Sinh viên kiếm việc làm công nghệ từ Cuộc đua số
- Trẻ em học lập trình để trang bị kỹ năng cần thiết cho tương lai
- 4 bí kíp của dân trong ngành giúp người mới học lập trình không khó
- Độ tuổi thích hợp nhất để trẻ học lập trình là bao nhiêu?
- Trẻ mới bắt đầu học lập trình cần lưu ý những gì để phát triển tài năng?
- Các học bổng, khóa học lập trình gây sốt của FUNiX trong năm 2021
VnExpress – Bên cạnh việc thử sức trong cuộc chơi lập trình xe tự hành mô phỏng, sinh viên còn có cơ hội làm nghề Automotive tại các doanh nghiệp lớn.
Tập đoàn FPT và Đài truyền hình Việt Nam vừa phát động Cuộc đua số – cuộc thi lập trình xe tự hành dành cho sinh viên cả nước mùa 3 (2018-2019). Theo bà Đặng Ánh Tuyết – Phó ban tổ chức chương trình Cuộc đua số, đây là sân chơi giúp sinh viên Việt Nam làm quen và trải nghiệm với công nghệ mới trong lĩnh vực lập trình xe tự hành, làm quen với môi trường công nghệ toàn cầu.
Bà Tuyết cho biết mùa thi 2018-2019 có thêm nhiều yếu tố hấp dẫn. Đề bài được nâng cao hơn với nhiều yêu cầu lập trình có độ khó cao. Vòng chung kết cũng mở rộng quy mô với sự tham gia của các đội thi từ châu Á, tạo cơ hội để sinh viên Việt Nam cọ xát với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, tính thực tế và cơ hội nghề nghiệp rõ ràng cũng là yếu tố hấp dẫn của cuộc thi năm nay. Chia sẻ trong buổi giới thiệu về chương trình Cuộc đua số tại Đại học FPT sáng 1/11, ông Nguyễn Thành Nam – Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Nhà sáng lập FUNiX nhận định, một cuộc thi trí tuệ thành công bên cạnh tổ chức thi cần gắn với hướng nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, đến với cuộc thi, sinh viên không chỉ được “chơi cho vui”, mà cần học những kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp thật, học để trở thành chuyên gia, tìm cơ hội việc làm công nghệ cao.
Với tiêu chí này, ngoài những phần thưởng như tiền mặt và chuyến thực tế tại Nhật Bản hoặc Mỹ, sinh viên tham dự còn có cơ hội nhận 24 suất học bổng khóa lập trình C++ của FUNiX. Đây là khóa học theo đặt hàng của doanh nghiệp, mở ra cơ hội làm việc tại các dự án Automotive ở công ty lớn.
Chia sẻ về lý do FUNiX đồng hành cùng Cuộc đua số, ông Phan Trường Lâm, Trưởng ban Đào tạo Đại học FPT Hà Nội, Quản trị Dự án đào tạo nguồn nhân lực phát triển phần mềm trên ô tô của FUNiX cho biết, kiến thức về C++ là kiến thức quan trọng cho bất kỳ lập trình viên nào muốn theo đuổi lĩnh vực Automotive.
“Tham gia Cuộc đua số, sinh viên có cơ hội thực hành tại sân chơi mô hình, còn khóa học sẽ trang bị thêm cho sinh viên kỹ năng nghề nghiệp”, ông Lâm nói.
Theo đó, học bổng khoá C++ mà FUNiX trao cho thí sinh sẽ giúp sinh viên đạt được những kiến thức và kỹ năng như: phân tích, thiết kế, cài đặt, ứng dụng bằng phương pháp hướng đối tượng; thiết kế, cài đặt giao diện đồ họa cho ứng dụng C++, hiểu về quy trình phát triển phần mềm cho ô tô, hiểu các chuẩn giao tiếp sử dụng phổ biến trên các ô tô đời mới.
Hoàn thành khóa học, sinh viên có thể lập trình ứng dụng cho ô tô như xe tự hành, hệ thống an toàn, hệ thống thông tin giải trí, quản lý kiểm soát ô tô, quản lý di động, tích hợp các thiết bị gia đình…
Ông Nguyễn Vũ Hạnh, Kiến trúc sư giải pháp của FPT Global Automotive (FGA), FPT Software cho biết những kiến thức và kỹ năng từ khóa học C++ mở ra cho người học nhiều cơ hội nghề nghiệp. Đó là cơ hội việc làm tại FGA, Vinfast, các trung tâm R&D về phần mềm ô tô của các hãng Huyndai, LG, Samsung ở Việt Nam, làm phần mềm nhúng ở các công ty Viettel, VNPT, FPT… Trong đó, FGA là đơn vị đặt hàng trực tiếp FUNiX đào tạo 500 lập trình viên Automotive. Sinh viên hoàn thành khóa C++ tại FUNiX chắc chắn có cơ hội việc làm tại FGA.
“Cuộc đua số là một cuộc chơi. Còn Automotive App Dev là một nghề tốt cho các bạn trẻ trong tương lai”, ông Phan Trường Lâm nhận định. Ông Nguyễn Thành Nam cũng tiết lộ ngành công nghiệp ô tô đang thu hút nhân lực công nghệ thông tin rất cao trong hai năm gần đây. Theo ông Nam, lập trình viên Automotive hiện có mức thu nhập trung bình gấp 1,5 đến 2 lần lập trình viên nói chung.
Bà Tuyết cho biết ban tổ chức sẽ trao học bổng C++ cho sinh viên ngay từ vòng thi trường. Tổng giá trị học bổng lên tới gần 500 triệu đồng.
Cuộc đua số 2018-2019 dành cho sinh viên các trường đại học trên cả nước. Bắt đầu từ tháng 11, mỗi đội thi sẽ trải qua ba vòng thi sơ khảo, bán kết, chung kết tương ứng các phần thi năng lực xử lý ảnh, phản biện và kỹ năng lập trình nhanh. Vòng chung kết dự kiến diễn ra trong tháng 5/2019.
Trước đó, Cuộc đua số 2017-2018 đã thu hút hơn 800 thí sinh của 32 trường đại học trên cả nước tham dự. Đội UET Fastest của Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội là nhà vô địch.
Nguyên Chương
Bình luận (0
)