Chọn nhầm ngành cũng là cái tội | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Chọn nhầm ngành cũng là cái tội

Góc nhìn 09/05/2017

Có sự nghiệp riêng nhưng mỗi khi ngẫm lại khoảng thời gian học đại học, tôi hối hận vì không dám từ bỏ ngành đã chọn để theo đuổi đam mê.

Cứ cố vào đại học cho bằng bạn bè mà không xác định rõ khả năng, thế mạnh, ước mơ của bản thân mình là gì. Kết quả là dù tốt nghiệp loại khá ở một trường đại học có tiếng tại Hà Nội, tôi vẫn không xin được việc làm, chẳng thể vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế và trải qua những tháng ngày tẻ nhạt ở giảng đường. Giờ ngẫm lại, tôi mới thấy, chọn nhầm trường, nhầm nghề nên bị xem là cái tội.

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 2007, tôi khăn gói lên Hà Nội thi vào khoa mỹ thuật của một trường đại học lớn.

Thời đó, với một học sinh tỉnh lẻ như tôi, việc tốt nghiệp cấp 3 và đỗ đại học là niềm vinh dự cho gia đình và bước ngoặt mới cho bản thân. Đây là điều mà bản thân tôi luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nghĩ về.

Suốt những tháng năm trên ghế giảng đường, tôi đã nếm trải qua biết bao vui buồn, đắng cay… Nếp nhăn in hằn sự vất vả của bố mẹ ở quê xuất hiện ngày một nhiều hơn vì phải chắt chiu để có tiền lo tiền học phí và sinh hoạt cho con.

Môi trường học hoàn toàn mới, những kiến thức từ thầy cô, bè bạn, cùng kinh nghiệm sống đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị. Thế nhưng, tôi chợt nhận ra những kiến thức học được ở trường (chuyên ngành mỹ thuật hội họa) lại không phù hợp với những gì mà tôi đam mê, thực sự muốn theo đuổi.

Sau 4 năm cố gắng, cuối cùng ngày tốt nghiệp đại học cũng đến. Tôi quyết định không xin đi làm ngay mà về quê ít tháng để được yên tĩnh và định hình nghề nghiệp sẽ làm, làm như thế nào và ở đâu… Dù cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá trên tay, nhưng tôi hoàn toàn bị mất phương hướng và chẳng biết bản thân sẽ làm gì với những kiến thức đã học.

Thời gian đó, tôi được bố mẹ động viên rất nhiều, nhưng dần dần cũng tỏ ra sốt ruột khi con trai ra trường nửa năm mà chưa có ý định đi làm. Dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng, bố mẹ đã xin cho tôi một công việc ở quê với mức lương khoảng hơn 3 triệu đồng một tháng.

Tôi đã gạt ngay đề nghị đó và tính toán cho bố mẹ tôi hiểu rằng bỏ ra hàng trăm triệu để xin việc lương hơn 3 triệu là điều không hợp lý chút nào. Tính ra tôi sẽ mất gần chục năm không ăn uống, không chi tiêu thì mới hoàn lại số tiền đó.

Đây chính là một sự đầu tư rất sai lầm mà nhiều ông bố, bà mẹ ở quê đã chạy việc cho con cái theo cách như vậy. Tất cả cũng chỉ vì cái “danh” rằng con mình ra trường đã có việc làm hoặc muốn cho con cái mình được ổn định, có công có việc như bao người.

Tôi cảm thấy hối tiếc trước quyết định khi xưa. Nếu số tiền tiêu trong 4 năm học đó dùng vào việc đầu tư đúng chuyên ngành là mỹ thuật ứng dụng thì chắc giờ đây đã khác rất nhiều, sẽ có một công việc đúng với đam mê và sở thích.

Không chấp nhận thực tế là như vậy, tôi trở lại Hà Nội và bắt đầu tự tìm kiếm việc làm cho mình. Lúc đầu, tôi xin vào làm đúng chuyên ngành đã học, nhưng mức lương quá thấp, không đủ sống; khi tìm đúng chuyên ngành thì một số nơi cần người có kinh nghiệm làm việc… Điều này đã khiến tôi rơi vào bế tắc.

Sau nhiều năm loay hoay tìm việc phù hợp với đam mê, tôi nhận ra tấm bằng đại học chẳng có trách nhiệm gì với mình. Nếu bạn không có đam mê hoặc không có cơ sở để sử dụng, hãy cất nó đi hoặc treo lên như một bức tranh kỷ niệm.

Nếu ngay từ đầu, mỗi người có định hướng khác, kinh doanh, buôn bán hoặc làm bất cứ gì ra tiền mà không phạm pháp thì hãy cân nhắc việc đi học đại học hay không. Vì suy cho cùng, học đại học cũng chỉ để tìm công việc và có tiền nuôi sống bản thân, báo hiếu gia đình. Vậy thì tại sao phải tốn thêm 3-4 năm, thậm chí 5-6 năm để đi học đại học mà ngay bây giờ các bạn có thể làm được điều đó?

Tôi không khuyên các bạn trẻ đừng đi học đại học mà muốn nói với các bạn rằng hãy chọn nghề thật kỹ. Học gì? Sau này ra trường có hướng đi tiếp theo hay không?. Một lời khuyên mà tôi muốn dành cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời là không nên thụ động rập khuôn một công thức thành công nào, như chuyện học đại học cũng vậy. Vì nếu thực sự nghĩ ngành học không có tương lai thì nên xác định dừng lại để đỡ phí tiền gia đình và thời gian của bản thân.

Thực chất, đại học cũng mang lại nhiều điều tích cực như cuộc sống mới, môi trường mới và tích luỹ nhiều kinh nghiệm sống hơn, nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn một nghề đúng với sở trường và đam mê, quan trọng phải thực tế với cuộc sống.

Điều mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là: “Đời người ngắn lắm. Tại sao cứ phải đi theo lối mòn cơ chứ? Mạnh mẽ lên, hãy đi theo con đường mình đã chọn và về đích nhanh nhất. Hãy luôn luôn tin vào bản thân mình. Quan trọng nhất là làm những việc đúng với đam mê, đam mê nhưng không hão huyền…”.

Lê Hải Sơn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại