Cách điện thoại có thể bị tấn công từ xa và cách phòng tránh

Cách điện thoại có thể bị tấn công từ xa và cách phòng tránh

Chia sẻ kiến thức 24/11/2022

Bạn nghĩ rằng tất cả dữ liệu trên điện thoại đều an toàn trong tay của bạn? Dưới đây là cách điện thoại của bạn có thể bị tấn công từ xa.

Chúng ta sử dụng điện thoại cho hầu hết mọi thứ — từ thanh toán hóa đơn đến gửi email. Chúng chứa nhiều thông tin nhạy cảm về cuộc sống của chúng ta. Và nếu dữ liệu đó rơi vào tay kẻ xấu, điều đó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. 

 

Để tránh những điều như vậy, bạn cần biết cách điện thoại của mình có thể bị tấn công từ xa và cách giải quyết. 

Hack điện thoại từ xa như thế nào?

Một chiếc điện thoại có thể bị tấn công từ xa như thế nào? Tội phạm mạng tìm ra nhiều cách độc đáo để truy cập điện thoại thông minh của mọi người và theo dõi họ. Thông thường, chúng tìm kiếm một số lỗ hổng trong hệ điều hành hoặc lừa mọi người tải phần mềm độc hại xuống thiết bị.

Bên cạnh các phương pháp chung, một số cách khác mà tin tặc sử dụng để hack điện thoại từ xa bao gồm:

 
  • Thông qua mạng Wi-Fi công cộng: Tội phạm mạng tạo ra các mạng Wi-Fi giả và khi bạn kết nối với chúng bằng điện thoại, bạn sẽ được chuyển hướng đến các trang web độc hại.
  • Tráo đổi SIM: Tin tặc chuyển số điện thoại của bạn sang thiết bị của chúng qua đó giành quyền truy cập vào tài khoản của bạn.
  • Email hoặc tin nhắn lừa đảo (phishing): Tin tặc gửi email cho bạn với một đường link độc hại và cố gắng lừa bạn nhấp vào nó. Những email hoặc tin nhắn như vậy có thể trông rất thật và đôi khi khó mà phân biệt giữa một trang web độc hại và một trang web hợp pháp.

Làm cách nào để biết rằng điện thoại của bạn bị hack?

Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này trên điện thoại của mình, có khả năng điện thoại của bạn đã bị tấn công:

  1. Mức sử dụng dữ liệu tăng đột biến mà không rõ lý do
  2. Tiêu hao pin quá mức
  3. Mất rất lâu để khởi chạy ứng dụng
  4. Điện thoại tự động khởi động lại
  5. Cửa sổ bật lên (pop-up) kỳ lạ
  6. Có tiếng ồn khi chạy
  7. Xuất hiện ứng dụng bạn không nhớ đã cài đặt
  8. Những cuộc điện thoại lạ
  9. Hoạt động bất thường trên những tài khoản được liên kết với điện thoại
 

Cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các dấu hiệu trên đều liên quan đến hack. Ví dụ: nếu bạn mất nhiều thời gian để khởi chạy một ứng dụng, có thể có vấn đề với hiệu suất của điện thoại hoặc bạn đang chạy phiên bản cũ của ứng dụng và cần nâng cấp.

Nhưng nếu bạn nhận thấy hoạt động lạ trên tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ tài khoản nào khác mà bạn có quyền truy cập từ điện thoại, thì rất có thể bạn đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. 

Một cách khác để biết thiết bị của bạn có bị tấn công hay không là sử dụng phần mềm chống vi-rút để quét bảo mật trên thiết bị. Nếu có bất cứ điều gì đáng ngờ, phần mềm chống vi-rút sẽ phát hiện ra nó. 

Cách xóa tin tặc khỏi điện thoại

Trước hết, bạn nên khôi phục cài đặt gốc (factory reset) cho thiết bị. Cần lưu ý rằng điều này cũng sẽ xóa mọi tệp được lưu trữ trên thiết bị

 

Nếu bạn không muốn khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại, có một số cách khác mà bạn có thể thử:

  • Loại bỏ các ứng dụng đáng ngờ: Tìm kiếm các ứng dụng mà bạn chưa tự cài đặt trên điện thoại và xóa chúng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ có hiệu quả. 
  • Cài đặt ứng dụng chống vi-rút: Ứng dụng này có thể phát hiện bất kỳ phần mềm hoặc quy trình độc hại nào trên thiết bị của bạn và giúp bạn bảo vệ điện thoại của mình khỏi các cuộc tấn công trong tương lai.
  • Thông báo cho những người trong danh sách liên hệ của bạn rằng bạn đã bị tấn công: Tốt nhất hãy khuyên họ không nên mở bất kỳ tin nhắn đáng ngờ nào từ số điện thoại của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi mật khẩu tài khoản của mình, ví dụ như mật mã của thiết bị, tài khoản mạng xã hội, Apple ID, tài khoản Google, email và ngân hàng trực tuyến. Hãy đảm bảo bạn tạo mật khẩu mạnh cho tài khoản của mình.

Cách ngăn chặn tin tặc xâm nhập vào thiết bị của bạn

Bạn có thể thực hiện một số hành động để bảo vệ điện thoại và mọi thông tin cá nhân được lưu trữ trên đó khỏi tin tặc:

 
  1. Khóa điện thoại. Bạn nên tạo một mật khẩu mạnh để khóa màn hình thiết bị. Nếu điện thoại có các tính năng như Touch ID hoặc Face ID, thì bạn nên sử dụng nó. 
  2. Không bật dữ liệu di động hoặc Wi-Fi trừ khi bạn cần dùng đến chúng, để ngăn phần mềm độc hại sử dụng dữ liệu của bạn.
  3. Tắt tính năng điểm phát sóng (mobile hotspot) ở nơi đông người. Việc bật điểm phát sóng giúp tin tặc truy cập thiết bị của bạn dễ dàng hơn. Và nếu bạn bắt buộc phải sử dụng tính năng này, hãy đảm bảo rằng bạn đặt mật khẩu mạnh.
  4. Kiểm tra danh sách ứng dụng cài đặt trên thiết bị. Nếu bạn tìm thấy bất kỳ ứng dụng đáng ngờ nào, hãy gỡ cài đặt ngay lập tức.
  5. Không nhấp vào các đường link đáng ngờ. Nếu bạn nhận được một tin nhắn lạ từ bạn bè yêu cầu bạn nhấp vào một đường link để mở một trang web ngẫu nhiên nào đó, hãy cân nhắc kỹ trước khi bấm, bởi phần mềm độc hại có thể ẩn trong đó.
  6. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị.
  7. Đừng bẻ khóa (jailbreak) điện thoại. Điều này có thể làm tăng khả năng điện thoại bị tấn công sau này.
  8. Sử dụng xác thực hai yếu tố. Một lớp bảo mật bổ sung cho ứng dụng sẽ đảm bảo rằng bạn là người duy nhất có thể truy cập chúng.
  9. Cài đặt chương trình chống vi-rút đáng tin cậy.

Vân Nguyễn

Dịch từ: https://www.makeuseof.com/how-to-stop-phone-hackers/

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại