Thay đổi hay là “chết”, khi kiểu dạy và học cũ đã dần lỗi thời!
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
‘Nếu thầy giáo mà gợi mở thì hiển nhiên học sinh sẽ không ngần ngại đặt câu hỏi. Tôi không phê phán người thầy mà muốn thay đổi môi trường học trong nhà trường…’ – Đó là những chia sẻ chân thành của TS. Nguyễn Thành Nam – người sáng lập ra Đại học trực tuyến FUNiX, đồng thời là tác giả của status “Học ngu” nhận được nhiều quan tâm trong thời gian vừa qua.
FUNiX xin được trích dẫn cuộc trò chuyện của TS. Nguyễn Thành Nam với kenh14.vn về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi từ phía người học.
Thầy giảng – trò nghe, quan niệm về chuyện dạy và học theo kiểu truyền thống dường như đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Họ cho rằng, việc đặt câu hỏi là do thầy, trả lời là do trò mà ít ai thấy rằng, tư duy và tinh thần phản biện mới là chìa khóa để khai mở nhưng cánh cửa tri thức mới.
Đặt câu hỏi, dù câu hỏi ấy có ngốc nghếch đến chừng nào thì đó vẫn là cách nhanh nhất để nối dài kiến thức, phát huy tinh thần sáng tạo của người học. Đây cũng là những nội dung chính được TS. Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch HĐQT ĐH FPT, nhà sáng lập Đại học Trực tuyến FUNiX chia sẻ trong status gây bão – “Hỏi ngu”.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với TS. Thành Nam với hy vọng hiểu rõ hơn quan điểm và cách nhìn nhận của ông về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi từ phía người học.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam là cựu học sinh Khối chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khóa 11 (1976-1979).
Năm 1988, ông tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, Liên Bang Nga và bảo vệ luận án tiến sĩ toán tại trường đại học này.
Ngày 13/9/1988, TS Nguyễn Thành Nam cùng với 12 người khác, đứng đầu là ông Trương Gia Bình, sáng lập ra Tập đoàn FPT. Từ đó đến nay, ông liên tục giữ những vị trí quan trọng tại FPT.
Hiện, TS Nguyễn Thành Nam đang là Phó chủ tịch HĐQT ĐH FPT đồng thời là nhà sáng lập ĐH Trực tuyến FUNiX.
Người học không biết đặt câu hỏi – Phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm
Xin chào TS. Nguyễn Thành Nam, mới đây bài viết “Hỏi ngu” của ông đã nhận được sự quan tâm của hàng chục nghìn người, tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều. Vậy trong thời gian qua, ông đã đón nhận những ý kiến đó ra sao?
Vấn đề tôi đưa ra không mới nhưng ít ai nói ra để mọi người cùng tranh luận. Khi tôi đưa vấn đề này ra, đa phần mọi người đều ủng hộ.
Rõ ràng, tôi thấy rằng các bạn trẻ Việt Nam đang rất thụ động trong việc học tập. Nhiều bạn trẻ còn quan niệm rằng việc dạy và học của thầy chứ không phải của trò và nếu cứ kéo dài tình trạng này, để các bạn trẻ không dám đặt câu hỏi thì không có lợi cho giáo dục.
Trong bài viết của mình, ông đã đưa ra câu khẳng định chắc nịch « Hỏi ngu là cách duy nhất để trưởng thành hoặc quan điểm học dốt nên mới không biết hỏi khiến nhiều người đặt lên bàn cân, tranh cãi đúng sai. Ông có nghĩ là mình đang tỏ thái độ khá gay gắt và chạm tới lòng tự ái của nhiều người trẻ ?
Tôi không nghĩ là mình đã nặng lời vì đa số các bạn trẻ đều công nhận vấn đề tôi đề cập là quá đúng. Các bạn trẻ chỉ băn khoăn nếu hỏi thì có được lợi hơn không.
Tôi cho rằng, sau này khi đi làm, nhất là làm việc với các đối tác nước ngoài, các bạn sẽ chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì không dám mạnh dạn đứng lên đặt câu hỏi, không dám thể hiện bản thân. Tuy nhiên, các bạn đã đánh mất cơ hội đó và sau cùng, chỉ thấy nuối tiếc mà thôi. Vì thế, thay vì tự ái thì chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này thẳng thắn hơn.
Ông có nói là học sinh Việt Nam rất thụ động trong việc học và lười đặt câu hỏi. Theo ông nguyên nhân vì sao lại như vậy ?
Trong câu chuyện này, ngoài trách nhiệm của người thầy thì có cả một phần lỗi từ phía phụ huynh. Trẻ em sinh ra tự bản thân đã có nhu cầu đặt câu hỏi, vì thế, nếu trẻ không muốn đặt câu hỏi là do người lớn đã không khuyến khích.
Tôi ví dụ: trong gia đình, nhiều phụ huynh thường hay có những câu nói như “Con hỏi để làm gì nhiều thế, lắm mồm, trẻ con biết gì mà hỏi….”. Những câu nói đó sẽ khiến trẻ em không muốn đặt câu hỏi.
Vậy, theo ông, phụ huynh nên làm gì để phát huy tinh thần phản biện của con ?
Trẻ em không cần câu trả lời đúng, trẻ em cần người lớn lắng nghe chúng, thậm chí bố mẹ có thể trả lời là “không biết” cũng không sao. Tuy nhiên, bố mẹ không nên né tránh hoặc mắng mỏ chúng.
Thế còn khi đi học thì sao? Ông nghĩ học sinh có gặp phải những rắc rối tương tự khi thầy, cô ngại trả lời câu hỏi của học trò ?
Thực tế có nhiều trường hợp thầy, cô giáo không trả lời được câu hỏi của trò. Khi đó họ thường lảng đi, ít quan tâm vì thầy cô cũng có nỗi sợ riêng như không có thời gian, lớp đông học sinh, phải dạy liên tục, dừng lại cháy giáo án nên không có thời gian cho học sinh. Vì thế, « bệnh » lười đặt câu hỏi của học trò ngày càng nặng thêm.
Tôi cho rằng, cách thiết kế trường học như hiện nay làm cho thầy và trò không có điều kiện để hỏi đáp.
Thay đổi hay là “chết” khi kiểu dạy và học cũ đã dần lỗi thời!
Theo ông, làm thế nào để phát huy tốt tinh thần chủ động, sáng tạo, ham đặt câu hỏi cho học sinh ?
Nếu thầy giáo mà gợi mở thì hiển nhiên học sinh sẽ không ngần ngại đặt câu hỏi. Tôi không phê phán người thầy mà muốn thay đổi môi trường học trong nhà trường.
Ai cũng nghĩ phải thay đổi cách dạy & học kiểu cũ nhưng làm được là rất khó trong ngôi trường truyền thống. Nếu muốn một thầy một trò thì phải đầu tư rất tốn kém.
Tuy nhiên, với môi trường học tập online thì chúng ta có thể giải quyết được bài toán này với chi phí tương đối chấp nhận được. Điều đó sẽ đảm bảo các học sinh sẽ được học những gì mình thích và hỏi thầy về những băn khoăn.Vì vậy, tôi cho rằng cần phải thay đổi môi trường để học sinh có động lực đặt câu hỏi.
Nhưng học tập online lại không thích hợp với các cấp học nhỏ. Vậy theo ông, hình thức này nên áp dụng khi nào là hợp lý ?
Tôi nghĩ sẽ là cấp đại học. Ở bậc học này, sinh viên cũng không bị quản lý quá chặt chẽ nên có thể thay đổi được. Vì vậy, chúng ta có cơ hội bắt buộc sinh viên phải hỏi, không hỏi thì thi trượt.
Quá trình đặt câu hỏi chính là quá trình học. Các bạn muốn hỏi thì phải tìm hiểu lại kiến thức và đó chính là cách học hiệu quả.
Các giải pháp ông đưa ra mới nhằm vào phía người học và môi trường học, thế còn về phái người thầy thì sao, họ đóng vai trò gì trong việc phát huy tính ham hỏi của học sinh ?
Tôi cho rằng cần phải thay đổi là thái độ của người thầy khi nhận câu hỏi. Vì vậy, phải tạo ra cho thầy một động cơ để trả lời. Cả thầy và trò phải cùng mục tiêu. Trò không hỏi thì không thi đỗ. Thầy không trả lời thì không có thu nhập.
Tức là ông đánh giá tuyệt đối vai trò của thu nhập?
Đó chỉ là một động lực chứ không phải là yếu tố duy nhất. Động lực quan trọng nhất chính là việc từ thiện tri thức vì người thầy rất thích được chia sẻ, họ cảm thấy mình có ích hơn khi giải đáp những câu hỏi của học trò.
Tôi đã thấy hình ảnh những người thầy vẫn thức đến 2 -3h sáng, để trả lời cho trò. So với số tiền họ nhận lại được là 1 USD/1 câu cho việc trả lời đó thì không đáng là bao nhiêu.
Trước đây, tôi nghĩ những bài giảng hay của những giáo sư nổi tiếng hàng đầu thế giới sẽ rất đắt vì đó tâm huyết của họ.Nhưng thực tế đa phần những bài giảng này đều là miễn phí. Bởi vì những giáo sư hàng đầu thế giới cũng có nhu cầu từ thiện tri thức để thấy rằng mình là người có ích.
Các mentor ở đại học trực tuyến FUNiX cũng là một trường hợp như thế. Số tiền 1 USD/1 câu không đáng để mentor thức đêm nhưng những người này cảm thấy mang lại lợi ích cho các học viên.
Ông nói rằng giáo viên ham từ thiện tri thức, liệu đó có phải là một sự ban phát và người cho đang ở thế trên?
Tôi nghĩ đó là sự bình đẳng. Từ thiện tri thức khác với mang 1.000 USD cho đi vì tiền cho đi là mất, tri thức cho đi không mất, thậm chí nó còn được phát triển theo cấp số nhân.
Góc nhìn tôi muốn đưa ra là khi không biết thì phải hỏi, hỏi trong học tập, hỏi trong cuộc sống.
Xin cảm ơn về những chia sẻ rất thú vị của TS. Thành Nam. Chúc ông sức khỏe và thành công trong cuộc sống!
Hỏi ngu! Hồi mới bắt đầu Fsoft, có lần có khách hàng sang dạy cho quân ta một công nghệ mới. Nguyên cả buổi chiều vất vả dạy dỗ, tối đến khách hàng tâm sự: Nam ạ, bọn tao không thể làm với chúng mày được. Quân của chúng mày dốt quá. Tôi tức lắm hỏi lại, mày mới dạy một buổi sao biết quân tao dốt? Thì dạy xong tao hỏi có đứa nào có câu hỏi gì không? Không thấy thằng nào giơ tay. Chứng tỏ là chẳng thằng nào hiểu gì. Thế là chúng tôi mất béng cái hợp đồng đấy.
Ngẫm nghĩ lại thấy khách hàng hoàn toàn có lý. Tưởng sau nhiều năm, giới trẻ sẽ tiến bộ lên, ai ngờ càng ngày càng tệ. Bây giờ đi dạy, mỗi khi hỏi: có ai muốn hỏi hoặc có ý kiến gì không? Thì thấy các sinh viên tự nhiên cắm đầu xuống hết: Mà không chỉ sinh viên mới lớn, quen ngoan ngoãn nghe lời. Mà cả các học viên trưởng thành hơn, tự tin hơn, đã đi làm, học các loại MBA, hay executive development cũng thế. Nghĩ tiếc anh em bỏ thời gian, bỏ tiền đi học, tôi thường yêu cầu học viên nào có những vấn đề nào cần quan tâm thì đăng ký trước, để mình có thể điều chỉnh bài giảng. Vậy mà không ít lần phải phát cáu: đến đây chẳng hát thì hò, chẳng phải con cò ngóng cổ lên nghe.
Các anh chị không có câu hỏi gì, thì tốt nhất giải tán lớp, tôi cũng đỡ phải dạy, các anh chị có thể đi chơi giao lưu. Tại sao lớp trẻ tự nhiên lại ì ra như vậy. Có lẽ các bạn ấy không biết rằng, hỏi ngu là cách duy nhất để trưởng thành!
Bình luận (0
)