Khó khăn nhất của khởi nghiệp là tính trì hoãn của bản thân
Sáng 27/2, hơn 70 sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội đang theo học môn Khởi nghiệp tại FUNiX đã cùng tham gia buổi Webinar sôi nổi với chủ đề “Khởi nghiệp để làm gì” do FUNiX tổ chức. Diễn giả của chương trình - CEO Callio.vn Giang Thiên Phú đã có gần một giờ trò chuyện - trao đổi đầy thú vị với các bạn sinh viên về kinh nghiệm và hành trình khởi nghiệp của mình.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Ở tuổi 31, anh Giang Thiên Phú cho biết mình đã có 12 năm kinh nghiệm khởi nghiệp. Anh bắt đầu “startup” từ năm 19 tuổi với ý tưởng mở quán Internet và sau đó là cung cấp giải pháp lắp đặt quán Internet. Anh Phú sau đó đã trải qua rất nhiều công ty: từ Thương mại điện tử, bán lẻ, giáo dục trực tuyến, bán và cho thuê phần mềm…
“Khởi nghiệp là một cách sống, khi lựa chọn cuộc đời của một người khởi nghiệp, tôi đã trải qua một quá trình rất dài với nhiều biến động. Và hành trình đó đã thay đổi tôi rất nhiều” – anh Phú nói.
Anh cho biết, với cá tính luôn tìm kiếm cái mới mẻ, luôn muốn bước ra khỏi vùng an toàn, anh chọn Khởi nghiệp như một cách sống.
Bắt đầu nói về “Startup life” – Cuộc đời khởi nghiệp của mình bằng câu hỏi “Startup để làm gì”, anh Phú đã thu hút được nhiều ý kiến của người nghe như: Để làm chủ, để làm giàu, bắt đầu những cái mới… Còn theo anh Phú, có 3 lý do chính khiến anh lựa chọn khởi nghiệp. Đó là: (1)kiếm tiền là mục đích đầu tiên; (2) Làm chủ, có sự tự do tài chính, tự quyết trong công việc… Và (3)Thay đổi thế giới – góp phần làm nên những đổi thay trong thế giới từng ngày, từng giờ qua.
Nói về những Được và Mất của startup, anh Giang Thiên Phú có những phân tích khá chi tiết. Theo CEO Callio.vn, những được – mất luôn song hành cùng nhau bởi “mọi thứ đều có sự đánh đổi. Nếu bạn muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, sống theo đúng đam mê thì phải đánh đổi những thứ khác về sức khỏe, tinh thần, rèn luyện lối sống”.
Anh Giang Thiên Phú cho rằng, khi khởi nghiệp, bạn cần sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập thấp hơn khi đi làm thuê ở các công ty, chịu đựng cường độ, áp lực công việc kinh khủng đến từng phút bởi công ty khởi nghiệp thường phải đối mặt với rủi ro cao.
CEO 31 tuổi vui vẻ bật mí, trong quá trình khởi nghiệp, có nhiều giai đoạn rất khó khăn khiến anh muốn bỏ cuộc, thậm chí đã bỏ cuộc rồi nhưng lại có chuyện xảy ra khiến mình không bỏ được như: Công ty chuẩn bị giải thể bỗng gặp được khách hàng lớn, trả tiền ngay khiến anh em tiếp tục phải làm, phải hoạt động… Hay có thời điểm startup đổ bể, anh từng chuyển sang làm trưởng phòng tại một tập đoàn lớn với “môi trường quá tốt, lương cao” ngỡ sẽ gắn bó dài lâu thì lại được bạn bè “rủ” về mở công ty khiến anh tiếp tục “bay” ra ngoài để làm startup.
“Với tôi, startup không phải một mục tiêu, mà là một lựa chọn sống. Không cần phải đợi công ty của mình được 5- 10 năm có kết quả tôi mới vui vẻ, mà ngay hiện giờ, được thay đổi công ty hàng ngày, giúp đỡ anh em trong công ty phát triển, tạo ra sản phẩm cho khách hàng… đã khiến tôi cảm thấy hạnh phúc” – anh Phú khẳng định.
Hàng chục câu hỏi đã được các sinh viên ĐH Quốc Gia đặt cho anh Giang Thiên Phú. Với câu hỏi của bạn Huyền Trang: “Nếu ý tưởng kinh doanh khả thi thì phải làm gì để có thể bảo vệ được ý tưởng đó và làm thế nào để đưa ra quyết định phù hợp với việc startup?”, anh Phú cho rằng “bảo vệ” ý tưởng kinh doanh trước một nhà đầu tư hay một đại gia… không nhiều ý nghĩa. Công ty sống được là nhờ khách hàng, cho nên người cuối cùng mà ta cần bảo vệ ý tưởng chính là khách hàng và là bản thân mình. Khi startup anh thường chọn làm ngay khi có ý tưởng.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra công ty của mình với chi phí thắt lưng buộc bụng, thậm chí gần bằng 0 mà vẫn ra được sản phẩm” – anh khuyên.
Có sinh viên thắc mắc “Kinh nghiệm – Kiến thức cái nào quan trọng hơn khi khởi nghiệp?”, anh Phú cho rằng, cả 2 đều không phải nhân tố quan trọng hàng đầu.
“Học thì có kiến thức, làm sẽ có kinh nghiệm. Phải hành động chúng ta mới có thể theo đuổi được ý tưởng lâu dài” – anh nói.
Theo anh Giang Thiên Phú, khó khăn lớn nhất khi mới bắt tay vào khởi nghiệp chính là vượt qua tính trì hoãn, chây ì của bản thân. Còn trong khởi nghiệp, bạn không cần phải lúc nào cũng “hăng hái, quyết liệt”. Sau thất bại vì khởi nghiệp, không phải lúc nào ta cũng có thể vực dậy ngay tinh thần. Cho phép mình tạm dừng, đi học, đi làm, chờ đợi mọi chuyện ổn thỏa và “máu” khởi nghiệp trỗi dậy, ta sẽ tự bắt tay vào một hành trình mới.
Quỳnh Anh – Vân Nguyễn
Bình luận (0
)