Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
Founder FUNiX TS. Nguyễn Thành Nam nhận định phụ huynh cần coi việc đồng hành cùng con trong hành trình hướng nghiệp là một ưu tiên.
- Hướng nghiệp là tạo cơ hội để các con tự tìm ra con đường của mình
- FUNiX đồng hành cùng Trường Marie Curie tư vấn hướng nghiệp trực tuyến
- Đài VOH phỏng vấn Founder FUNiX về xCareer: “Thái độ tìm việc quan trọng hơn trình độ”
- Đài ABC News (Mỹ) phỏng vấn Founder FUNiX
- Làm thế nào để tìm nghề nghiệp phù hợp với bạn
Table of Contents
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay mờ mịt, lúng túng trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Tình trạng chọn sai nghề, học sai trường, bỏ ngang hoặc không làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp rất phổ biến. Điều này là do các em không có thông tin đầy đủ, không được hướng nghiệp từ sớm.
Phụ huynh cần coi hướng nghiệp cho con là một ưu tiên
Theo Founder FUNiX TS. Nguyễn Thành Nam, gia đình nên đóng vai trò chính trong việc hướng nghiệp cho các bạn trẻ. “Hướng nghiệp là quá trình con chủ động đi tìm kiếm ngành nghề phù hợp với sự đồng hành của bố mẹ. Phụ huynh cần xác định do đây là một việc khó, mất nhiều thời gian, công sức nên cần được đặt là một ưu tiên”, ông chia sẻ trong chương trình podcast “Người Trong Muôn Nghề” – dự án hướng nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt Nam của nền tảng mạng xã hội Spiderum.
Cựu Tổng Giám đốc FPT cho rằng nếu bố mẹ yêu thích công việc của mình thì nên hướng cho con đi theo, bồi dưỡng hứng thú thông qua việc đưa con đến văn phòng, khi làm việc cho con ở bên cạnh… Như vậy, dù các bạn không phù hợp với nghề vẫn sẽ học được thái độ nghiêm túc, đam mê với nghề nghiệp từ bố mẹ.
Đồng tình với quan điểm của ông Nam, Nguyễn Đình Anh (sinh năm 2003), cựu học viên và hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển Sản phẩm tại FUNiX, chia sẻ về câu chuyện hướng nghiệp của bản thân tại buổi podcast. Có bố làm trong ngành IT, Đình Anh được khuyến khích tìm hiểu về CNTT và bồi dưỡng đam mê với lập trình từ bé.
Không muốn đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay từ khi còn là học sinh lớp 10, cậu đăng ký Chương trình Kỹ thuật Phần mềm tại FUNiX. Trong ba năm cấp 3, Đình Anh hoàn thành Chương trình, được ĐH FPT công nhận để chuyển đổi tín chỉ tương đương 50% chương trình đại học chính quy. Ở tuổi 20, cậu nắm trong tay tấm bằng cử nhân CNTT đồng thời tích lũy ba năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Mục tiêu hướng nghiệp không phải để tìm một “lựa chọn đúng”
Trong trường hợp các bạn trẻ không xác định được năng lực, sở thích của mình, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng phụ huynh có thể hướng dẫn con tham khảo danh sách ngành nghề được thống kê trên website của bộ Giáo dục – Đào tạo. Từ đó, các bạn có thể tìm hiểu thông tin từ Internet; gặp gỡ với bạn bè của gia đình làm trong những ngành mình quan tâm để được tư vấn, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế; dần thu hẹp lựa chọn ngành nghề.
Nếu không đồng ý với lựa chọn nghề nghiệp mà con chọn, ông cho rằng bố mẹ không nên áp đặt mà nên tìm hiểu nguồn thông tin của con, xác định mức độ tin cậy, nghiên cứu kỹ hơn về nghề, sau đó cùng trao đổi với con để tìm ra tiếng nói chung.
“Mục đích của hướng nghiệp không phải tìm ra một lựa chọn đúng, vì sai thì có thể sửa và không ai có thể đảm bảo nghề chọn đầu tiên là đúng. Điều quan trọng là trong hành trình này, các bạn trẻ phải nắm vai trò chủ động, với sự đồng hành của gia đình”, ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của một người trẻ, Đinh Anh cho rằng trong trường hợp này, các bạn trẻ phải chứng minh được cho bố mẹ thấy mình có thể sống được với nghề đã chọn. Nếu không thể, các bạn chỉ nên coi đó là sở thích và thử sức với một ngành khác với tiềm năng thu nhập tốt hơn.
Giáo dục Việt Nam không bồi dưỡng tinh thần chủ động
Về vai trò của nhà trường trong việc rèn luyện tinh thần chủ động cho thế hệ trẻ, Founder FUNiX đánh giá đây là sự thiếu hụt lớn nhất của giáo dục Việt Nam. Trong nhà trường hiện nay, không có bất kỳ tiêu chí nào để đánh giá tính chủ động, bảng điểm là yếu tố duy nhất để chứng minh năng lực của học sinh. Tuy nhiên, khi các bạn bước vào cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải là “học giỏi” mà là bản lĩnh dám ra quyết định, dám chấp nhận sai. Trong thời đại internet, điều này đồng nghĩa với tinh thần dám thử thách, không hoang mang khi đối mặt với những thay đổi công nghệ.
“Giáo dục Việt Nam không bồi dưỡng tinh thần này nên tạo ra một xã hội bi quan, nhìn thấy vấn đề nhiều hơn là cơ hội. Ví dụ, ChatGPT bị nhiều người coi là mối đe dọa thay vì công cụ để giải phóng lao động, nâng tầm tư duy và sức sáng tạo của con người,” Cựu Tổng Giám đốc FPT nhận định.
Trong khi đó, sự ra đời của Internet đã mở rộng cơ hội thành công cho những người Việt có tinh thần chủ động hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Internet đã phá bỏ biên giới về kiến thức, tài chính, quan hệ; xóa nhòa khoảng cách, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Chính bởi vậy, những người biết chủ động học hỏi, thử thách bản thân thì dù sống ở đâu cơ hội thành công đều rất cao.
Vì hạn chế của nhà trường Việt Nam, gia đình đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm. Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng thay vì bắt con dành quá nhiều thời gian đi học thêm, làm đẹp bảng điểm, phụ huynh nên khuyến khích con dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để lên mạng tự học kỹ năng mới, tìm tòi về những lĩnh vực mình thấy hứng thú… Đặc biệt, các bạn nên sớm trang bị nền tảng kiến thức CNTT bởi nó có thể hỗ trợ cho tất cả các ngành nghề khác, đồng thời cũng là công cụ tốt nhất để thử năng lực tự học của bản thân.
“Qua quá trình này, các bạn sẽ được rèn luyện khả năng tự học, tự ra quyết định và tìm lời giải cho những vấn đề của mình,” ông khẳng định.
Với các bạn trẻ đang hoang mang về lựa chọn nghề nghiệp, khách mời trẻ tuổi Nguyễn Đình Anh nhắn nhủ: “Ai cũng có thể thành công nếu chủ động tìm kiếm và tự tin đi theo con đường đã chọn. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”.
Xem lại chương trình tại:
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)