AI có nên được đối xử như con người hay không?
Bài viết này sẽ đi sâu vào vấn đề đạo đức của trí tuệ nhân tạo.
- Giải pháp đào tạo nhân sự doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI
- Muốn làm lập trình viên thì học ngành gì và học ở đâu?
- Trợ lý AI cho marketing - công cụ hiệu quả cho các nhà tiếp thị
- Tìm hiểu khoá học tool AI cho marketing tại FUNiX
- Khoá học AI Marketing FUNiX - Cơ hội cho tương lai của nhà tiếp thị
Table of Contents
Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa đạt đến trình độ tương đương với con người. Nhưng với việc công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, nhiều vấn đề đạo đức đã nảy sinh.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Trí tuệ nhân tạo giống con người tới mức nào? Chúng có biết nghĩ cho bản thân hoặc có ham muốn hay cảm xúc không? Chúng có nên có quyền hợp pháp như con người không? Chúng có nên bị buộc phải làm việc, hay phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra?
Chúng tôi sẽ đi sâu vào những câu hỏi đó và hơn thế nữa trong bài viết này.
1. Đạo đức của AI: Tại sao lại đáng suy ngẫm?
AI và đạo đức máy móc (machine ethics) là hai lĩnh vực liên quan tới nhau và ngày càng được quan tâm. Chúng liên quan đến các khía cạnh quan trọng của công nghệ bao gồm cách chúng ta thiết kế, sử dụng và xử lý máy móc. Hầu hết các vấn đề này đều liên quan đến sự an toàn của con người.
Tuy nhiên, đạo đức AI đang bắt đầu vượt qua những vấn đề cơ bản này và chuyển sang những lĩnh vực gây tranh cãi hơn. Hãy tưởng tượng, trong vài thập kỷ tới, một AI siêu thông minh được phát triển, có khả năng nhận thức và thể hiện ham muốn, cảm xúc hoặc có khả năng trải nghiệm sự đau khổ. Vì chúng ta hiện nay thậm chí còn không biết rõ định nghĩa về ý thức của con người hay cách nó phát sinh, cho nên điều này không phải là một giả thuyết xa vời.
Chúng ta sẽ định nghĩa và đối xử với một AI như vậy như thế nào? Và những vấn đề đạo đức chúng ta đang phải đối mặt với trình độ AI hiện tại là gì?
Hãy cùng xem xét những tình huống khó xử về mặt đạo đức mà chúng ta đang phải đối mặt.
>>> THAM KHẢO NGAY: Công nghệ AI là gì? Những ứng dụng của công nghệ AI
2. Trí tuệ nhân tạo AI có nên có quyền công dân không?
Vào năm 2017, chính phủ Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân đầy đủ cho Sophia: một trong những robot điều khiển bằng AI giống thật nhất trên thế giới. Sophia có thể tham gia trò chuyện và có thể bắt chước 62 nét mặt của con người. Sophia là thứ không-phải-con-người đầu tiên có hộ chiếu và sở hữu thẻ tín dụng.
Quyết định đưa Sophia trở thành công dân đã gây nhiều tranh cãi. Vài người coi đó là một bước tiến lớn. Họ cho rằng điều quan trọng là mọi người và các cơ quan quản lý phải quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. Những người khác thì lại coi việc này là sự xúc phạm đến phẩm giá con người, họ cho rằng AI vẫn chưa trở thành con người – và toàn xã hội chưa sẵn sàng cho các công dân robot.
Cuộc tranh luận trở nên sôi nổi bởi những quyền và nghĩa vụ mà công dân phải gánh chịu. Những điều này bao gồm quyền bầu cử, đóng thuế, kết hôn và sinh con. Nếu Sophia được phép bỏ phiếu, thì ai là người thực sự bỏ phiếu? Với tình trạng hiện tại của AI, phải chăng người sáng tạo ra cô ấy đang bỏ phiếu? Một lời chỉ trích gay gắt khác là Sophia được trao nhiều quyền hơn phụ nữ và công nhân nhập cư đang sống tại Ả Rập Xê Út.
3. AI và Quyền sở hữu trí tuệ: Chúng có được quyền sở hữu thứ chúng tạo ra hay không?
Các cuộc thảo luận xung quanh mối quan tâm về Quyền sở hữu trí tuệ – Intellectual property (IP) và quyền riêng tư đã đạt ngưỡng cao nhất mọi thời đại, và giờ đây lại nảy sinh một mối quan tâm khác. AI đang được sử dụng ngày càng nhiều để phát triển nội dung, sản xuất ý tưởng và thực hiện các hành động khác tuân theo luật sở hữu trí tuệ. Ví dụ, vào năm 2016 The Washington Post đã cho ra mắt Heliograf – một phóng viên AI, nó đã phát triển gần một nghìn bài báo trong năm đầu tiên ra đời. Một số ngành công nghiệp cũng sử dụng AI để tìm kiếm lượng dữ liệu khổng lồ và phát triển các sản phẩm mới, chẳng hạn như ngành dược phẩm.
Hiện nay, AI được coi là một công cụ; tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và pháp lý được trao cho chủ sở hữu của nó. Nhưng EU đã xem xét tới việc tạo ra một thực thể thứ ba, một “nhân cách điện tử”, sẽ trở thành một thực thể hợp pháp theo luật sở hữu trí tuệ.
Một số người cho rằng việc không có quyền sở hữu trí tuệ được cấp cho chủ sở hữu sẽ làm giảm động lực để xây dựng AI “biết sáng tạo”. Nếu quyền sở hữu trí tuệ thuộc về AI, tại sao con người lại phải đi phát triển chúng làm gì? Vì thế, họ tin rằng con người sẽ dần thiếu đi tư duy sáng tạo.
>>> Đọc ngay: Trí tuệ nhân tạo hoạt động như thế nào? Tại sao nó quan trọng?
4. AI và tương lai của công việc
Vai trò của AI trong công việc đang là một câu hỏi hóc búa. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy việc sử dụng AI gây tranh cãi trong các các thuật toán tuyển dụng và sa thải, trong đó AI vô tình thiên vị một nhóm người nhất định. AI cũng đang dần thay thế các công việc của con người – đầu tiên là lao động chân tay, và bây giờ là lao động trí óc ở trình độ cao hơn.
Chúng ta nên làm gì với thực trạng này? Và điều gì sẽ xảy ra nếu AI có ý thức được phát triển? Có nên bắt chúng phải làm việc không? Chúng có được đền bù cho sức lao động của bản thân hay không? Chúng có được cấp quyền tại nơi làm việc không?, v.v…
Trong một tập của Black Mirror (một chương trình truyền hình nổi tiếng với việc “xoắn não” người xem), một cô gái tên là Greta đã tạo ra một bản sao kỹ thuật số ý thức bản thân mình. Bản sao được cho biết rằng mục đích của nó là thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho cuộc sống của Greta. Nhưng, với ý thức của Greta, bản sao tự coi mình là Greta. Vì vậy, khi bản sao từ chối làm nô lệ, người tạo ra nó đã tra tấn nó và bắt nó phải phục tùng. Cuối cùng, bản sao vẫn phải làm việc cho Greta.
Chúng ta có nên cấp trước một số quyền nhất định cho AI trong trường hợp chúng tin rằng mình là con người hoặc có khả năng trải nghiệm sự đau khổ?
Để tiến tới một bước này, hãy xem xét liệu AI có nên được tự mình ngừng hoạt động hay không. Hiện tại, khi có sự cố, chúng ta chỉ cần rút phích cắm và tắt AI. Nhưng, nếu AI có quyền hợp pháp và việc này không còn khả thi nữa, thì điều gì sẽ xảy ra?
Một ví dụ nổi tiếng về trí tuệ nhân tạo siêu thông minh đi sai đường là công cụ tối đa hóa kẹp giấy (paperclip maximizer) – một thử nghiệm tư duy được nhà triết học Thụy Điển Nick Bostrom mô tả vào năm 2003. Nó minh họa rủi ro tồn tại mà trí thông minh nhân tạo nói chung có thể gây ra cho con người khi được lập trình để theo đuổi những mục tiêu dường như vô hại và sự cần thiết của việc kết hợp đạo đức máy móc vào trí tuệ nhân tạo thiết kế. Kịch bản này mô tả một trí tuệ nhân tạo tiên tiến được giao nhiệm vụ sản xuất kẹp giấy. Nếu một cỗ máy như vậy không được lập trình để coi trọng sự sống của con người, sau đó được cung cấp đủ sức mạnh, nó sẽ cố gắng biến tất cả vật chất trong vũ trụ, bao gồm cả con người, thành kẹp giấy.
5. AI có nên chịu trách nhiệm?
AI đã và đang chịu trách nhiệm cho nhiều quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Trên thực tế, AI đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, điều này rất đáng lo ngại vì nhiều thuật toán AI tỏ ra rất thiên vị.
Ví dụ, AI được các công ty lớn sử dụng để quyết định ai nên được thuê để thực hiện một công việc. Nó cũng được sử dụng ở một số quốc gia để xác định ai sẽ được nhận phúc lợi. Đáng lo ngại hơn, nó được cảnh sát và hệ thống tòa án sử dụng để xác định mức án cho các bị cáo. Và đó còn không phải là tất cả.
Điều gì xảy ra khi AI mắc lỗi? Ai phải chịu trách nhiệm – hay là những người sử dụng nó? Ngoài những người sáng tạo ra AI, bản thân AI có bị trừng phạt hay không (và nếu có, điều đó sẽ diễn ra như thế nào)?
>>> ĐỌC NGAY: Tương lai của AI: 5 điều mong đợi trong 10 năm tới
6. AI và Nhân loại
AI sẽ không bao giờ trở thành con người. Nhưng nó có thể có ý thức, trải nghiệm đau khổ, hoặc có mong muốn và ham muốn. Nếu một AI như thế được phát triển, liệu có vi phạm đạo đức nếu chúng ta bắt nó phải làm việc, thoải mái ngừng hoạt động của nó hay làm những việc khiến nó phải đau khổ?
Mặc dù việc phát triển AI vẫn còn trong tình trạng sơ khai, nhưng nó đã được sử dụng cho những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người, đôi khi là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cần phải đưa ra những quyết định về cách điều chỉnh tốt nhất cho cuộc sống con người và cuộc sống của AI sau này.
Dịch từ: https://www.makeuseof.com/should-ai-be-treated-like-humans/
>>> Nếu bạn đang có nhu cầu học lập trình trực tuyến, tìm hiểu ngay tại đây:
>>> Xem thêm bài viết:
Công nghệ AI là gì? Những ứng dụng của công nghệ AI
Tương lai trí tuệ nhân tạo AI trong kỷ nguyên số
Ngôn ngữ lập trình nên học khi học lập trình trí tuệ nhân tạo
Những phẩm chất cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo
Sức hút từ lĩnh vực AI – Trí tuệ nhân tạo với người Việt trẻ
Dương Hoàng
Bình luận (0
)