình Web3 Job Fair Global
- Tutor FUNiX chia sẻ 5 cách để giữ lửa đam mê công nghệ thông tin (IT)
Bình luận (0
)